Phiên chợ hôm nay vẫn trống một chỗ ngồi. Thường ngày, bà Liên hay ngồi đó bán rau, vậy mà mấy bữa nay người ta không thấy bà đâu. Họ hỏi nhau liệu có phải bà già ấy bị ốm rồi không. Khổ già rồi, lại có một thân một mình những lúc ốm đau thế này biết phải làm sao. Sau đó, có người gạt ngay suy nghĩ ấy bằng một tiếng thở dài: “Đau ốm gì đâu, bà ấy bận chăm con mọn!”. Ai nấy đều ngạc nhiên hỏi: “Con mọn? Ở đâu ra con mọn thế?”.
Bà Liên đã gần 70 tuổi không thể nào mà sinh con. Không hiểu con mọn ở đâu ra nhỉ. Bao nhiêu năm bà ấy vẫn ở mình lủi thủi, giả sử bà có xin con nuôi thì cũng không hâm đến nỗi đến lúc gần đất xa trời rồi mới xin. Điều ấy lại càng làm nhiều người tò mò. Họ đặt ra các giả thiết, bàn tán xôn xao cả góc chợ. Nhưng thực hư thế nào thì chỉ bà Liên mới biết.
Cũng là kiếp người, nhưng cái kiếp bà Liên đến là long đong, lận đận. Người ta bảo có lẽ bà Liên khổ tâm lắm. Gia đình 4 người nhưng giờ chỉ còn lại mình bà cô độc. Bố và mẹ bà đều mất trong một trận lũ quét. Khi ấy bà mới 8 tuổi, em trai 5 tuổi. Hai chị em cầu bơ cầu bất sống qua ngày. Nhưng không lâu sau cậu em cũng ốm mà chết. Từ đó bà không còn người thân nào nữa. Chẳng hiểu sao bà Liên cũng không chịu lấy chồng. Nhìn vẻ trầm mặc, buồn rầu của bà người đời ai cũng thở dài vẻ thương cảm.
Thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngày càng hiện rõ trên làng quê vốn đã từng rất thanh bình. Các khu công nghiệp ngày càng mở rộng về quy mô, quán ăn, nhà hàng cũng mọc lên như nấm. Bọn trẻ chỉ cần học xong cấp hai là có thể đi làm công nhân ở khu công nghiệp kiếm cả chục triệu một tháng. Thế nên chẳng mấy ai còn mặn mà với đồng ruộng. Đâu đâu cũng dễ bắt gặp những thửa ruộng bị bỏ hoang. Tấc đất tấc vàng, nghĩ thế bà Liên thấy nhói lòng, bà chỉ tiếc chẳng có sức để mà làm. Thửa đất ven đê khá bằng phẳng, bấy lâu nay chủ ruộng không làm nữa. Họ cho bà mượn trồng rau. Bà Liên cuốc đất, nhặt cỏ, trồng đủ các thứ rau. Sáng nào cũng vậy, bà dậy từ gà gáy, tưới rau xong lại cắt, bó từng loại, xếp vào sọt gọn gàng. Rồi mang đi bán ở các phiên chợ.
Trên những chặng đường đi, tiếng xe đạp cọc cạch mang theo bao nỗi cô đơn như lòng người đang nặng trĩu những tâm tư. Có ai hiểu được có những lúc bà cũng thèm khát được sống bên cha mẹ. Cũng thèm cái cảm giác được nằm trong vòng tay của người đàn ông mà mình yêu. Và cũng khao khát được làm mẹ của những đứa con thơ. Ấy vậy mà cái tuổi nó đuổi xuân đi nhanh quá. Thoắt cái bà đã là một bà già còm cõi. Ngày còn trẻ bà cũng đã từng yêu một người. Vậy mà khi tình yêu còn chưa được nói nên lời, ông đã đi bộ đội rồi hy sinh. Từ đó bà chẳng nghĩ gì đến chuyện lấy ai nữa. Bà cứ tôn thờ mãi cái tình yêu vừa mới chớm nở kia. Lầm lũi mà sống qua ngày.
Chẳng biết từ khi nào, niềm vui của bà thật đơn giản. Mỗi ngày bà sẽ gieo hạt, trồng rau và nhìn những mầm non lớn lên. Rau cứ đầy sọt là bà lại thấy tinh thần phấn khởi. Sau mỗi buổi chợ, bà thường mua quà cho mấy đứa trẻ trong xóm. Quà chỉ là vài quả mận, quả xoài hay mấy cái bánh mỳ thôi, nhưng bọn trẻ con cứ ríu rít. Chúng vui lắm, từ xa thấy bà về là chúng đã gọi ầm lên. Cũng có người cằn nhằn: “Ối trời, cái bà già rỗi hơi, già rồi, bán không biết được mấy đồng tiền rau mà bày đặt quà với chả cáp”. Hay có khi gặp ngay cái anh Cảnh nát rượu ở đầu ngõ anh sẽ lè nhè mà rằng: “Ê cái bà già, bà đang làm hư bọn trẻ con đấy nhé”. Rồi anh quay sang mắng nhiếc mấy đứa trẻ: “Về nhà ngay, tao có để chúng mày chết đói đâu mà,…”. Kể nhiều khi cũng chạnh lòng, nhưng nhìn nụ cười trẻ thơ là bà thấy vui rồi. Thỉnh thoảng chơi với bọn nhỏ, nghe chúng nó tranh nhau kể chuyện bà lại thấy vui vẻ hơn.
Sáng ấy, một sáng mùa hè, trời hãy còn khá tối, ánh trăng muộn lờ mờ ẩn dần vào trong mây, cảnh vật bồng bềnh trong sương sớm. Như thường lệ bà Liên dậy sớm đi ra ruộng rau ven đê. Trời vừa mưa xong nên đám rau muống, rau dền cứ lên mơn mởn. Bà thoăn thoắt cắt rau bó thành nắm rồi xếp chúng vào sọt, tay không ngừng nghỉ, nhưng lòng vẫn thơ thẩn nghĩ. Bán bao nhiêu rau mới đủ tiền mua thịt, người ta vẫn thường bảo rau rẻ như cho. Bà kệ, niềm vui gửi vào những mầm rau xanh ngắt ấy mấy ai biết được. Mỗi khi nhìn những mầm non, lòng bà lại thấy ngập tràn niềm vui sống. Đến cái rau, ngọn cỏ, còn vươn lên mạnh mẽ mỗi ngày, huống chi là con người. Nghĩ thế bà lại nhoẻn miệng cười mà lòng bỗng thấy nhẹ nhõm đến lạ.
Chợt có tiếng khóc vang lên ở đâu đó, thoạt tiên bà Liên tự quở: “Gớm, không biết trẻ con nhà ai mà khóc ghê thế!”. Nhưng tiếng khóc mỗi lúc lại to hơn, tiếng khóc như xé gan, xé ruột. Hình như ở rất gần đây thì phải. Mà sao gần đây lại có tiếng khóc trẻ con được. Hay là… Cõi ma mãnh nào đó bỗng len lỏi vào tâm trí khiến người bà Liên run lên bần bật, chân tay như muốn rụng rời. Tự trấn an lòng mình, bà đã một mình lủi thủi mấy chục năm nhưng chưa bao giờ gặp ma. Lấy hết can đảm bà chạy về nơi có tiếng khóc.
Trước mắt bà là gì thế này. Bà ngồi thụp xuống, tim sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, chiếc đèn pin rơi bụp xuống đất. Một đứa trẻ đỏ hỏn quấn tã nằm thọt lỏn trong chiếc sọt nhựa. Ai đó đã cố tình bỏ rơi nó. Trời ơi, sao người ta nỡ bỏ lại máu mủ của mình như thế chứ. Bà thốt lên. Đứa bé có vẻ mệt quá, nó đã lịm đi. Có khi nào nó đói quá không. Bà Liên hốt hoảng bế lấy bé, cứ thế chạy một mạch về phía trạm y tế xã.
Giọng bà run run: “Cô y tá ơi, giúp tôi với, tôi không biết phải làm gì!”. Cô y tá ân cần: “Bà ơi, bà bình tĩnh. Bà đưa con cái sọt nhựa, con nhìn xem mẹ bé có để lại cái gì không ạ!”. Trong sọt có vài thanh sữa bột và một cái bình nhỏ. Pha sữa xong, cô y tá cho bé uống sữa. Cái miệng nhỏ xíu nút sữa đến là đáng yêu. Thế mà không hiểu cơ sự gì bố mẹ mày lại bỏ rơi mày thế hả con. Bà Liên thầm nghĩ. “Rồi bà định làm gì với đứa bé này ạ?”.
Cô y tá lại hỏi. Bà bối rối, thực sự bà cũng chưa biết tiếp theo phải làm gì. Bà bế lấy đứa bé, nó ăn xong thì lại vô tư ngủ. Cái miệng chúm chím thèm sữa đến là yêu mặc những vết muỗi đốt lốm đốm đầy trên mặt và người. Bà Liên bế bé vào lòng lấy tay sức thuốc lên những vết muỗi đốt. Đứa bé khẽ rúc rúc hũi hũi mình vào ngực bà. Lòng bà bỗng thấy ấm lạ, ấm lùng. Tự dưng bà muốn được che chở cho nó quá.
Người ta đang dự định sẽ gửi đứa bé đến trại trẻ mồ côi hoặc lên loa thông báo cho gia đình nào có nhu cầu nhận con nuôi. “Tôi muốn nhận nuôi đứa trẻ”. Giọng bà Liên quả quyết. Điều ấy làm nhiều người tỏ ra khá bất ngờ. “Bà già ơi, bà suy nghĩ lại đi, bà lo thân bà còn chưa xong thì còn định lo cho ai”. Những lời can ngăn, những tiếng xì xào cứ quẩn quanh lấy tâm trí bà. Bà không muốn nghĩ nữa, biết là khó khăn đấy nhưng bà vẫn muốn nuôi đứa trẻ. Đứa trẻ đang ngủ say bỗng tỉnh giấc, đôi mắt đen láy của nó nhìn bà vẻ ngây thơ. Có lẽ nó cũng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tiếng khóc của nó lại vang lên, bà Liên lóng ngóng pha sữa, rồi bón cho bé. Bà dịu dàng, nựng bé vào lòng. Tự dưng đứa trẻ thôi khóc, miệng nó nút từng giọt sữa vẻ hạnh phúc.
Ngày tháng cứ trôi đi, ngôi nhà nhỏ của bà Liên giờ đã đầy ắp tiếng cười nói của trẻ thơ. Từ ngày có đứa bé, bọn trẻ trong xóm cũng tích cực sang nhà bà hơn, chúng phụ giúp bà trông bé. Những người trong làng, dù không ít lời càm ràm, can ngăn nhưng sau đó họ cũng hiểu, mọi người cùng túm vào động viên bà. Người thì động viên bằng lời nói, người thì tranh thủ làm cỏ rau giúp bà. Những hôm bé ốm bà không đi chợ được mọi người bảo nhau lấy rau về ăn rồi trả tiền cho bà. Bà Liên cũng ngày một thấy yêu đời hơn, những muộn phiền, cơ cực dường như tan biến. Nhìn vẻ ngây thơ của con trẻ hình như ai ai cũng thấy mình trở nên tốt hơn thì phải.
Ngồi trên triền đê lộng gió. Đã một năm rồi kể từ cái buổi sáng ấy. Những luống rau vẫn xanh mươn mướt. Từng mầm non cứ vươn lên ngày một lớn. Lòng bà thấy lâng lâng bao hy vọng. Đôi mắt bé con mở to trong veo, thỉnh thoảng bé khẽ reo lên vui sướng khi thấy mấy con bướm sặc sỡ bay qua. Ôm bé vào lòng, bà bồi hồi nghĩ đến cái ngày chân tay bủn rủn khi thấy đứa bé đỏ hỏn trong sọt. Thơm lên mái tóc tơ mềm mượt của bé, bà Liên khẽ thì thầm mong sao bé mãi như những mầm xanh kia vươn lên đón lấy ánh sáng mặt trời. Nở một nụ cười mãn nguyện, những mầm sống đang lung linh trong tâm trí bà lão.
Gửi phản hồi
In bài viết