Thế giới thơ của một họa sỹ

- Công chúng yêu hội họa xứ Tuyên nhận xét rằng: “tranh lụa của Nông Ngọc Quý mang một chất thơ với dư vị kết tinh của sự yên bình và yêu thương”.

“Lụa là” theo dòng chảy thời gian

Cách đây hàng chục năm chỉ cần gõ từ khóa “Tranh lụa Việt Nam” trên Google, bạn sẽ nhận được vô số những “nhận định”: “Tranh lụa suy vong”, “Còn ai tha thiết với lụa”, “Nỗi buồn của tranh lụa Việt Nam”… Một thời gian khá dài, tranh lụa Việt Nam tưởng như bị lãng quên, bởi một chất liệu “khó tính” - khó bảo quản. Bên cạnh đó, đề tài thì quá quen thuộc như: Phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt miền núi, làng chài… Thế nhưng những năm gần đây, tranh lụa Việt Nam đã tạo nên những tiếng vang lớn trong các phiên đấu giá mỹ thuật.

Như tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ… đã tạo nên một bản sắc riêng trong nền mỹ thuật thế giới. Có thể thấy rằng, tranh lụa nằm trong dòng chảy của văn hóa Việt, mà mỗi sự khai phá của những thế hệ họa sĩ vẽ lụa là một điểm ghim chốt nối dài và định hình dòng chảy.

Họa sỹ Nông Ngọc Quý.

Có đam mê với lụa từ khi mới vào nghiệp vẽ, Nông Ngọc Quý chia sẻ, lụa vừa có chất gợi hoài niệm, lãng mạn, vừa nhuần nhụy và tinh tế. Những năm gần đây lụa được chấn hưng và tạo dựng được chỗ đứng bền vững. Trước đây, tranh lụa truyền thống chỉ thể hiện các chủ đề như: phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt miền núi, làng chài một cách đơn giản... Ngày nay, tranh lụa hiện đại lại thể hiện sự mới mẻ ở các mảng đề tài đa dạng hơn, chất liệu lụa ngấm màu nhanh hơn, màu vẽ thấm nhanh hơn. Và hơn thế nữa, tranh lụa hiện đại còn được các họa sỹ sử dụng kỹ thuật mới để mô tả không gian ba chiều, sương khói… với những mức độ màu sắc khác nhau. Điều đó là bước đột phá để họa sỹ trẻ thỏa sức sáng tạo.

“Thực chất người họa sỹ phải hiểu nhuộm lụa chỉ là một trong những kỹ thuật vẽ lụa. Vẽ lụa yêu cầu nét vẽ phải trong trẻo tạo nên xúc cảm dịu dàng nhẹ nhàng cho người xem. Được vẽ trên nền lụa quê hương, tận dụng sắc màu và đường nét óng ả để biểu đạt cái đẹp là giấc mơ nhiều họa sỹ. Bởi mỗi người nghệ sỹ luôn có khát vọng mang tranh lụa Việt Nam tỏa sáng”. Họa sỹ Nông Ngọc Quý bày tỏ thêm.

Nét tâm tình trong từng tác phẩm 

Họa sỹ Nông Ngọc Quý đã từng làm việc ở nhiều nghề như: thợ xây, thợ mộc, công nhân Nhà máy xi măng, chạy thuyền cole, quảng cáo... Và anh đã tìm được “bến đỗ” cho mình bằng con đường nghệ thuật khi thi đậu vào trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Anh yêu nghề vẽ là thế nhưng khác với bạn bè cùng trang lứa, anh lúc nào cũng mang một vẻ thư sinh chứ không “dị”. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về công tác tại Trường THPT Nông Tiến. Đến năm 2006, Ngọc Quý trở thành Hội viên Phân hội Mỹ thuật tỉnh.

Dấn thân vào nghiệp hội họa với lòng nhiệt huyết và đam mê cùng tranh lụa, Nông Ngọc Quý chia sẻ, điểm mạnh của tranh lụa là ở sự trong trẻo và êm dịu của sắc màu. Vì vậy phần lớn người vẽ tranh lụa thường xây dựng phác thảo (hình, mảng) hết sức kỹ càng trước khi thể hiện lên lụa. Khi vẽ lụa thường vẽ từ nhạt đến đậm, màu nhạt chồng lên nhau nhiều lần sẽ thành đậm nhưng vẫn nhìn thấy thớ lụa tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của chất lụa.

Tác phẩm Phiên chợ 4.0 của Nông Ngọc Quý.

Tác phẩm của họa sỹ luôn tạo cho người xem một chất thơ, sự an yên, nhẹ nhàng khi thưởng lãm. Như tác phẩm “Chín bậc cầu thang” của anh, người xem được đắm mình trong đôi mắt xa xăm của người con gái Tày đang độ tuổi cập kê. Tâm trạng cô gái mong ngóng, chờ đợi tình duyên. 

Đến với tác phẩm “Chờ chồng”, Nông Ngọc Quý đã khắc họa thành công vẻ đẹp của người phụ nữ dân tộc Dao. Giữa khung cảnh của núi rừng bao la người vợ đang nhẫn nại ngồi bên người chồng say xỉn chờ đến khi tỉnh rượu mới trở về nhà. Trong bộ trang phục truyền thống người phụ nữ dân tộc Dao thật đẹp, khuôn mặt nhẹ nhàng thanh thoát nhưng chất chứa bao suy tư, lo lắng. Bởi hoàng hôn đang dần buông xuống, mây đen từ đâu kéo đến mà anh chồng vẫn nằm gục bên cạnh chai rượu. Tâm trạng  như thế nhưng người vợ vẫn im lặng, kiên trì ngồi đợi không muốn đánh thức chồng mình. Bằng nét vẽ tinh tế, nhẹ nhàng trên chất liệu lụa, gam màu trầm đã tạo cho bức tranh nhiều xúc cảm ấn tượng. Tác giả đã khắc họa thành công đức tính chịu đựng nhẫn nại và thủychung của người phụ nữ Dao.

Từ năm 2004 đến nay, hầu như năm nào họa sỹ Nông Ngọc Quý cũng nhận được giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt năm 2019, tác phẩm “Cạo gió” của anh nhận được giải khuyến khích của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tranh của anh cũng thường xuyên được chọn để treo các triển lãm lớn ở Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc...

Bằng cái nhìn tinh tế, Nông Ngọc Quý đã mang chất thơ vào từng tác phẩm hội họa. Với gam màu trầm tạo cho mỗi bức tranh sự nhẹ nhàng, sâu lắng gợi cho người xem biết bao thông điệp ý nghĩa. Tác phẩm của anh mang những giá trị thẩm mỹ và tạo rung cảm thực sự cho người xemn

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục