Qua vài lần được đi trại sáng tác cùng nhà văn Đỗ Anh Mỹ, tôi thấy ông dí dỏm và bay bổng ở ngoài đời thực cũng như trong tác phẩm. Đọc văn ông vừa bồng bềnh, vừa khúc triết, sâu lắng. Ít ai hình dung chất văn của ông được hình thành từ người kỹ sư chế tạo máy, công an phòng khoa học hình sự, luật gia. Có lẽ cái đó cũng làm văn ông khác người. Truyện ngắn, ký, viết cho thiếu nhi ông đều có giải cao. Còn tiểu thuyết Rễ rừng đưa nhà văn Đỗ Anh Mỹ lên một đỉnh cao mới.
Nhà văn Đỗ Anh Mỹ
Tác phẩm này ông đã giành giải A Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2021 - 2023 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức. Mới đây tiểu thuyết Rễ rừng của ông lại được tỉnh trao tặng Giải thưởng Tân Trào danh giá.
Tập tiểu thuyết có độ dày 239 trang do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2022. Mở đầu tiểu thuyết nhà văn viết “Động trưởng đứng trên mình trâu, đánh trâu ra khỏi bản. Đám mục đồng lần lượt đứng hết cả lên. Mỗi cái Hòa nhát gan không dám. Thắt lưng đứa nào cũng lửng lẳng nọn rơm, bao dao. Không đứa nào quên giắt theo con quay…”. Hay Rễ rừng có đoạn lý giải cốt lõi:
“Bác Thế Khang động viên:
- Cậu Tiến ra nói vài lời với bà con đi. Bí quyết thành công ấy?
Ông chủ nhiệm chắp tay chào mọi người, gãi tai thưa:
- … Rễ rừng nó bám vào đất thế nào, làm cách mạng cứ bám vào dân như thế. Việc gì... cũng sẽ thành công thôi!
... Bác Thế Khang gật gù, lẩm bẩm, cậu này vẫn nhớ câu nói của Cụ Hồ hồi ở chiến khu.
Tiểu thuyết đã truyền đi một thông điệp, một bài học đầy ý nghĩa ấy là muốn làm cách mạng thành công thì người cán bộ cũng giống như cái rễ cây phải biết bám vào đất rừng thì mới tạo ra được màu xanh của cả cánh rừng.
Nhà văn Đỗ Anh Mỹ cho rằng, động lực để cho ra đời một tác phẩm văn học, cũng như một tác phẩm nghệ thuật nào đó đều xuất phát từ cảm xúc. Khi cảm xúc đủ mạnh nó sẽ trở thành động lực thôi thúc các tác giả. Với ông, tiểu thuyết Rễ rừng thai nghén, ấp ủ trong hai năm, hy vọng cho ra đời một tác phẩm văn học xứng tầm tham gia Giải thưởng Tân Trào, bốn năm một lần. Có ba nguồn động lực khiến ông đầu tư hoàn thành tác phẩm Rễ rừng. Một là, Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hai là, là một người con xứ Tuyên thôi thúc ông có một tác phẩm văn học tham gia giải thưởng Tân Trào đã được phát động từ nhiều năm nay, thu hút nhiều tác giả là nhà văn, nhà báo, các cây bút không chuyên, nhưng qua theo dõi, đa phần tác phẩm còn ở dưới dạng bút ký văn học, phóng sự báo chí, ít tác phẩm xứng tầm với tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ, cũng như tầm cỡ của cuộc vận động sáng tác, giới thiệu về đất nước và con người Tuyên Quang trong sự ngiệp đổi mới.
Từ ý tưởng đó, ông may mắn tìm đến người anh hùng lao động dân tộc Dao tiền Bàn Hồng Tiên. Ông là chàng trai dân tộc Dao tiền đầu tiên ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) giác ngộ Việt Minh, tham gia hoạt động từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Hòa bình, ông về vận động một bản người Dao Động Loong Coong hạ sơn, xây dựng nông thôn mới, làm thủy lợi và công trình thủy điện, bê tông hóa kênh mương. Những chủ chương, chỉ đạo, việc làm của ông từ những năm miền Bắc còn gia sức chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đến nay vẫn phù hợp với nội dung Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ và chương trình bê tông hóa hạ tầng cơ sở nông thôn của tỉnh đề ra.
Thứ ba, ông hy vọng, thông qua tiểu thuyết Rễ rừng, quảng bá phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú của bà con Dao tiền ở Tuyên quang tới độc giả cả nước, góp phần quảng bá du lịch, giới thiệu đất và người Tuyên Quang trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để phát triển bền vững đất nước.
Nhận xét về tác phẩm, nhà văn Trịnh Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Tân Trào, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tâm sự: “Tôi cũng may mắn được ông gửi tặng tập tiểu thuyết này. Vui quá, cảm động quá, tôi mở đọc liền, cũng chả vất vả bao nhiêu, chỉ vài ngày là xong, gấp sách lại hình ảnh con người, thiên nhiên trong tiểu thuyết cứ hiển hiện vừa thân gần, vừa giản dị tựa hồ như vừa mới gặp, vừa mới xa nhau. Qua mỗi trang viết tôi gặp cái cảm giác như đang được cùng ông đến và ăn ở cùng với bản làng, cùng các nhân vật ở động Loong Coong, tổng Yên Thái thân quen.
Không gian trong tiểu thuyết Rễ rừng chỉ gọn trong cái tổng Yên Thái ấy nhưng nó lại có thời gian dài, do vậy mỗi nhân vật trong truyện dù ở bên thiện, bên ác đều được ông cắt nghĩa rạch ròi. Người ác dù ác bao nhiêu, mưu mô bao nhiêu cuối cùng cũng được thanh lọc và trở về cùng với người thiện quây quần trong cùng một mối, chung tay xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp, văn minh. Nhà văn Trịnh Thanh Phong nhận định, vỡ ra điều này mới thấy Rễ rừng của Đỗ Anh Mỹ là một tác phẩm khá hoàn hảo, hoàn hảo ở sự công phu khi tác giả tiếp cận hiện thực và sưu tầm tư liệu. Cái vốn ông cóp nhặt được từ hiện thực phong phú ở Đồng Vàng đã được ông lựa chọn sắp đặt đan bện thành những khuôn hình sinh động.
Hiện nay, tiểu thuyết Rễ rừng độc giả có thể tìm đọc ở Thư viện tỉnh hay đọc bản online trên internet. Thời gian tới công cuộc chuyển đổi số của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sẽ diễn ra mạnh mẽ, các tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ đến với công chúng dễ dàng hơn, nhất là những tác phẩm đoạt Giải thưởng Tân Trào như tiểu thuyết Rễ rừng. Chắc chắn với tiếng vang của tiểu thuyết Rễ rừng của nhà văn Đỗ Anh Mỹ, tác phẩm sẽ được nhiều người tìm đọc và suy ngẫm.
Gửi phản hồi
In bài viết