Từ niềm say mê và tự hào...
"Tiếng hát anh vươn dài xuống bản, hòa cùng tiếng hát Cọi, hát Then...
Em sản xuất hai mùa lúa tốt. Em và anh cùng hát bài Then
Cho bản làng ngày thêm đổi mới. Cho cuộc đời mãi mãi xanh tươi".
Vừa tới cổng, chúng tôi đã nghe thấy tiếng đàn Tính cùng những lời Then tha thiết vang lên bên trong căn nhà của Nguyễn Thị Cánh, (sinh năm 1993), thôn 8, xã Tân Long (Yên Sơn). Cánh cởi mở chia sẻ, lúc rảnh rỗi ở nhà, em thường mang đàn Tính ra đánh và tập những bài hát mới. Thói quen ấy như đã ngấm vào máu thịt mà em chẳng thể thay đổi được.
Cánh là người Tày, quê gốc ở xã Thúy Loa (Na Hang). 12 tuổi, em cùng gia đình di dân về xã Tân Long lập nghiệp. Niềm đam mê với Then bắt đầu được "thổi bùng" lên khi em tới học tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Thanh thiếu nhi, bất ngờ khi được nghe lại "âm điệu" quê hương, núi rừng và hữu duyên biết tới nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến. Em thuyết phục bố mẹ để được đến lớp hát Then, đàn Tính của thầy Kiến. Cứ cuối tuần, vượt hơn 12 km, Cánh đạp xe đến lớp học. Với sự tận tình chỉ bảo của thầy Kiến, cô học trò sáng dạ, chăm chỉ đã nhanh chóng trở thành "bông hoa quý”, theo thầy Kiến tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật của huyện Yên Sơn và của tỉnh.
Bế Thị Thương say mê hát then và đàn tính.
Chỉ mới 9 tuổi, Bế Hoài Thương, dân tộc Tày đã là thành viên "cứng" của Câu lạc bộ (CLB) hát Then, đàn Tính xã Tân Trào (Sơn Dương). Nhỏ bé thế nhưng em đã khiến cho biết bao du khách phải "tròn" mắt khi thấy những ngón tay nhỏ xíu của em thoăn thoắt búng trên dây đàn, miệng say sưa ngân điệu Then da diết: "Ới la, hoa phách vàng rộn tiếng ve ngân/Tân Trào vui nắng hồng tỏa sáng.../Mời anh đến thăm bản, thăm mường/Đừng chê nhé, nhà sàn thang gỗ/Người Tân Lập sau trước thủy chung".
Thương cho biết, từ lúc em học lớp 1, lớp 2, em thường cùng mẹ nghe hát Then, đàn Tính trên tivi và theo mẹ đi tập hát ở CLB. Ban đầu em chỉ nghe và hát theo, nhưng từ khi tham gia vào CLB, em đã gảy đàn thành. Em thường biểu diễn hát Then, đàn Tính trong các chương trình văn nghệ của trường và biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào vào dịp lễ, tết. Nhiều du khách khen ngợi em có động lực để cố gắng hơn, tiếp tục mang tiếng Then, điệu Tính lan tỏa cho mọi người đến từ mọi miền của Tổ quốc.
Lan tỏa trong cộng đồng
"Bản Sán Chay" là tên trang tiktok, fanpage của các bạn Hoàng Ngọc Hoàn (1997) và Nịnh Thị Hà (2003), Âu Văn Tiến (1994) thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình (Yên Sơn) cùng nhau xây dựng. Trong đó, có nhiều video được các bạn giới thiệu với cộng đồng mạng về những di sản đặc sắc của dân tộc mình như: trang phục, ẩm thực, phong tục, các bài thuốc dân tộc hay lễ hội đầy lôi cuốn. Có những video thu hút gần 900 nghìn người chia sẻ, yêu thích.
Hoàn chia sẻ: "Là những người có chung tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc mình nên chúng em cùng nhau lập ra các kênh này. Chúng em mong muốn để mọi người, nhất là các bạn trẻ hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc, đồng thời lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc của mình đến với mọi người, để các món ăn, trang phục hay lễ hội của người Cao Lan không bị mai một".
Việc Nguyễn Thị Cánh, ở thôn 8, xã Tân Long (Yên Sơn) làm Chủ nhiệm CLB hát Then, đàn Tính Hương Tràm chính là minh chứng rõ nhất cho thấy tình yêu với hát Then, đàn Tính của Cánh ngày càng lớn lên. Với vai trò đó, em có trách nhiệm duy trì hoạt động của CLB và hướng dẫn cho các thành viên tập luyện. Thi thoảng, Cánh lại sắp xếp thời gian nhận lịch lên lớp, hướng dẫn cho các thành viên ở một số CLB hát Then, đàn Tính ở tận Sơn Dương, Lâm Bình... Cánh còn nhiệt tình tham gia quay các MV về hát Then, đàn Tính để phát sóng trên kênh TTV của Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Tuyên Quang.
Hoàng Ngọc Hoàn hướng dẫn bà con dân tộc Cao Lan, thôn Đoàn Kết giới thiệu về trang phục để quay video.
Ảnh: Hoàng Niềm
Cánh đã tận dụng các lợi thế của mạng xã hội để lập kênh Youtube, tạo tài khoản facebook "Nàng Then" để tập hợp những người có chung sở thích. Cánh chia sẻ các video mặc trang phục dân tộc Tày đánh đàn Tính và hát Then, tạo các MV karaoke với 2 thứ tiếng, tiếng Tày và tiếng Kinh và đăng lên mạng xã hội. Nhiều bài hát Then được chia sẻ lên kênh Youtube đã đạt trên 640 nghìn lượt xem. Trang fanpage cũng thu hút hơn 6 nghìn người theo dõi...
Chàng trai người Tày ở thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) Bùi Xuân Trường (Double2T - người miền núi chất) đã giành Quán quân tại cuộc thi Rap Việt mùa 3 năm 2023. Với trang phục, phong cách, lời hát mang đậm văn hóa miền núi, Xuân Trường đã sáng tạo, thông qua Rap để "mang âm thanh miền núi đến từng tai người nghe" và tự hào "mang bản sắc dân tộc vào Rap Việt là cách anh muốn được khoe". Với nhiều ca khúc Rap vô cùng ấn tượng như: "À Lôi", "Thanh âm miền núi", "Người miền núi chất", "Chài Điếp Noọng"... Xuân Trường đã trở thành "hiện tượng" với khán giả trẻ. "Cơn sốt" của "Người miền núi chất" hay "À Lôi" đến nay vẫn chưa hết.
Mới đây, Nhóm nhảy PTD Tuyên Quang là các học sinh của trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang) đã biên đạo ca khúc Rap "Người miền núi chất" thành bài nhảy sôi động, đậm chất miền núi để mang tới thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) dự Cuộc thi nhảy "Lead with Lof Dance Festival". Nhóm nhảy là đại diện duy nhất của miền Bắc lọt vào vòng chung kết toàn quốc và đã xuất sắc đã giành Quán quân của cuộc thi.
Hiện nay, ở mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập các CLB gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, với thành viên là các đoàn viên thanh niên. Tư duy mới mẻ, sáng tạo, cùng khả năng nhạy bén trong ứng dụng công nghệ thông tin, các bạn trẻ ở các CLB này đã và đang góp phần tích cực cho việc bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc ngày càng mạnh mẽ hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết