Con đường thơ văn đến với Bùi Hữu Thêm chính xác qua “gen”. Chú ruột Thêm là nhà thơ Bùi Hữu Lâm, còn bố Thêm một người yêu thơ đích thực. Hồi nhỏ ông thường “thổi” thơ vào đầu cậu con trai út, nhưng hiếu học. Hình ảnh quê cha, đất tổ Ninh Bình luôn in sâu vào tâm thức cậu với cây đa, bến nước, sân đình. Sau này bố mẹ Thêm đi khai hoang vùng kinh tế mới, xã Thái Sơn (Hàm Yên) trở thành quê hương thứ hai. Hồi học THPT Hàm Yên, thầy giáo dạy Văn phát hiện ra Bùi Hữu Thêm có tố chất. Ông khích lệ Thêm làm thơ gửi Báo Văn nghệ Tân Trào. Trong 3 bài thơ gửi đi, Thêm được đăng 1 bài đầu tiên vào năm 1998 với tiêu đề “Hai nỗi nhớ”. Bài thơ tuổi học trò lớp 12 có đoạn “Chờ mong một tà áo/Một vòng xe bâng khuâng/Tóc dài bay trong gió/Chiều thứ bảy đậm đà…”.
Ở một vùng quê nghèo, Thêm phấn đấu học xong Đại học Sư phạm chuyên ngành Lịch sử. Quãng thời sinh viên cũng là thời gian Thêm nạp thêm kiến thức. Thêm ngưỡng mộ Puskin. Còn trong nước thì mê say đắm thơ “chân quê” của Nguyễn Bính, mê Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ở tỉnh Bùi Hữu Thêm khoái giọng thơ của Ngọc Hiệp, Cao Xuân Thái.
Nhiều bài thơ Bùi Hữu Thêm làm theo cảm xúc, được tác giả lưu trữ trong cuốn sổ dầy cộp như một kỷ niệm. Xa nhà, Thêm càng thấm thía hai từ “quê hương” và “nỗi vất vả của mẹ”. Chính vì điều đó mà thơ Bùi Hữu Thêm tập trung vào hai mảng đề tài đó. Gọi là “giọng thơ mới” song thơ Thêm thiên về thơ truyền thống, cổ điển có vần điệu, tính nhạc, giản dị, kín đáo, tinh tế. Có lẽ vì theo học lịch sử nên thơ Thêm pha chút hoài cổ. Tác giả rất thích thể loại thơ 5 và 8 chữ.
Theo Bùi Hữu Thêm, thực ra thơ viết rất dễ, nhưng viết hay rất khó. Khó nhất là tìm ra một chất riêng cho mình, ý tưởng mới lạ. Bài “Cuối Thu” Thêm viết: “Nặng lòng/Đếm hạt mưa rơi/Nghe thu hoang lạnh/Chơi vơi cõi lòng/Nhớ ngày/Mẹ vá chăn bông/Vá cả nỗi nhớ/Chờ mong con về/Cuối thu/Nghe lạnh se se/Lửa hồng không hết/Tái tê nhớ nhà”. Hay bài “Mơ về chốn quê” có đoạn: “Bóng cò vừa đập cánh/Cõng hoàng hôn qua sông/Bến quê thuyền nan đợi/Quê nhà ai nhớ mong”. Rồi bài “Hạ Tím” mang lãng mạn “Ai vô tình vừa đổ mực vào mưa/Cho hạ tím loang trong chiều ngơ ngẩn/Hoa bằng lăng dường như còn đang bận/Tím một màu thương nhớ những mùa thi”.
Thêm cho biết, đến nay đã sáng tác được khoảng 120 bài, song chưa ra đầu sách nào, vì muốn sự chín muồi. Ra trường, rồi học tiếp lên Thạc sỹ, đảm nhiệm cương vị là Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, trường Chính trị tỉnh ngốn khá nhiều thời gian của Thêm. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, Thêm thấy mình cần “nghiêm túc hơn” trên con đường sáng tác thơ. Không phải thơ con cóc, thơ cảm xúc tự phát tuổi mới lớn, mà thơ còn phải chứa đựng tư tưởng, nghệ thuật. Để thơ hay, rung động trái tim người đọc, đó là thứ Thêm đang cần tìm.
Bùi Hữu Thêm sinh năm 1980, cầm tinh con Khỉ. Độ tuổi đang sung sức nhất. Làm thơ với Thêm cũng như chơi một trận cầu lông vậy. Càng chơi càng nghiện, càng chơi càng khỏe. Trước kia không biết có phải nhút nhát không, mà thơ Thêm làm xong chỉ để tủ. Rồi Thêm nhận ra một điều làm thơ phải đến được công chúng, lan tỏa cái hay, cái đẹp. Ngoài làm thơ về mẹ, quê hương, Thêm còn nặng lòng với xứ Tuyên. Bài “Xuân về trên Hồng Thái” có đoạn: “Xuân này anh về Hồng Thái/Bản em trên đỉnh mây bay/Đường về mềm như dải lụa/Buộc hồn anh quên tháng ngày/Khau Tràng mơ màng xuân đến/Nhà em nép lưng đồi/Ngọn gió luồn qua song cửa/Hoa lê rụng trắng sân nhà”. Bài “Nỗi nhớ Thành Tuyên” nói lên “Đang giữa ồn ào Hà Nội/Cồn cào chợt nhớ Thành Tuyên/Tháng Tư hè về chưa nhỉ/Cho người khắc khoải nhớ thương!/Nông Tiến cầu bao nhiêu nhịp/Nỗi nhớ nối lại hai bờ/Núi Dùm nằm mơ màng ngủ/Hoàng hôn sương phủ xanh lơ”. Tôi phát hiện ra tác giả rất thích các loài hoa. Bài “Ký ức mùa hoa gạo” Thêm viết “Có mùa hoa gạo nở đỏ hoe/Lã chã bông rơi quên đường về/Có người đang nhặt mùa hoa cũ/Sưởi ấm cô đơn đợi nắng hè”. Tiếp bài “Hoa cỏ lau” miêu tả “Thương nhớ miền quê thời trẻ dại/Hoa cỏ lau tím ngát chân đồi/Thủa chăn trâu chân trần áo rách/Miền quê nghèo đã mấy mươi năm”.
Thêm bảo, theo đuổi con đường thơ mình còn cần cố gắng học hỏi thêm. Vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là môi trường tốt để anh giao lưu, rèn luyện, tìm “lối thơ” cho riêng mình.
Gửi phản hồi
In bài viết