Tấm lòng

Lê vừa ngồi vào bàn, mở giáo án ra thì có tiếng trẻ khóc toáng lên ở phía xóm Cả. Cùng với tiếng khóc là tiếng roi vọt, đấm đá, chửi bới tục tằn của người đàn ông. Lê lặng người, cây bút tự nhiên rời khỏi tay. Lê đẩy cửa bước ra, đêm thôn quê tĩnh mịch đến hoang dã. Tiếng khóc của đứa trẻ lặng dần, nhưng những tiếng chửi tục tằn của người đàn ông thì càng to hơn, dữ dội hơn. Lê rợn người chân trượt xuống thềm đánh uỵch một cái. Nghe tiếng động mạnh, vợ chồng thầy giáo Ngân ở cạnh phòng bên vội chiếu đèn pin.

- Cô Lê sao vậy?

- Dạ, nghe tiếng om xòm bên xóm Cả, em mở cửa ra bị tượt chân thôi mà.

- Ôi dào, ở đây rồi cô sẽ quen thôi. Bố con ông Tư Đui đấy mà.

- Sao lại gọi là Tư Đui?

- Câu chuyện dài nghe cũng động lòng lắm. Nhưng ngắn gọn là thế này, thầy Ngân thủng thẳng: Dân xóm cả hay vận cái bệnh, cái nghề gọi thành tên người này, người kia. Chả là xóm cả có hai ông Tư. Một ông Tư Cò chuyên sống bằng nghề bẫy Cò, một ông Tư Đui thì bị mù một mắt, ông ấy bị thương hồi chiến tranh chống Mỹ. Mười mấy năm đi xa, lúc bị thương trở về nhà thì bố mẹ ông đã qua đời cả. Bà vợ tưởng ông đã chết bỏ đi theo mấy tay tàu thủy ở ngoài sông Lô. Thời gian sau bà ấy lại lù lù về, thỏ thẻ thế nào, xóm Cả lại thấy hai người ăn ở với nhau. Được thời gian sinh ra thằng cu. Đặt tên là thằng Lô. Thằng Lô kháu khỉnh, thông minh. Có con vợ chồng ông ấy cũng chăm chút, chịu thương chịu khó lắm. Về sau chả biết thế nào, khi cơ chế làm ăn mở toang ra, bà ấy bỏ ruộng đồng đi buôn bán. Hỏi ra mới biết bà ấy muốn làm ăn lớn. Dốc vốn đi buôn, đi bán, chắc là bị đắm đò, bà ấy bỏ ông đi mất tích. Lại có tin bà ấy bắt mối được với mấy tay lái tàu cũ, dắt nhau đi biệt xứ, giờ có cơ nghiệp lớn ở trong nam, bà ấy bỏ ông rồi... Tin tức cứ nháo lên, ông Tư lặn lội đi tìm tứ phía, nhắn tin lên cả đài truyền hình cũng chả thấy bà ấy về. Ông ấy một mình lặn lội, dè xẻn đồng lương thương binh để nuôi con. Chả biết hư thực thế nào, dân xóm Cả cũng nhiều chuyện. Họ cứ rầm rì: “Thằng Lô khéo cũng chả phải con ông, đúng là con của mấy tay lái tàu nên bà ấy mới đặt tên nó là thằng Lô...”. Ông Tư nghĩ ngợi, nửa tin, nửa ngờ rồi ông cứ đổ rượu ra uống,  uống rồi lại đánh đập thằng Lô. Ai can cũng chả được, có lần vừa đánh thằng bé ông vừa cào mặt mình, cào bật cả cái mắt giả, phải đưa đi bệnh viện, còn thằng Lô thì phải bỏ học. Giá còn đi học, năm nay nó học lớp 9, lớp cô đang chủ nhiệm đấy. Thằng bé lại học rất giỏi, thế mới tiếc chứ. Thầy Ngân thở dài.

Lê khép cửa ngồi lặng trước ngọn đèn. Bên xóm Cả tiếng chửi bới tục tằn của người đàn ông vẫn vẳng trong đêm.

Minh họa: Hồng Kiều

Câu chuyện ngày đầu về xóm Cả dạy học cứ ám ảnh Lê mãi. Tự nhiên Lê thấy như có cái gì vô hình đau nhói trong tim. Đêm đêm tiếng chửi bới, tiếng khóc đau đớn từ bên xóm Cả cứ dội qua khu tập thể của giáo viên làm Lê buồn thêm. Kể từ ngày rời quân ngũ chuyển sang làm nghề dạy học, thời cuộc đã có bao biến động, bạn bè Lê nhiều người thành đạt, hạnh phúc, cô vẫn một mình với gia sản gói gọn trong một chiếc va ly, đi hết vùng xa này đến vùng sâu khác. Nhiều khi cô khát khao một tổ ấm, một người đàn ông, thế nào cũng được để Lê được chăm chút, để Lê có một đụn con gọi mình bằng mẹ. Nhưng ông giời không cho Lê cái hạnh phúc đó. Tuổi xuân của Lê vĩnh viễn nằm lại với núi rừng trường sơn những năm dài đánh Mỹ. Bây giờ Lê chỉ có học sinh làm niềm an ủi lớn nhất, học sinh là chỗ dựa để cô quên đi những riêng tư mất mát. Thế mà cuộc sống lại cứ bày ra trước mặt cô những trái ngang đau lòng. Một buổi chiều, Cô tha thẩn dọc bờ đê ngoài xóm Cả, thấy thằng Lô ôm chai rượu, Lê gọi nó lại làm quen. Thằng Lô mếu máo bảo:

- Cháu chả biết gì, chỉ thấy bố cháu chửi “mẹ mày là đồ vứt đi” và cứ thế đánh cháu, không cho cháu đi học nữa. Mỗi ngày cháu phải chịu vài trận đòn, cứ uống rượu vào là bố cháu đánh! Cháu sợ lắm. Vừa nói thằng bé vừa thút thít khóc rồi lầm lũi đi. Lê nghĩ phải tìm cách cứu thằng bé. Phải cho nó được học hành.

Tối nay cơm nước xong, Lê quyết định đến nhà ông Tư Đui. Lê  xách cây đèn sáng trưng. Đến nơi, ông Tư đui đang ngồi trên mảnh chiếu trải ngoài hè. Thằng Lô đứng tho ló ở xó cửa nhìn ra. Thấy Lê, Tư Đui cất giọng lè nhè.

- Đứa nào thế? Thích rượu vào đây ông cho kết bạn. Kết bạn rượu cùng bay lên tiên, sướng lắm...

Thằng Lô ở xó cửa chạy vụt ra vội quỳ xuống trước mặt ông:

- Bố ơi! Cô giáo Lê đến chơi nhà mình mà.

- Cút hết, lê với la gì, ông không cần giáo, ông chỉ cần rượu. Mắt Tư Đui vằn đỏ, giọng dữ dằn hơn.

- Cút hết, mang rượu ra đây, ông đập chết mẹ mày bây giờ.

Thằng Lô lại vội đứng bật dậy, Tư Đui hất cả nồi cơm theo, nước canh, rau cỏ, cơm cháo tung tóe. Mắt Tư Đui long lên như mắt hổ trước con mồi. Lê tiến lại gần nhẹ đặt cây đèn xuống. Trước ánh đèn sáng và gương mặt hiền hòa kiên nghị của Lê, những tia vằn trong đôi mắt Tư Đui biến mất. Hắn xoay chân ngồi xếp bằng. Thấy đối phương lui về phía thua trận, Lê tấn công.

- Nào, anh Tư, ta cạn chén cùng lên tiên.

Tư Đui xoa hai bàn tay run rẩy, giọng vẫn lè nhè.

- Làm gì có tiên, chỉ có trần...
- Thì cạn rượu với trần. Giọng Lê như ra lệnh.
Tư Đui buông rơi chén rượu, hắn quỳ xuống trước mặt Lê vái liên hồi.

- Dạ, xin bà thứ tội, con lạy bà, bà là đấng chị, đấng anh. Con đâu dám nâng cốc với bà! Tư Đui vừa lè nhè vừa dốc cả chai rượu đổ vào miệng.

- Anh lại say rồi, anh Tư không nghe tôi nói à?

- Nghe, bà nói đi. - Tư Đui vẫn lè nhè.

Giọng Lê dịu xuống.

- Tôi là Lê, làm nghề dạy học, mới về đây được vài bữa, ở khu tập thể của nhà trường bên kia. Tối nào cũng nghe anh chửi bới, đánh đập con cái, tôi qua xem sự thể thế nào, liệu có cách gì giúp được anh.

- Bây giờ tôi chả cần gì mà giúp, tôi chỉ cần rượu, dân xóm Cả gọi tôi là thằng Tư Đui. Mà đúng tui đui thật, tổ cha cái thằng Mỹ, giá như cái ngày ấy viên đạn nó làm toang mặt tôi ra, chết quách đi khéo lại sướng hơn! Không phải khổ nhục như bây giờ. Mắt Tư Đui lại vằn lên. - Cô về đi, tôi không cần ai giúp, mà có ai giúp ai bây giờ đâu. Cô về đi, tôi chỉ cần rượu.

- Rượu đây, tôi mang cho anh đây. Giọng Lê vẫn hiền hòa. Hoàn cảnh của anh Tư tôi hiểu. Mình cùng là cảnh lính với nhau mà. Người lính bao nhiêu năm gian khổ hy sinh cốt để giành được cuộc sống như hôm nay, còn biết bao đồng đội của mình không được trở về, anh cũng vậy, mất một con mắt vì chiến tranh. Bây giờ về đây anh còn có nhà cửa, con cái. Như thế là hạnh phúc lắm. Đây, tôi vẫn hai bàn tay trắng, vậy sao có hạnh phúc trong tay, anh không giữ gìn vun đắp lại đập phá nó đi. Nếu còn một giọt máu của người lính trong người, tôi khuyên anh nên nghĩ lại. Nói rồi Lê đứng dậy xách đèn đi thẳng.

Tư Đui nhìn theo Lê, chén rượu rơi khỏi tay đổ lênh loáng. Thằng Lô lại lúi cúi chạy theo chào cô giáo. Lê xoa đầu nó giọng ân cần:

- Thỉnh thoảng cứ đến chỗ cô chơi. Thằng Lô khẽ gật đầu. Lê lại xoa đầu nó rồi lẳng lặng xách đèn đi. Thằng Lô nhìn theo, lòng nó cháy những khát vọng nhỏ bé. Nó thui thủi bước vào nhà. Tư Đui vẫn ngồi lặng trên manh chiếu. Nỗi lo sợ cố hữu trong lòng thằng Lô lại xui khiến nó dọn dẹp.

Sau lần Lê đến thăm nhà, tính tình Tư Đui dịu hẳn xuống. Hắn vẫn uống rượu nhưng ít đánh đập thằng Lô hơn. Mỗi lần đổ rượu vào miệng hắn lại thấy lấp lánh ánh đèn và giọng nói êm đềm của cô giáo Lê. Hắn chợt nhớ những ngày sôi động trong quân ngũ. Những lúc như thế, hắn muốn từ bỏ rượu, hắn muốn gọi thằng Lô bằng tiếng con êm ái. Nhưng cứ nghĩ đến con vợ, đến những lời dèm pha của người xóm Cả, cái cơ nghiệp xơ xác vì những chuyến buôn xuôi ngược của mụ ấy là máu hắn lại sôi lên, hắn lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với thằng Lô. Có lần hắn dốc hết một chai rượu, buộc thằng Lô vào cột nhà đánh, đánh chán hắn lăn ra ngủ. Cô Lê biết chuyện đến cởi trói, rửa chân tay cho thằng Lô và nấu cháo cho nó ăn. Xong việc cô còn dọn dẹp nhà cửa rồi cùng thằng Lô bê hắn lên giường, buông màn cho hắn ngủ.

Thức giấc, tỉnh cơn say, Tư Đui thấy nhà cửa sạch sẽ, lại có nồi cháo nóng dưới bếp. Hắn ngơ ngác nhìn, thằng Lô vội thưa:

- Cô giáo Lê nấu cho bố đấy. Nghe thằng Lô nói, hắn ôm mặt khóc. Thằng Lô ngày càng quý và nhớ cô Lê. Nó thường lựa những lúc Tư Đui ngủ nó lẻn đến chỗ cô Lê chơi. Cô Lê cũng thực sự quý nó. Cô dạy nó học và bảo sẽ xin nhà trường cho nó đi học lại. Những lúc ấy thằng Lô sung sướng lắm. Càng ngày tình cảm của nó càng gắn bó với Lê hơn. Còn Tư Đui mỗi lần gặp Lê hoặc nghĩ đến Lê hắn cũng tự nể, dân xóm Cả và các thầy cô giáo trong trường thì cảm phục. Nhiều người thương thằng Lô cứ nửa đùa, nửa thật:
- Tư Đui mà có được cô giáo Lê là đổi đời đấy. Những lời bàn tán ấy tới tai, Tư Đui cũng thấy hay hay. Những lúc ấy hắn thấy ghét rượu và thấy hối hận.

 **

Chiều nay, Lê vừa trên lớp về thì thằng Lô đến, mặt mày sứt sẹo, tái mét. Lê kéo nó lại gần. Thằng Lô nức nở.

- Cháu ra quán mua rượu, không đủ tiền, bà quán không bán, mang chai về không, bố cháu lại đánh đòn.

- Cô biết rồi, thôi vào nhà đi, cô cháu mình nấu cơm cùng ăn. Hai cô cháu cùng thổi lửa nấu cơm chiều. Lửa cháy lên, câu chuyện giữa hai cô cháu cùng nở như ngô rang. Lê bảo:

- Cô xin cho cháu được tiếp tục đi học rồi. Tiền học phí, cháu là con thương binh không phải đóng. Còn sách vở cô cho, miễn là cháu cố gắng học tập, học thật giỏi.

- Cháu cảm ơn cô, thằng Lô reo lên sung sướng. Song tự nhiên hai mắt nó lại nhòe ướt.

- Sao vậy cháu? Lê ân cần hỏi.

- Sợ bố cháu không cho đi học.

- Khỏi lo cháu, cô có cách rồi.

Thằng Lô im lặng, mắt sáng lên những tia hy vọng, tin tưởng. Chiều càng sa xuống thấp hơn, dưới những bờ tre chim tụ về tìm chỗ ngủ ríu rít. Tư Đui cũng từ đâu mò đến, nghé qua song cửa thấy hai cô cháu quấn quýt bên bếp lửa. Hắn giật mình, những khát thèm về một sự êm ấm trong một mái nhà lại cháy sáng. Hắn ôm mặt khóc, rồi lủi thủi bước đi. Hắn cũng không biết đi đâu, về đâu nữa. Đầu hắn chợt quên, chợt nhớ. Về đến nhà, quật mình xuống manh chiếu, hắn lại ôm mặt khóc. Đêm cũng bắt đầu phủ xuống xóm Cả. Nghe tiếng hắn khóc rống lên Lê xách đèn đưa thằng Lô về. Thấy Lê hắn choàng dậy, hắn lại quỳ xuống trước mặt Lê. Lê đặt chiếc đèn xuống, lôi ra chai rượu, giọng Lê nhẹ nhàng như không có chuyện gì.

- Anh uống đi.

Hắn lắc đầu:

- Cô Lê tha tội cho tôi.

Vậy anh phải nghe lời tôi nhé. Từ ngày mai anh phải cho thằng Lô đi học. Nói xong Lê đặt chai rượu trước mặt hắn lặng lẽ xách đèn đi về.

Hắn nhìn theo, ánh đèn sáng rực, soi rõ từng bước chân Lê trên con đường gập ghềnh của xóm Cả. Lòng hắn dịu xuống, hắn thầm nghĩ. Tại sao cô Lê lại tốt với thằng Lô thế nhỉ! Và như nhận ra một điều gì, hắn vò chai rượu, giọng mềm xuống khác thường.

- Lô ơi, lại đây bố bảo.

Thằng Lô sợ sệt từ xó cửa bước ra. Hắn mở nút chai rượu tu một hơi dài rồi đập xuống thềm hè. Hắn kéo thằng Lô vào lòng giọng âu yếm:

- Lô, con tha tội cho bố. Từ nay bố sẽ không uống rượu nữa, Bố nghe lời cô Lê cho con đi học tiếp. Giọng hắn tắc nghẹn, nước mắt hắn ứa ra. Hắn ôm chặt thằng Lô vào lòng cứ thế nấc lên. Lô! Lô! con yêu của bố.

Truyện ngắn: Trịnh Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục