Khoảng trống pháp lý
Theo Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng hiện nay không chỉ là việc kiểm soát nội dung, mà còn là quản lý thực thi pháp luật về quyền Sở hữu trí tuệ, chi phí phải chi trả của người xem. Nhức nhối hơn cả là sự xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm về văn hóa, sai lệch lịch sử, vi phạm bản quyền. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này tích lũy kinh nghiệm còn hạn chế, thiết bị hỗ trợ chưa hiệu quả, việc phối hợp liên ngành có nhiều bất cập…
Việc chuyển đổi thói quen và phương thức xem phim của người dân từ xem ở rạp sang các ứng dụng trên thiết bị di động, ti-vi thông minh kết nối internet diễn ra nhanh. Phương thức xem phim trên mạng trong tương lai gần sẽ tăng nhanh do hệ thống mạng internet tốc độ cao ngày một phát triển.
Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính kết nối mạng, thì dù ở bất cứ đâu, công chúng đều có thể tiếp cận sản phẩm giải trí theo nhu cầu của mình, kể cả xem những bộ phim mới nhất, mà không gặp bất cứ rào cản nào về khoảng cách biên giới, địa lý, thành thị hay nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Theo kết quả khảo sát mới nhất do Cục Điện ảnh thực hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 39,3% số người dân chọn phương thức xem phim trên mạng; xem phim trên truyền hình giảm xuống mức 35,6%, còn xem phim tại rạp chỉ còn 24,8%.
Giới trẻ xem phim trên không gian mạng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, việc lan truyền các sản phẩm văn hóa chưa bao giờ trở nên dễ dàng như hiện nay. Thế nên, nỗi lo về những hệ lụy nghiêm trọng gây ra cho văn hóa, điện ảnh, công chúng là có cơ sở. Bởi nếu phim chiếu trên Youtube còn chịu sự kiểm duyệt của mạng xã hội này, dù vẫn bị các chuyên gia đánh giá là lỏng lẻo, thì phim chiếu trên các nền tảng mạng xã hội khác hiện nay chưa hề được kiểm duyệt bởi cơ quan nào, mà vẫn đang nằm trong “dự thảo”.
Anh Nguyễn Duy Hoan, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Tôi thấy cháu hay xem phim trên mạng chứ ít khi xem trên ti vi. Có lần thấy cháu xem phim có nhiều cảnh bạo lực, hoặc nội dung rất nhảm nhí khi nhân vật nói năng thiếu chuẩn mực. Tôi rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến cháu. Nhưng ngoài việc nhắc nhở cháu, thì gia đình cũng chưa tìm được giải pháp gì”.
Đồng chí Ma Thị Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thực tế, trên mạng, người dùng tự do, thoải mái tiếp cận các nội dung phim theo ý thích, nên các phim trên mạng rất khó để kiểm soát đối tượng khán giả thưởng thức, không giống phim điện ảnh hoặc truyền hình có phân loại độ tuổi, khung giờ phát sóng phù hợp và những cảnh báo rõ ràng bằng chữ ở mỗi đầu tập phim. Vì vậy, mong người dân nhất là giới trẻ thận trọng trong việc xem các bộ phim khi mà nội dung chưa được thẩm định, phê duyệt.
Cần lành mạnh không gian mạng
Tính chất nhanh chóng, bất tận, đa chiều, khó lường của không gian mạng đòi hỏi công tác quản lý, giám sát phát hành phim trên không gian mạng phải thường xuyên được cải thiện và chủ động đổi mới để phù hợp thực tiễn. Theo các chuyên gia, việc nhận thức sớm, nhận thức đúng cũng như dự báo nguy cơ, hiểm họa từ một số bộ phim sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn kịp thời các tác hại xấu, độc, không cho phát tán rộng rãi. Các cảnh báo sớm và kịp thời sẽ giúp công chúng tiếp thu có chọn lọc.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với các thông tin, phim ảnh có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên các trang không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, máy chủ đặt tại nước ngoài, giải pháp duy nhất là dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, gỡ bỏ. Vài năm gần đây, Bộ đã triển khai đồng bộ hệ thống kỹ thuật nhằm điều phối và giám sát việc chặn lọc kỹ thuật của nhà mạng với nhóm đối tượng này.
Một số bộ phim mang tính bạo lực không được kiểm soát.
Theo Luật Điện ảnh năm 2022 và Nghị định 131/2022/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị phổ biến phim trên không gian mạng phải dừng, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm. Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông phải bảo đảm thực hiện ngay các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn truy cập phim vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chậm nhất không quá 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu).
Các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải tuân thủ đầy đủ các quy định; thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phù hợp với độ tuổi… Đồng thời, doanh nghiệp phổ biến phim có trách nhiệm gỡ bỏ phim vi phạm quy định những điều cấm tại Luật Điện ảnh, khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Để ngăn chặn nguy cơ độc, hại tiềm ẩn trong nhiều bộ phim trên không gian mạng, cơ quan quản lý cần tăng cường áp dụng các giải pháp đồng bộ, cụ thể và mạnh mẽ, trong đó, chú trọng sử dụng công nghệ, xử lý dùng dữ liệu lớn, nâng cao năng lực rà quét, giám sát liên tục 24/7, để phát hiện sai phạm, cảnh báo và xử lý kịp thời; không cho phép phổ biến những phim vi phạm nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, song song với việc yêu cầu gỡ bỏ phim vi phạm đó khỏi nền tảng dịch vụ, để không còn xảy ra tình trạng xuất hiện những phim đã vi phạm nội dung bị nghiêm cấm được biên tập lại và tiếp tục cung cấp…
Gửi phản hồi
In bài viết