Gà Ocop

Minh họa: Bích Ngọc

Có tin cuối tháng sẽ có đoàn về thăm trường khiến Bảo lo lắng. Cả huyện có đến 22 trường THCS mà sao các vị lại cứ chọn Suối Hẹn nhỉ. Đang dịp bận rộn các phong trào thi đua, đến ngày chủ nhật cũng không được yên. Bảo cho họp gấp toàn thể cơ quan. Cô Thủy, Phó Hiệu trưởng, người có phụ cấp thâm niên đến 34% thắc mắc: 

- Thế tóm lại là ai về, về làm gì?  

Bảo làu bàu:

- Ai mà biết được, trong điện thoại cậu Phó Trưởng phòng chỉ nói: "Người ta quý mới đến". Quý là quý thế nào? Tôi đoán chắc thằng cha này lại oang oang quảng bá đặc sản gà đồi vùng mình ấy mà, "miếng ăn nhớ lâu", lợi cho họ thì nhọc cái thân mình.
Cô Thủy suy nghĩ hồi lâu rồi đưa ra ý kiến:

- Theo tôi thì chú cứ giao cho vợ chồng nhà cô Hoan, tốt cho cả hai phía. 

Bảo trầm ngâm nghĩ bụng. Ờ, có thế mà không nghĩ ra, được thì lợi cho cả đôi bên mà mất thì chả mất gì.

***

Bà Thoan lắc đầu nói với cái Hoan:

- Chẳng hiểu sao dạo này cả xã Suối Hẹn sạch bách cái giống gà đồi thịt ngọt như chim sẻ mà toàn thấy gà ta lai Vigova. Chị bảo giờ lấy đâu ra cái giống gà còi dí, còi dị ấy. Chịu, chịu thôi, đúng là cái số dân mình nó vậy không khá lên được. 
Hoan cầm cái ví cồm cộm mấy tờ năm trăm ngàn xanh lét ngồi bệt xuống sân như người ăn vạ:

- Con không biết đâu, tự nhiên sốt thế chứ, bà phải kiếm được cho con ít nhất là một đôi. Bà xem cái thằng Sinh nhà con đánh bạn lần này là lần thứ ba rồi. Nếu không lo được vụ này con mặt mũi nào đến gặp thày Bảo và nhà trường nữa. U cố nhớ xem còn nhà ai có không…

- À, hình như tao chưa nghĩ đến nhà ông Đoàn. Cái ông giáo cổ hủ ấy đến kiệt xác cũng không chịu bán đất, bán vườn. Hôm rồi tao đi thể dục qua hình như nghe thấy tiếng gà gáy giống tiếng gà đồi lắm. Mà mày thì lạ gì cái nhà đấy nữa chứ. 

Chưa nghe bà Thoan nói dứt lời, Hoan đã thấy mặt nóng bừng. Nhà ông Đoàn từng là nơi cô ao ước được bước chân vào làm dâu nhưng mà ngày đó hai gia đình không đồng ý. Bố mẹ cô thì chê nhà bên đấy nghèo, giáo khổ, giáo sở. Mấy bà cô, bà dì nhà ông Đoàn thì bảo cô không có chí, mới hết lớp 9 đã bỏ đi buôn. Giờ thì anh Đức, người yêu thuở ấy đã thành kỹ sư nông nghiệp làm tít trên thành phố. Thực ra đôi lúc Hoan cũng thoáng nghĩ đến nhưng ngại vì giờ đây ai cũng yên phận. Hỏi han làm gì cho rách việc. 

Cầm tờ giấy mà ông Đoàn ghi trên tay, Hoan như người lạc giữa trận đồ bát quái của các số nhà. Nhà có số mà không nhớ tên đường. Điện thoại thì thiếu một số, biết làm gì với 9 số còn lại. Tưởng muối mặt đi tìm người yêu cũ đã khổ hóa ra ra thành phố tìm người còn nản hơn. Hết ngõ đến ngách, hỏi người này, người kia không ai biết nhà Đức - Hiền ở đâu. 

Đi hết một vòng thúng, cái đói, cái khát như bít chặt lấy cổ họng cô. Phải ăn uống cái đã cho mát cái đầu, ấm cái bụng mới khôn ra được. Thế là bánh mỳ và nước lọc tự khoản đãi mình. Đúng lúc đang ngồi bần thần gặm cái bánh mỳ đã cứng đẹt, một giọng nói từ phía sau vang lên:

- Người quê mình phải không nhỉ? Lâu lắm mới thấy cái biển số xe…

Hoan giật mình quay lại. Trước mắt cô là một phụ nữ mảnh mai, quý phái và xinh đẹp vừa bước xuống từ chiếc ô tô đỗ bên vệ đường. Sau vài ba câu hỏi han, Hoan mới giật mình ngã ngửa: chị ta chính là Hiền, vợ Đức. Hoan chột dạ nghĩ thầm: "Thể nào "người ta" đi miết không về. Vợ đẹp lại giỏi giang thế này thì còn nhớ gì quê quán quê”.

- Chị muốn gặp anh Đức thì đợi em lấy xe đưa chị ra tận ngoại thành. Anh ấy đang ở trang trại. Gớm, anh ấy mê gà còn hơn mê vợ.
Trên đường đi, dù Hoan chẳng hỏi gì nhưng Hiền vẫn kể vanh vách. Quái lạ, người phố họ kín lắm sao cái cô này lại phổi bò thế nhỉ. Hay cô ấy biết mình là người xưa nên cố tình chọc tức thế. Phố mùa này đẹp mà xe cộ đông đúc quá. Cái ông Đức này trốn ở đây thì khác nào đánh đố người ta chứ. Khi chiếc xe Mazda CX5 của Hiền vừa đỗ xuống cổng, qua hàng rào lưới sắt B40, Hoan đã thấy những chú gà con chắc nịch đang tung tăng chạy theo nhau… Đức đang lấm lem trong bộ quần áo bảo hộ nên khi nhìn thấy Hoan vừa ngỡ ngàng vừa e ngại. Hiền nhiệt tình giới thiệu qua về lý do Hoan ra đây rồi chốt một câu tắt lự:

- Chị yên tâm, vợ chồng em lúc nào cũng hướng về quê hương…

***

Bảo đang sốt ruột thì thấy một chiếc xe con tiến vào sân trường, cơn gió ở đâu thổi tới cuốn theo lớp lá khô bay thốc lên khiến mái tóc của Bảo rối mù. Người đầu tiên từ trên xe bước xuống là cậu Phó trưởng Phòng Giáo dục, tiếp theo là mấy người lạ hoắc đeo máy ảnh. Họ tỏ ra thân thiện và cởi mở chào hỏi. Trong khi các chị em ra sức rót trà Tân Cương, bưng đĩa hoa quả mời thì Bảo cẩn thận hỏi nhỏ cánh hậu cần:

- Đã chuẩn bị xong món chưa? 

- Đâu vào đấy hết rồi anh, 20 lít rượu đủ không ạ?

- Rồi, lát nữa tôi kính mời là dưới đấy bưng những món nóng ra nhé. 

Đúng lúc ấy, cậu Phó Trưởng phòng chìa bàn tay về phía người đàn ông người cao ráo, đeo kính cận trong đoàn:

- Thưa anh Bảo và các anh chị, lần này đoàn chúng tôi đến đây xin trân trọng giới thiệu có anh Đức, kỹ sư chăn nuôi cùng các anh chị phóng viên một số báo… 

Nghe đến hai chữ "phóng viên" Bảo thấy tim đập thình thịch. Chưa bao giờ cái trường Suối Hẹn này phải đón tiếp nhà báo nhưng nghe nói là rách việc lắm. Bảo đứng dậy, chỉnh lại cổ áo sơ mi dù đã là chết li, giọng trịnh trọng giới thiệu như một cái máy. Đợi Bảo nói xong, người đàn ông đeo kính cận nhỏ nhẹ:

- Kính thưa các anh, các chị. Tôi vốn là con em của xã Suối Hẹn mình nhưng đi công tác xa nhà đã lâu nên có thể nhiều người sẽ không biết. Ước mong của tôi là giữ gìn gen giống vật nuôi quý và tạo ra sản phẩm độc đáo, có chất lượng cho địa phương mà các phương tiện truyền thông vẫn gọi là ocop. Tuy nhiên, nhìn đi nhìn lại thấy mặt hàng nông sản nào mình có thì các huyện khác cũng có, nên thật khó để lựa chọn. May mắn thay một lần về thăm nhà tôi mới biết được giống gà đồi quý của xã mình nên quyết định nhân giống đảm bảo thuần chủng và chất lượng thương phẩm. Ít phút nữa tôi sẽ giới thiệu với các vị một người phụ nữ ở xã ta cũng luôn đau đáu giữ gìn giống vật nuôi này.

Đức chưa nói dứt lời thì một chiếc xe máy có gắn thùng hàng phía sau lao vào sân trường. Người lái xe cởi áo chống nắng, tay xách theo một chiếc lồng khá to và nặng bước vào. Bảo lúng túng bụng bảo dạ: "Cái Hoan vào đây làm gì nhỉ, nó biến mất chẳng thấy tăm hơi đâu làm mình lúng túng?".

Hoan chẳng quan tâm gì đến nét mặt của  Bảo mà vội vã chào hỏi mọi người rồi oang oang:

- Thưa các bác em mang ra đây cả rồi, từ hôm về đây chúng nó ăn tốt lắm, chẳng thấy lạ nước lạ cái gì cả. Đúng là gà ocop có khác. Sịn sò…

Bảo nghe Hoan nói xong thấy bực bội nhưng vẫn cố gắng tỏ ra hòa nhã.

- Thật sự tôi rất cảm kích trước tấm lòng của các anh chị, nhưng với thẩm quyền của một Hiệu trưởng, tôi không biết phải làm gì. Hay là, sau đây mời các anh chị đến UBND huyện thì tốt hơn. Ở đó họ có phòng Nông nghiệp. Còn giờ ta vào mâm đã.

Đức tiến đến, bỏ cặp kính đang đeo xuống, nhìn thẳng vào mắt Bảo:

- Cảm ơn anh, nhưng chúng tôi về đây một lát rồi lại phải đi luôn. Chính vì chúng tôi cần các thày, cô giáo giúp nên mới đến đây. Tôi không bán các con giống này mà muốn tặng lại cho nhà trường. Được biết hiện có nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nếu chúng ta tặng những chú gà giống cho các em chăm sóc sẽ vừa đảm bảo chúng được ăn thức ăn tự nhiên vừa có thể giáo dục cho các em ý thức bảo vệ nguồn gen quý giá, thêm tự  hào về sản vật của quê hương. 

Bảo nghe Đức nói mà giật mình. Thoáng nghĩ đến cảnh nếu mấy hôm rồi mà kiếm được đôi gà bày lên mâm thì không biết cánh phóng viên báo chí sẽ nghĩ gì. Anh ta nói có lý thật, có thế mà mình lâu nay không nghĩ ra.

- Vâng, vâng, quý hóa quá, phải giữ gìn không là tuyệt, tuyệt chủng kỹ sư nhỉ. Nhưng hôm nay chủ nhật, e là hơi khó, hơi khó. 

Vừa đúng lúc ấy một đoàn học sinh ào đến sân trường. Ngày nghỉ nhìn đứa nào cũng lấm lem, tay cầm cái lồng gà nhỏ rất đáng yêu. Từ hôm qua, được Hoan và cô giáo Thủy thông báo, các em háo hức chờ đón chú gà của mình như một món quà bất ngờ. Bảo dụi mắt không tin được sao bỗng dưng lại có cái sự may mắn đến như thế. Ôi lũ gà đồi chân ngắn, chúng mày đã cứu nguy một bàn thua thật rồi. Tốt quá, tốt quá, mấy nữa lại có cái để mà đưa vào báo cáo…

Hoan nhìn bọn trẻ lại nghĩ đến thằng Sinh ở nhà cũng đang chăm một đôi gà. Từ hôm có chúng, cậu con trai bỗng chăm chỉ hơn mọi khi và biết nghe lời mẹ. Đoàn xe đi rồi để lại phía sau lưng những tiếng cười đùa. Bảo bỗng giật mình khi nghe một cô nhân viên hỏi nhỏ:

- Sếp ơi, thế còn cỗ bàn thì giờ tính thế nào?

Bảo thoáng nghĩ: 

- Mau mau, gọi hết các em vào đây, các thầy cô, cả phụ huynh nữa, mừng, mừng lắm chứ… 

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục