Ngay trên phần bìa sách là một câu nhận định gọn gàng của Graham Greene - tác giả cuốn sách Người Mỹ trầm lặng: “Truyện tình báo hay nhất tôi từng đọc”.
Tờ Sunday Times cũng nhận xét, đây là “một câu chuyện khủng khiếp và đầy tính thời sự... tác giả có thể truyền tải mọi cung bậc cảm xúc từ nỗi sợ hãi lạnh sống lưng tới tình yêu tuyệt vọng bằng những câu văn ngắn gọn và đầy trắc ẩn”.
Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh khi chiến tranh lạnh lên tới đỉnh điểm sau sự kiện Bức tường Berlin được dựng lên, mạng lưới gián điệp Anh chống phá Đông Đức có trụ sở tại Tây Berlin do Alec Leamas chỉ huy gần như tan rã. Leamas được triệu hồi về London để giao nhiệm vụ mạo hiểm cuối cùng trước khi giải nghệ: tiêu diệt người đứng đầu cơ quan phản gián Đông Đức.
Khác với phần lớn những câu chuyện phổ biến về các điệp viên anh hùng với kết thúc có hậu và sự giải cứu thế giới đầy ngoạn mục, cuốn tiểu thuyết của Le Carré tập trung khắc họa những mặt trái phi nhân tính của hoạt động gián điệp. Nhà văn dẫn người đọc theo diễn tiến một điệp vụ thoạt đầu không có mấy phức tạp, nhưng càng đọc càng thấy tác giả là bậc thầy trong việc thiết kế tình tiết truyện - với đầy đủ thủ thuật lớp lang của một chiến dịch gián điệp thâm sâu không lường hết được. Nó phơi bày một cách chân thực về thế giới tàn khốc của các điệp viên hoạt động cho 2 phe, nhất là những kẻ 2 mang, đứng giữa lằn ranh tối sáng. Không những thế, nội dung hay đến mức nó sẽ khiến cho độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, âm mưu chồng lên âm mưu, người giăng bẫy lại biến thành con mồi rồi cuối cùng, tất cả hóa ra đều bị sắp đặt một cách tinh vi không ngờ.
Có lẽ nhờ thế mà tuy ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng Điệp viên từ vùng đất lạnh vẫn không hề bị lãng quên. Tác phẩm lọt vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn và được đánh giá là “tiểu thuyết tình báo hay nhất mọi thời đại” theo Publishers Weekly.
Gửi phản hồi
In bài viết