Độc giả yêu thích nhiều tác phẩm văn học về phái nữ.
Có thể thấy văn chương cổ điển cùng với những quan niệm, định kiến của xã hội phụ quyền, nam quyền dành rất ít điều kiện để người phụ nữ bộc lộ tiếng nói. Thế nhưng, trong đời sống văn chương đương đại, văn chương viết về nữ giới, mang sắc thái nữ tính hay nữ quyền được các tác giả ngày càng chú trọng, độc giả đón nhận nhiệt tình. Điểm lại những sáng tác văn học đương đại Việt Nam trên cả ba điểm hội tụ: Tác giả nữ, viết về phụ nữ, tuyên xưng nữ quyền. Có thể điểm ra những tác phẩm của Lê Minh Khuê, Y Ban, Lý Lan, Dạ Ngân, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh…
Trong nền văn học Việt Nam, Y Ban là một nhà văn nữ tiêu biểu với những tác phẩm mang âm hưởng nữ quyền sâu sắc và đầy tính nhân văn, thể hiện tư tưởng mới mẻ của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Truyện Bức thư gửi mẹ Âu Cơ là một tác phẩm đề cao sự rộng lòng, giúp đỡ những cô gái trẻ nhưng đầy bất hạnh vì họ không còn cơ hội được làm mẹ. Sự đồng cảm của tác giả đã thể hiện rõ qua hệ thống ngôn từ, giọng điệu với nhiều cảm xúc, cung bậc khác nhau như những cơn sóng ngầm, lúc nhẹ nhàng lúc lại trào dâng. Hay tác phẩm Chị Quy đã thể hiện bản lĩnh của một người phụ nữ trung niên trên con đường tìm lại hạnh phúc đầy chông gai. Đó là một người vợ hết lòng vì chồng và gia đình chồng nhưng chưa một ngày nào chị sống hạnh phúc vì chồng chị không hề yêu chị. Nhưng bằng tất cả nỗ lực của bản thân, chị đã chứng minh được giá trị bản thân, khiến cho chồng chị: “Trước khi đắm mình vào giấc ngủ còn chép miệng nuối tiếc, vật báu trong tay đến giờ mới biết”.
Trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà, những nhân vật nữ mang nặng tâm thức “Tôi đi tìm tôi” và “Tôi là tôi, là đàn bà”. Nhà văn chú ý mô tả những nhân vật nữ là những người phụ nữ bình thường, là một người đàn bà “bình thường” chứ không phải là người đàn bà “truyền thống”.
Những tác phẩm văn học mang đậm dấu ấn nữ giới.
Chị viết về những người phụ nữ có cuộc đời bất hạnh, bị làng xóm xa lánh, cô lập và “tẩy chay”. Tuy nhiên, cho dù họ là người như thế nào, có cuộc đời, số phận ngang trái ra sao thì những nhân vật nữ vẫn luôn khao khát tình yêu, hạnh phúc bởi đó là nhu cầu rất đàn bà trong họ. Họ vẫn có quyền sống, quyền được yêu, quyền được mơ về một mái ấm gia đình, một bến đỗ bình yên cho cuộc đời của họ. Đó là niềm tin, là động lực để họ vượt qua những phong ba bão táp của cuộc đời.
Đến với Đường về là hình ảnh những người đàn bà sống trong cô độc bị người đời xa lánh vì quá khứ không hay nhưng các chị biết vượt lên số phận, quyết tâm sống cho mình, cho con, mong muốn tìm lại được niềm vui, niềm hạnh phúc trong quãng đường còn lại. Hay đến với Lúa hát, Lúa và đất, chúng ta được trải lòng với nhưng trang văn tinh tế khi Võ Thị Xuân Hà khéo léo phát hiện ra những rung động thầm kín, bất chợt nhưng làm bừng lên sức sống cho tâm hồn những người người phụ nữ đã chịu nhiều khổ đau.
Trong văn xuôi Tuyên Quang, nhiều tác giả nữ cũng khẳng định được tiếng nói nữ quyền qua tác phẩm của mình. Chúng ta đến với tiểu thuyết Đoản khúc giao mùa độc giả bắt gặp nhân vật Thu - một người phụ nữ gặp nhiều khổ đau, trắc trở trong tình duyên. Thu như một gốc cây bị đốn nhưng cố nứt chồi xanh, vươn lên bầu trời hạnh phúc. Nhân vật Thu là biểu tượng của niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc đến khôn cùng... Ngòi bút nhân văn của tác giả thấm đẫm trên từng trang sách, Hoàng Kim Yến lên tiếng bênh vực những số phận bất hạnh cho Thu.
Tác giả Trần Thị Nhung với Hồn Then và Mùa rẫy khát mang đến cho độc giả những khát vọng tình yêu và hành trình tìm đến cuộc sống hạnh phúc của những nhân vật nữ người dân tộc thiểu số. Hay khát vọng đấu tranh kiếm tìm tình yêu đích thực của cô gái trong tác phẩm Chuông gió của Ma Thị Hồng Tươi mang đến cái nhìn mới mẻ về bản lĩnh người phụ nữ. Họ không chịu sự sắp đặt số phận mà biết vươn lên để trái tim mình tìm được tình yêu đích thực...
Văn học là nhân học. Đó luôn là tiếng lòng thốn thức từ cuộc sống, bênh vực những thân phận nhỏ bé, phản ánh chân thực thân phận người phụ nữ trong xã hội. Dòng chảy văn học nữ quyền phản ánh ngòi bút tác giả nữ, trân trọng người phụ nữ dù trong hoàn cảnh khó khăn họ vẫn luôn biết vươn lên kiếm tìm hạnh phúc. Văn học nữ quyền là mảng đề tài nhân văn mà nhiều cây viết nữ theo đuổi, đam mê và đã tạo dựng được tên tuổi của riêng mình.
Gửi phản hồi
In bài viết