Sóng nước Lô Giang

- Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Vùng đất đa sắc màu văn hóa đã sản sinh ra các tên tuổi lớn trên văn đàn cả nước. Nhà văn Lan Khai (1906 - 1945) là một trong các tác gia tiêu biểu của văn học hiện đại Tuyên Quang nửa đầu thế kỷ 20. Lan Khai  tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh tại Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa. Trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi, nhà văn đã để lại một gia tài đồ sộ gần 50 cuốn sách các loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, dịch, đến các công trình lý luận phê bình. Báo Tuyên Quang giới thiệu truyện ngắn: Sóng nước Lô Giang của Lan Khai.

Một buổi sớm thu tàn. Phương Đông, chân trời sau những chòm cây xanh thẫm, đỏ rỡ ràng như lửa cháy. Dọc theo Sông Lô, những ngọn đồi tranh liên tiếp, cằn cỗi xác xơ. Một vệt khói rơm ai đốt nghi ngút bốc lên cao, vẽ ra trên bức cảnh đìu hiu một nét hoạt động rời rã...

Yên lặng, sông nước núi rừng biến thành một cõi vô cùng tịch mịch. Cái cảm giác điêu linh, tàn tạ nặng nề như trong một thế giới kiếp hồi nào. Những dịp súng, chốc chốc nổ vang, vọng vào linh hồn người ta một cách ghê rợn, nhắc thêm cho trí nhớ những thủ đoạn tàn khốc, những cảnh chém giết hãi hùng của bọn cờ đen khát máu.

Dân gian, cũng như chim ngàn thú nội, lẩn đâu mất cả, lẩn vào những hang sâu, bụi rậm, cố giữ lấy cuộc sống gieo neo.

Tuy vậy, trên dòng nước trong xanh nổi lều bều những xác người, những hòm không, rá rách, những bọt nước trắng như bông về phía dưới tỉnh thành, lúc ấy, một chiếc thuyền nan nhỏ đang lướt sóng chạy về hướng Nam. Trong thuyền, cả thảy có ba người: Một vợ, một chồng với một đứa con thơ còn ẵm ngửa.

Vợ tuổi còn trẻ, khuôn mặt trái xoan, mơn mởn trong vuông khăn nâu thẫm, hai góc buộc dưới cằm, đang cúi xuống đứa con nằm bú gọn trong lòng mẹ.

Thỉnh thoảng nàng ngẩng đầu nhìn về phía chồng ngồi giữ lái, thì trong khóe mắt bồ câu lấp lánh, trên làn môi thắm tươi lại hiện ra vẻ vui cười âu yếm.

May quá vợ chồng ta thoát khỏi chốn hang hùm, tổ rắn. Khiếp, tôi cứ nghe những tiếng rên rỉ gào khóc của bọn người bị khảo đả mà hết hồn.

Chồng thở dài:

- Chẳng qua nước mình thời vận suy đốn chứ dân đen thì có tội tình gì.

Mấy phát súng, từ bờ tay trái, nổ lẹt đẹt, tiếp theo mấy câu reo hò, chửi rủa bằng tiếng Khách bỗng ném sự hoảng hốt vào tâm trí đôi vợ chồng lánh nạn.

Thiếu phụ thất sắc:

- Chết rồi, Cờ Đen!

Nhìn vợ, nhìn con, người đàn ông cũng thốt ra một câu hỏi nguy cấp:

- Làm thế nào bây giờ?

Trong lúc vợ chồng nhà nọ đang nhớn nhác, Lày Sập Trưởng một tướng giặc dữ như cọp, đã cùng mười tên Cờ Đen bơi thuyền ra chặn đường.

Hai vợ chồng nhà nọ run như dẽ, chắp tay vái lạy như giã gạo.

- Các quan sinh phúc cho, vợ chồng tôi nghèo khổ chẳng có gì...

Nhận rõ vẻ đẹp của thiếu phụ, tướng giặc nhe răng sứt:

- Hà, cái lày trốn xuôi? Cái lày khôông pít chít à?

- Khôông cố gì? Cái lày cố vợ lẹp, hẩu lớ!

Người chồng hoảng kinh:

- Quan lớn thương cho, cháu nó còn nhỏ dại.

Nị khôông tể vợ lại, ngộ pắn chết cả.

Quay lại, hắn truyền mấy câu. Bọn Cờ Đen níu ngay chiếc thuyền lại; vớ lấy đứa trẻ vứt xuống lòng thuyền và lôi tuột thiếu phụ xuống thuyền bên này.

- Pây giờ, nị ti lược rồi, ngộ tha cho.

Rồi hắn cười:

- Nị có pằng lòng khôông?

Không bằng lòng cũng không được. Tuy vậy, bác ta còn cố van lạy xin cho vợ được tha.

Lày Sập Trưởng rút khẩu súng lục đeo ở dây lưng giơ thẳng vào mặt người đàn ông.

- Có ti khôông? Hà, tỉu nà ma! Tha chít cho còn khôông pằng lòng!

Níu lấy tay giặc, thiếu phụ quay lại giục chồng:

- Thôi nhà đi đi, kêu van làm gì vô ích. Em chẳng phụ lòng đâu...

Người chồng thiểu não:

- Mình ơi chẳng thà hai vợ chồng cùng chết ở đây...

Bằng một giọng van nài nhưng quả quyết, thiếu phụ nói:

- Nhà nghe tôi. Đã đành vợ chồng mình có thể chết với nhau cùng một lúc nhưng con thơ nào có tội tình gì?

Người chồng không biết nói sao đành gạt nước mắt bế con chèo thuyền xuôi.

Lày Sập Trưởng giục quân đẩy thuyền vào bờ.

Thiếu phụ nói:

- Quan lớn hãy thong thả cho tôi được nhìn chồng con tôi đến khi khuất bóng đã. Tôi cam đoan xin hầu hạ quan lớn hết lòng.
Trước vẻ đẹp mê hồn, nghe giọng nói buồn ảo não, tướng giặc thấy lòng sắt đá nao nao. Hắn gật đầu ưng thuận.

Trên mặt sông trong, hai chiếc thuyền mỗi lúc một xa nhau, vẽ ra hai cảnh đoạn tuyệt đau lòng.

Minh họa: Bích Ngọc

Chàng tay chèo như cái máy, nhưng tâm hồn mê loạn, không nghĩ ngợi gì được nữa mà cũng chẳng kịp biết dòng sông kia sẽ đưa chàng đến một cái tương lai mù mịt thảm thê nào.

Nàng dán mắt trông theo hút bóng chồng mỗi lúc một xa một nhỏ, lắng nghe tiếng con thơ gào mẹ mỗi lúc một tắt trong yên lặng trời thu, đau lòng như dao cắt, nỗi oan khổ lắm lúc muốn tung ra một tiếng thấu trời.

Chung quanh tấn thảm kịch, cảnh hoang vu vẫn điềm nhiên lãnh đạm, mà hoa cỏ cuối mùa thì đua nhau tươi tốt để rồi tàn úa dưới sương lạnh mưa bay.

Xa xa, chiếc thuyền nan giờ chỉ là một chấm lênh đênh rồi mất hẳn.

Thiếu phụ nén lòng từ lúc nãy, bỗng gào to, gào như xé phổi:

- Ối chồng ơi! Ối con ơi! Đợi mấy tôi cùng!

Rồi trước khi quân giặc kịp phòng bị, nàng đã văng mình xuống dòng sông lạnh. Nước bắn tung tóe, sóng vỡ tơi bời, phút giây, lại phẳng lỳ yên lặng, nhưng không ngờ rằng vừa nuốt chửng một linh hồn oan khổ đáng thương.

Tướng giặc như con hổ bị cướp mồi, hắn gầm lên và bắn luôn mấy phát xuống vùng nước xoáy.

Tháng, năm qua...

- Thuyền ai qua đó bây giờ, những lúc canh tàn khắc lụi, vẳng nghe tiếng chim rừng trong đêm tối lòng vẫn bồi hồi, xúc động, tưởng đâu tâm hồn thiếu phụ trăm năm còn tha thiết gọi chồng con...                                                                          

(Truyện đã đăng trên Báo Loa, số 90, thứ năm, ngày 7 tháng 10 năm 1935)

Truyện ngắn: Lan khai

Tin cùng chuyên mục