Kể chuyện miền núi bằng hội họa

- Sinh ra bên bờ sông Hồng, Hà Nội mà suốt bao năm tháng chàng trai Hà Thành ấy lại gắn bó với dòng Lô xứ Tuyên. Ngay cả khi nghỉ hưu về lại nơi phồn hoa đô thị, tâm hồn họa sỹ Nguyễn Công Mỹ (ảnh trên) luôn gieo nơi miền núi.

Với ông, muốn vẽ xứ Tuyên đẹp thì cảm xúc phải thăng hoa, phải hít bầu không khí có mùi núi rừng và đưa tay chạm vào sương mây để da thịt cảm nhận được cái không khí mát lành, bình yên ấy. Giờ đây “nhắm mắt” có thể vẫn vẽ được mảnh đất này nhưng năm nào ông cũng trở lại với núi rừng để cảm xúc hội họa được sống lại một cách chân thực nhất.

Tươi nguyên miền ký ức

Trong tinh thần của họa sỹ Nguyễn Công Mỹ, hội họa gắn với cuộc đời là ở chỗ, khi ta bước từ ngoài cuộc đời vào phòng tranh ta thấy những bức tranh hay hơn cuộc đời. Còn khi bước từ phòng tranh ra ngoài cuộc đời ta thấy cuộc đời đẹp hơn tranh. Điều đó chính là thứ chất kích thích giúp nghệ thuật đến gần với công chúng. Tính hữu ích của nghệ thuật chính là nó khiến con người yêu cuộc sống hơn, ngạc nhiên về cuộc sống hơn.

Với bất cứ họa sỹ nào, niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời chính là đã tìm được một miền đất, một chốn di dưỡng tâm hồn cho riêng mình để sáng tác. Với Nguyễn Công Mỹ đó là mảnh đất Tuyên Quang, nơi có cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp cùng nếp sống mộc mạc, đơn sơ của đồng bào dân tộc. Được sống, được trải nghiệm và qua lăng kính hội họa vẻ đẹp ấy bước vào tác phẩm của ông một cách tự nhiên, gần gũi. Và khi đắm chìm vào tranh khiến người xem như lạc bước vào không gian của miền non cao hùng vĩ khiến tâm hồn rộng mở, yêu tha thiết cuộc đời này biết bao nhiêu!

 

Sinh ra ở làng Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp trung học mỹ thuật, họa sỹ Công Mỹ nhập ngũ và được biên chế vào binh chủng pháo binh thuộc Trung đoàn 246 đóng ở Bình Ca. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông lại tiếp tục bút mực theo nghiệp học hành. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh lại miệt mài đèn sách ông đã thi đậu vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Sau bốn năm miệt mài đèn sách, ra trường lúc bấy giờ những người như ông cũng không thiếu chỗ để Hà Nội mời đón nhưng Công Mỹ lại khăn gói trở lại Tuyên Quang và sinh cơ lập nghiệp tại đây. Ông được biên chế vào làm cán bộ của ngành văn hóa thông tin, bấy giờ ông cũng là nhân vật được quan tâm và đồng nghiệp rất tín nhiệm. Năm 1988, Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang lần thứ nhất diễn ra thành công. Họa sỹ Công Mỹ được bầu vào Ban chấp hành Hội và được đảm nhiệm chức vụ Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật. Chính môi trường công tác cộng năng khiếu bẩm sinh đã giúp ông thỏa sức sáng tạo, dành trọn cho đam mê nghệ thuật.

Quãng thời gian dài tuổi trẻ sống và làm việc ở miền núi, gần gũi với thiên nhiên, đắm chìm trong không gian bao la của đại ngàn, cùng lối sống bình dị của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... nơi đây đã trở thành những tình cảm tự nhiên, đi vào sáng tác hội họa của ông.

Họa sỹ Nguyễn Công Mỹ từng bảo, ông đã đi nhiều nơi, nhưng với ông, không nơi đâu đẹp và bình yên bằng Tuyên Quang. Ông cũng thích người dân tộc nơi đây từ bản tính chân chất đến trang phục truyền thống, những phong tục, nghi lễ được lưu truyền qua các thế hệ.

Chia sẻ và cống hiến hết mình

Danh họa Picasso từng nói: “Xét đến tận cùng, cái đáy của bức tranh là tình yêu”. Và với Nguyễn Công Mỹ thì tư tưởng đó thực sự thấm nhuần làm nên hồn cốt trong sáng tác của ông. Ông từng bảo, bạn yêu kiểu gì thì kệ nhưng yêu phải đắm say thì mới vẽ được. Hội họa giống như nhiều nghệ thuật khác, phải là tiếng nói cất lên từ trái tim biết rung động. Khi họa sỹ rung động là đang sống thực với bản thân. Cái tình thực, cái chân thực đảm bảo cho sự vĩnh cửu trong mỗi bức tranh. Và với xứ Tuyên ông đã sống và yêu hết mình như thế! 

Tác phẩm “Đường về bản” của họa sỹ Công Mỹ.

Chính vì vậy, xem tranh của họa sỹ, người xem sẽ bắt gặp những phong cảnh miền núi thân thuộc và tha thiết đến mức có thể chạm được đến nỗi nhớ về quê hương. Đó là hình ảnh ngôi nhà sàn, những cô gái Nùng quẩy quang gánh trở về nhà giữa triền lúa xanh mênh mang trong Chiều Phúc Ứng, Chiều Lâm Bình... cảnh hùng vĩ của rừng xanh, núi cao và bầu trời rộng đầy hy vọng đằng xa; hay là những nét vẽ tỉ mỉ, chi tiết, đẹp kỳ diệu trong Đón mẹ, Ngày xuân đi hội… Tất cả đều khiến người xem cứ muốn đứng mãi để cảm nhận và hoài niệm. Những khung cảnh ấy thật thân quen, gần gũi. Có lẽ vì thế, những bức tranh của ông được chọn treo ở triển lãm luôn được người xem chú ý và đánh giá cao.

Đề tài ông đề cập đến trong các tác phẩm cũng chẳng bao giờ là đao to búa lớn cả. Một buổi nương rẫy, một phiên chợ xa, buổi lễ cầu mùa, chân dung ông trưởng bản, bà mẹ già… mộc mạc, thô ráp như chính mảnh đất, con người quê hương xứ Tuyên. Với mỗi bước tiến của mảnh đất này và những đổi thay trong cuộc sống của đồng bào, ông luôn chọn cho mình một góc nhìn nhân văn nhất.
Không đao to búa lớn nhưng sâu lắng và ám ảnh, tranh của Nguyễn Công Mỹ quen mà lạ, phơi bày mà vẫn không sao hiểu hết là vậy! Cũng đôi lúc, người xem bắt gặp trong tranh Công Mỹ sự sâu lắng đến mức ám ảnh như Mẹ vẫn đợi;  ma mị như Buổi lễ của người Dao đỏ, lạ như Chớm thu, huyền ảo như Cô gái Tày và cây đàn Tính... nhưng tựu chung thì sự dịu dàng, thuần khiết, trong sáng vẫn là nét chủ đạo. Suy cho cùng từ thuở lọt lòng bản tính chân chất thật thà đã ngấm sâu vào con người ông, mà tâm hồn sao thì nghệ thuật biểu hiện ra cũng vậy là lẽ thường tình.

Dường như, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là qua tranh, ông có thể nói lên tiếng nói của cuộc sống miền núi nơi đây, những suy tư, trăn trở của đồng bào mình, để được hiểu, được chia sẻ. Tranh của ông là thước phim hồi ký về quê hương, ghi chậm về sức sống kỳ diệu của đất và người miền núi...

Họa sỹ Nguyễn Công Mỹ đã gần 80 tuổi, cả cuộc đời cống hiến hết mình cho nghệ thuật hội họa. Ông có rất nhiều tranh tham gia triển lãm trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Bảo tàng Quân sự, Bảo tàng cách mạng… Với sức sáng tạo không biết mệt mỏi, ông thường xuyên tham gia các cuộc triển lãm nhóm tại Hà Nội. Mới đây, triển lãm nhóm Thầy và trò của họa sỹ Nguyễn Công  Mỹ và họa sỹ gốc xứ Tuyên Nguyễn Thị Thanh Hồng được tổ chức tại nhà triển lãm mỹ thuật tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã nhận được nhiều sự phản ứng tích cực trong giới mỹ thuật.

Cho đến giờ hỏi ông đã vẽ được bao nhiêu bức tranh thì ông cũng đành chịu. Họa sỹ từng trải lòng, bảo nhiều thì nhiều, bảo ít thì cũng ít... Có những bức thời chiến tranh không còn lưu lại được, có bức bảo tàng xin giữ để trưng bày hay đôi khi một người xem nào đó yêu quý rồi mua mang đi... Làm nghệ thuật hạnh phúc là được chia sẻ và cống hiến hết mình!.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục