Những trang viết cuộc đời

- Nhà văn, nhà giáo Trần Huy Vân tên thật là Trần Quốc Cừ, là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hiện ông ở xã Trường Sinh, một vùng đất ven sông Lô vùng hạ huyện Sơn Dương.

80 tuổi nhưng nhà văn Trần Huy Vân vẫn sử dụng thành thạo máy tính cho công việc viết lách của mình.

Đã có lần ngồi trên thuyền cùng nhà văn Trần Huy Vân đi dự trại sáng tác ở Na Hang, Lâm Bình, tôi thấy ông ít nói, song tích cực lắng nghe và quan sát. Qua đọc truyện ngắn “Tiếng sáo” mới đăng trên Báo Tuyên Quang Cuối tuần, tôi thấy hiện ra một Trần Huy Vân khác hẳn, sắc sảo, hóm hỉnh và tình đời. Những tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký của ông mang dáng dấp về trang viết cuộc đời.
Một ngày thứ bảy đẹp trời tôi phóng xe về xã Trường Sinh, đi trên trườn đê thấy khung cảnh làng quê thật yên bình.

Ở đây vừa có sông, đê, soi bãi và vùng đồi núi cao xen kẽ. Con đường bê tông khang trang từ chương trình nông thôn mới dẫn tôi vào thôn Phú Thọ 1. Căn nhà xây cấp 4 mới được sửa lại của nhà văn Trần Huy Vân nằm trên sườn đồi cao với cây cối xanh tươi, có hướng nhìn ra cánh đồng rất thơ mộng. Hai ông bà ở với nhau, xung quanh là nhà các con cháu đã phương trưởng. Nhà văn Trần Huy Vân còn dựng thêm một ngôi nhà nhỏ ra bên chái nhà lớn làm nơi yên tĩnh viết văn. Ngôi nhà kê đủ 1 chiếc giường, 1 kệ sách, những chiếc hòm tôn để tài liệu, bản thảo và một chỗ ngồi làm việc hướng ra cửa sổ. Ngần ấy thôi đã thấy ông quý trọng nghề viết văn như thế nào.

Sau chén chè đặc, nhà văn Trần Huy Vân tâm sự, ông quê xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông sinh năm 1942, cầm tinh con Ngựa nên được mệnh danh đi nhiều và tính tình cũng bộc trực, thẳng thắn. Năm 1966 khi tốt nghiệp trường Sư phạm 10 + 2 Thái Bình, ông lên Tuyên Quang dạy học. Sau vài ngày đi bộ ông và một người bạn đã đặt chân lên đất Tuyên Quang, nhưng người đói lả. Một bà cụ người địa phương thấy vậy nhổ sắn luộc cho ăn và biếu mang đi ăn dọc đường khiến ông xúc động nhớ mãi đến bây giờ. Nhà giáo Trần Quốc Cừ lúc đầu dạy Toán cấp 2, sau bổ túc thêm Đại học Sư phạm ông lại về dạy Văn ở trường cấp 3 Hồng Lạc. Nghiệp văn cuốn vào ông đến tận bây giờ.

Trần Huy Vân thích viết và viết từ rất sớm, ông lấy tên 2 người bạn thân chí cốt là Huy và Vân làm bút danh cho mình. Ông sinh ra trong cảnh mồ côi. Nhà thơ Triệu Đăng Khoa, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng: “Trần Huy Vân là người lặng lẽ gom nhặt chuyện đời. Giờ đây ở tuổi thất thập, dường như bút lực của anh còn sung mãn lắm. Anh vẫn hăm hở đi dự các trại sáng tác và sau mỗi chuyến đi về anh lại có tác phẩm mới trình làng. Từ một nhà giáo viết văn, giờ về hưu anh càng chăm chút cho cái lĩnh vực lao tâm khổ tứ này”. 

Nhà văn Trần Huy Vân giới thiệu với độc giả về cuốn truyện Đỉnh núi mây vờn.

Trần Huy Vân viết đều và viết khỏe, bằng đồng lương hưu nhà giáo ít ỏi ông cũng cố gắng in được 4 cuốn tiểu thuyết: Tuổi trăng đầy, NXB Dân tộc 2007; Tuổi trăng khuyết, NXB Lao động 2011; Trăng hạ tuần, NXB Hội Nhà văn 2012 và 4 cuốn truyện ngắn: Tiếng vĩ cầm trong đêm, NXB Hội Nhà văn 2009; Tài sản mẹ để lại, NXB Hội Nhà văn 2012; Đỉnh núi mây vờn, NXB Hội Nhà văn 2014; Nơi ngọn gió không đến, NXB Hội Nhà văn 2019.

Đọc các tác phẩm của nhà văn Trần Huy Vân, thấy ngôn từ giản dị mà sâu lắng, hình tượng nhân vật được tác giả khắc họa rõ rét, nhiều triết lý nhân sinh. Mỗi tiểu thuyết, truyện ngắn là một mảnh đời, một số phận, đa phần vẫn là mảnh đời, số phận bất hạnh, thiếu may mắn. Ở đó phảng phất mang hình bóng của nhà văn. Lớn lên trong mồ côi, nghèo khó, xa quê, nhưng ông vẫn khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Các tiểu thuyết, truyện ngắn của Trần Huy Vân cái kết thường có hậu, mang bản sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao. Ông ví đời người như “trăng đầy, trăng hạ tuần, trăng khuyết” giống một vòng quy luật bất biến. Trăng cũng như người, có trẻ, trung niên và già. Ai biết vận dụng thì “ánh trăng” sẽ lan tỏa tốt ra được cộng đồng.

Trong hòm sắt, nhà văn Trần Huy Vân còn hàng tập bản thảo chưa in. Ông vẫn tích cực “ra lò” những truyện cực ngắn cho các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Nhiều đêm vợ giục ông đi ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe, nhưng ông vẫn chong đèn cặm cụi viết lách. Đối với ông viết để nói lên suy nghĩ của mình, viết để gửi gắm một thông điệp. Thông điệp của nhà văn sống ở đời phải có một cái “tình”, lấy “chân - thiện - mỹ” làm phương châm sáng tác. Theo ông nhà văn không có sự chân thật, thì tác phẩm sẽ không có thiện và mỹ.

Đối với Trần Huy Vân, viết là trách nhiệm xã hội của nhà văn, ông viết để giãi bày. Ông đã từng giành giải nhất, nhì về truyện ngắn, đề tài thanh niên, nhà giáo do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức; giành giải 3 truyện ngắn Đỉnh núi mây vờn do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Nhà giáo dạy Văn Trần Quốc Cừ năm nay đã tròn 80 tuổi. Đối với ông còn sức ông còn viết. Trang viết cuộc đời ông còn tỏa hương thơm ngát, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục