Nhiếp ảnh xứ Tuyên khẳng định vị trí trong khu vực

- Trước kia nhiếp ảnh xứ Tuyên được xác định là “vùng trũng” trong khu vực 15 tỉnh miền núi phía Bắc. Ấy thế mà mấy năm trở lại đây nhiếp ảnh xứ Tuyên khởi sắc lạ thường.

Đoàn Tuyên Quang tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật miền núi phía Bắc lần thứ 21 tại tỉnh Lai Châu. 

Cuộc “địa chấn” đầu tiên rơi vào mùa giải năm 2019 tổ chức tại tỉnh Yên Bái, đoàn Tuyên Quang giành nhất toàn đoàn với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng, 1 giải khuyến khích. Sang mùa giải 2020 tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên, đoàn Tuyên Quang lại gây sửng sốt khi giành 1 Huy chương Vàng, 1 giải khuyến khích. Năm 2021 vì đại dịch Covid-19 nên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam không tổ chức. Bước sang năm 2022, Liên hoan Ảnh nghệ miền núi phía Bắc lần thứ 21 lại được Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại tỉnh Lai Châu. Đoàn Tuyên Quang có 9 tác giả với 12 tác phẩm được chọn treo triển lãm và chấm giải. Đây là số lượng tác giả, tác phẩm khá cao so với các tỉnh. Kết quả, đoàn Tuyên Quang giành 1 Huy chương Đồng với tác phẩm “Ba bà cháu người dân tộc Dao đỏ” của tác giả Hà Ngọc Hà; 1 giải khuyến khích với tác phẩm “Tuyên Quang nơi vẻ đẹp hội tụ” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh hiện nay có 18 hội viên, trong đó có 2 hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. So với các tỉnh, lực lượng của Tuyên Quang khá mỏng. Số hội viên nhiếp ảnh của Tuyên Quang ít, nhưng tỉnh lại có nhiều chất liệu để sáng tác. Tuyên Quang có đến 658 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Vùng đất giàu bản sắc với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, phong phú, đa dạng về chất liệu văn hóa. Chất liệu cách mạng, dân tộc, vùng cao được các tay máy xứ Tuyên khai thác triệt để. Trong mấy năm gần đây, Tuyên Quang chú trọng đưa du lịch thành 3 lĩnh vực đột phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên, làng homestay được phục hồi và phát huy. Chính những điều đó là điều kiện thuận lợi giúp các tay máy xứ Tuyên vươn lên có những khuôn hình đẹp, ý nghĩa, khoảnh khắc tốt, chất lượng ảnh định hình trong khu vực.

Đánh giá về nhiếp ảnh xứ Tuyên, nghệ sỹ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định, vài năm trở lại đây qua theo dõi Liên hoan Ảnh miền núi phía Bắc ông ấn tượng với kết quả của đoàn Tuyên Quang. Đây thực sự là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các tay máy xứ Tuyên. Nhờ đó hình ảnh về phong cảnh, cuộc sống đời thường, chân dung của mảnh đất, con người xứ Tuyên thông qua nhiếp ảnh được quảng bá rộng rãi. Qua một  kỳ là Ban Giám khảo chấm giải Ảnh Du lịch Tuyên Quang năm 2019, nghệ sỹ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh cho rằng, cuộc thi có nhiều ảnh chất lượng.

Tác phẩm “Ba bà cháu” người dân tộc Dao đỏ của tác giả Hà Ngọc Hà giành Huy chương Đồng.

Ưu điểm của nhiếp ảnh xứ Tuyên là có nhiều chất liệu tốt để sáng tác, đề tài phong phú, đa dạng. Tuyên Quang có đội ngũ các tay máy nhiếp ảnh đoàn kết, năng nổ, nhiệt huyết. Tuy nhiên, đội ngũ còn mỏng, cần bổ sung thêm lực lượng trẻ, nhất là những tay máy người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa qua những buổi tập huấn, trại sáng tác, cần bồi dưỡng thêm ý tưởng sáng tác, cách thẩm định ảnh cho hội viên. Để từ đó hội viên có ý đồ sáng tác, cách thẩm định ảnh chuẩn xác, như vậy chất lượng ảnh sẽ được nâng lên nữa.

Nói về Cuộc thi Ảnh Du lịch Tuyên Quang 2022 vừa qua, nghệ sỹ Nhiếp ảnh Xuân Chính, Trưởng Ban Sáng tác - Triển lãm, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo cho biết, cuộc thi nhận được 818 tác phẩm của 105 tác giả thuộc 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua các vòng chấm, Hội đồng giám khảo làm việc công tâm, khách quan để chọn ra được bộ ảnh tốt. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Xuân Chính đánh giá Tuyên Quang là vùng đất tiềm năng của nhiếp ảnh, có những tiềm năng hiện hữu và những tiềm năng không hiện hữu, đòi hỏi cái tài của người nghệ sỹ. 

Tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật miền núi phía Bắc lần thứ 21 tại Lai Châu năm nay, đoàn Tuyên Quang nổi bật với tấm Huy chương Đồng của tác giả Hà Ngọc Hà. Anh Hà cho biết,  bức ảnh “Ba bà cháu người Dân tộc Dao đỏ” được sáng tác trong chuyến đi Lâm Bình dự chương trình Khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2022 và lễ hội Khinh khí cầu ở xã Thượng Lâm. Xong chương trình anh cùng đoàn nghệ sỹ nhiếp ảnh Tuyên Quang, Hà Nội có qua xã Phúc Sơn (Lâm Bình) vào gia đình một bà cụ người Dao đỏ để chụp. Rất may khi về chọn ảnh thì thấy một kiểu khá ưng ý, mạnh dạn gửi dự thi thì đoạt giải. Theo anh Hà, bộ 161 ảnh treo triển lãm và chấm giải tại Lai Châu năm nay đều rất đẹp. Đoàn Tuyên Quang  nhận ra mảng ảnh bảo tồn bản sắc dân tộc cần được khai thác mạnh hơn, nhất là thể hiện phương pháp sáng tác mới thông qua bộ ảnh. Ảnh cần bố cục chặt, có ý tưởng, thông điệp rõ ràng, tránh những ảnh na ná giống nhau, ảnh dàn dựng, ảnh lạm dụng photoshop quá nhiều.

Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Thèn Thị Hương cho rằng, rất phấn khởi vì đoàn Tuyên Quang vẫn giữ được thành tích khả quan. Trăn trở nhất của Hội là làm sao thu hút, phát triển thêm được các hội viên trẻ, làm nòng cốt cho nhiếp ảnh xứ Tuyên trong những năm tới đây. Bởi “linh hồn” của Hội vẫn là các hội viên. Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng như Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện cho nhiếp ảnh phát triển, tổ chức các cuộc thi, triển lãm, lập trại sáng tác. Hy vọng nhiếp ảnh là cầu nối đưa hình ảnh con người, mảnh đất xứ Tuyên đến bạn bè trong nước và thế giới, thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển, nhất là tiềm năng du lịch của tỉnh nhàn.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục