Quan niệm học tập qua ca dao tục ngữ

- Ca dao, tục ngữ quả thực là một kho tàng, chỉ cần “khẽ chạm nhẹ” thôi cũng cảm nhận được bao lời hay ý đẹp. Đó là những lời răn dạy, khuyên bảo vô cùng quý giá. Tìm trong vốn cổ đó, chúng ta quan niệm về rèn luyện học tập luôn được ông cha ta coi trọng và tôn vinh.

Từ xưa, ông cha ta đã quan niệm: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” (Nghĩa là: Ngọc không mài giũa thì không thành đồ quý. Người không học thì không biết lẽ phải). Vậy học trước hết là để làm người. Đạo học cốt để phát huy đức sáng, đức tốt đẹp của con người, khiến lòng người thanh tịnh, thiện lành và từng bước hoàn thiện bản thân.

Ngoài ra có nhiều câu ca dao tục ngữ với lối so sánh, ví von mộc mạc, dễ gần, dễ thuộc nói về tầm quan trọng của việc học, khuyên răn con người tu chí học tập rèn luyện để có cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc hơn. Việc học không có bất cứ giới hạn nào, mà học tập vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi, đòi hỏi kiên trì, nỗ lực hết mình. Điển hình như: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, 

Người mà không học, khác gì đi đêm/Người không học như ngọc không mài”; “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài/Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”…

Học sinh trường Tiểu học Đông Thọ 2, xã Đông Thọ (Sơn Dương) tìm hiểu ca dao, tục ngữ qua sách báo.

Tầm quan trọng và giá trị của việc học tập là không thể đo đếm được, học tạo nên phẩm cách, nhân cách và giá trị của mỗi con người. Dù có giàu có, bạc vàng đầy nhà nhưng kiến thức rỗng tuếch thì cũng trở thành cuộc đời thất bại. Cha ông ta đã nói: “Dẫu có bạc vài trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Những phẩm chất tốt đẹp của con người, những giá trị đích thực của đời người chỉ có thể được tạo nên bởi học tập: “Làm người mà được khôn ngoan, cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay”.

Ca dao, tục ngữ đã nêu rõ vai trò của việc tu dưỡng rèn luyện và người xưa cũng không quên khuyên răn con cháu cần học hỏi mọi điều trong cuộc sống. Học ở đây còn là học từ những điều cơ bản để có được cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế sao cho tế nhị, văn minh: “Học ăn học nói, học gói, học mở”; “Học hay cày biết”; “Học một biết mười”; “Ăn vóc học hay”; “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”...

Muốn nên người, muốn hiểu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời thì phải sâu sát, lăn lộn với thực tế  để học hỏi những tri thức của cuộc sống, để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình. Và, sự kiên trì nỗ lực rèn luyện sẽ mang lại những “quả ngọt” đáng trân quý: “Học hành vất vả kết quả ngọt bùi”; “Làm người mà được khôn ngoan/ Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay”...

Sự học của con người là vô cùng, vô tận: “Học khôn học đến chết, học nết học đến già”; do đó, nếu chỉ học trong nhà trường là chưa đủ mà phải học ở mọi nơi, mọi lúc, cái gì cũng phải học. Ở đâu chúng ta cũng có thể tìm cho mình những người thầy, những điều đáng để học tập. Và học dù được ít hay nhiều cũng đều có những giá trị riêng. Cha ông khuyên chúng ta phải có thái độ trân trọng những điều đã học được, biết ơn những người đã cho mình kiến thức bởi: “Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa”. 

Trên cơ sở quý trọng và đánh giá cao tầm quan trọng của người thầy giáo, nhân dân ta từ bao đời nay luôn có tư tưởng trọng nghề dạy học: “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Những người truyền đạo khai nhân/Nghìn thu để tiếng muôn phần thơm lâu”. Trọng thầy vì ghi nhận công lao, sự đóng góp của thầy; trọng thầy vì trọng kiến thức, trọng người có tài và trọng thầy vì ân tình “có trước có sau” của một nhân cách tốt.

Từ xưa, ông cha ta đã khẳng định vai trò của việc học tập rèn luyện. Học để mỗi ngày tự hoàn thiện mình hơn, tu dưỡng mỗi ngày để nâng cao giá trị bản thân. Có những bài học sẽ bị quy luật thời gian đào thải nhưng có những bài học mà thời gian càng khẳng định giá trị. Những câu ca dao, tục ngữ mãi là viên ngọc sáng, nguồn nước mát lành để nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ hôm nay và mai sau.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục