Đồng tiền Vạn Lịch

- Ngày xưa, có anh lái buôn giầu sụ, tên gọi là Vạn Lịch. Nghề đời, trong tay đã sẵn đồng tiền, người ta nghĩ đến sự đổi thay. Và, cái mà Vạn Lịch định thay trước nhất lại chính là vợ anh, người vợ mộc mạc, lấy anh từ lúc còn cơ hàn, người vợ chỉ có độc một tội: Suốt ngày làm tối mắt để cơ nghiệp nhà chồng mau thịnh đạt. Cái rắp tâm của Vạn Lịch chỉ còn thiếu một cơ hội.

Thì nay nó đã đến.

Nguyên một buổi chiều đông, thuyền Vạn Lịch đỗ lại ở bên một đám lau già mọc lan xuống lợi nước. Sương mù nhẹ tỏa trên mặt sông. Vạn Lịch ngồi tính sổ trong thuyền. Vợ hắn cặm cụi vá chiếc áo bông ở đằng khoang lái. Bỗng tiếng nước động lõm bõm làm chị ta ngẩng đầu: một người đàn ông gầy còm, trần trụi đang lom khom đánh giậm. Một cơn gió thoảng lạnh vào tâm hồn. Vợ Vạn Lịch rùng mình. Một ý nghĩ từ bi chợt nảy ra trong óc chị: người đàn ông nghèo khổ kia chịu sao nổi với rét mướt, một khi mà chị còn lạnh thấu xương dù đã mặc bao nhiêu là áo mền, áo đụp. Tình thương xâm chiếm cõi lòng người đàn bà phúc hậu ấy. Chị ngó ra, đang chưa biết bảo anh chàng đánh giậm sao thì anh ta chợt ngẩng đầu trông lên. Đôi mắt sáng, vòm trán cao, cặp môi dày, tuy xám lại vì rét mà vẫn tươi, đã khiến chị vợ Vạn Lịch càng lấy làm tội nghiệp. Chị ta chọn trong đống áo mền cũ, lấy một chiếc đưa cho anh chàng.

- Này, bác hãy mặc tạm cái áo này kẻo rét quá chịu sao nổi!

Anh chàng đánh giậm ngạc nhiên rồi cảm động. Anh ta vảy bàn tay ướt, đỡ lấy cái áo và nói mấy lời tạ ơn.

- Ồ, có gì mà bác nói ơn với huệ. Người ta cứu giúp nhau, đồng lần mà thôi.
Giữa lúc hai người đang rủ rỉ câu chuyện, Vạn Lịch chợt thò đầu ra. Một tia sáng bất lương chạy qua cặp mắt voi ti hí. Hắn tác sắc mắng ầm lên:

- À, đồi voi giày. Tao chỉ ngồi cách có mấy gang tay mà mày dám công nhiên nói chuyện với trai thì ghê gớm thật!

Rồi y nhất định làm ra to việc và kết cục, đuổi người vợ xuống bến sông vắng, hạ lệnh cho chân sào đẩy thuyền đi.

Trong lúc người đàn bà đáng thương kia kêu trời gọi đất để tỏ nỗi oan thì chú lái buôn tủm tỉm cười thầm với cái hình ảnh một con kỹ nữ yêu đương mơ hồ hiện trước mắt.

Giận chồng đen bạc, người đàn bà sau khi đã khóc hả nỗi oán hờn, cười nhạt và bảo anh chàng đánh giậm đang ngồi xo, như một kẻ đã vô tình phạm phải tội thái ác:

- Này bác, việc xảy ra, bác đừng buồn. Tôi đã hiểu ý chồng tôi muốn thay lòng đổi dạ từ lâu. Cái việc tôi cho bác áo chỉ là một cớ để hắn làm toại ý riêng mà thôi. Ta có nghĩ ngợi buồn rầu cùng vô ích. Nhưng, bây giờ, cơ sự đã đến thế này, thôi thì ta lấy nhau vậy. Biết đâu chẳng phải ý trời sắp đặt.

Hai người từ đấy thành vợ chồng. Anh đánh giậm ngày ngày ra bến sông mò cá. Chị vợ ở nhà làm các việc vặt vãnh. Trong túp lều nhỏ bé ở bên sông, bắt đầu có một chút ấm áp của tình yêu.

Một hôm, anh đánh giậm theo lời vợ bảo, đổi nghề vào rừng kiếm củi. Lúc trở về, anh ta nghễu nghện đem theo một cây quế ở trên vai. Chị vợ mừng quýnh, lập tức cắt thành từng thanh vuông vắn đem ra chợ bán. Số tiền thu được có tới chừng dăm chục quan tiền. Gia đình anh đánh giậm từ nay đã có chút vốn đủ để buôn bán sinh nhai.

Tuy thế, anh tiều phu không nỡ bỏ ngay cái nghề mới nó đã cho anh sự may mắn lạ lùng. Anh vẫn vào rừng kiếm củi. Mỗi lần đi thường đem cả cơm nước theo đi.

Khu rừng ấy, không ngờ lại chính là một khu rừng cấm, trong đó có một ngôi mộ của một ông vua. Quanh bốn góc ngôi mộ, người ta xây bốn ông phỗng rất đẹp đứng hầu. Anh tiều phu thấy hay hay liền giở cơm rượu ra mời mọc từng ông một y như mời bạn thật. Ăn xong, anh ngả luôn bốn ông xuống sập đá để cùng anh đánh một giấc ngủ trưa, chừng khi nào ra về, anh mới dựng đứng cả lên như cũ. Nhưng, một hôm, lúc anh tỉnh dậy thì đầu óc hãy còn choáng váng hơi men nên cứ thẳng đường về, quên khuấy việc dựng đứng bốn ông tượng. Rồi luôn mấy ngày sau, anh tiều phu bận việc, không vào chi đến rừng.

Sự đãng trí cỏn con ấy không ngờ đã làm động cả một khu rừng và phiền nhiễu đến giấc ngàn năm của ông vua nằm dưới ngôi mộ cổ. Triều đình xét thấy căn nguyên, sai lính vào dựng bốn pho tượng đặt lên chỗ cũ. A lạ! Sao mà nặng thế! Bao nhiêu binh sĩ túm nhau khiêng mà các ông tượng đá vẫn trơ không chuyển. Cùng đường, Triều đình phải xuống dụ xem ai có cách gì gọi được bốn ông tượng đứng lên thì người ấy muốn xin một đặc ân gì cũng cho.

Tin đến tai anh chàng kiếm củi. Chàng ta tức khắc nhận cuộc. Vợ lo lắng bảo chồng: “Mình tài hèn làm chi được mà nói liều!” Anh tiều phu mỉm cười rồi đáp: “Nhà không biết, bốn ông tượng ấy là bạn thân của ta. Ta đã mời các ông nằm xuống được thì nay ta xin các ông đứng lên hẳn cũng chẳng khó khăn nào!”. Quả nhiên, anh chàng tuổi trẻ làm được như lời. Tới kỳ thụ ân, anh ta hỏi vợ xem nên xin gì. Vợ khuyên chồng nên xin một chức kiểm soát thuyền buôn đi lại trên các mặt sông.

Thế là, một bước, vợ chồng anh tiều phu trở nên sang cả.

Và, cõi đời, thực ra, chẳng rộng lớn gì nên người ta, dù cố ý xa nhau mà rồi luẩn quẩn lại vẫn gặp nhau. Vạn Lịch, sau khi rẫy được người vợ quê mùa, lấy làm đắc sách lắm. Y cho đầy tớ chèo thuyền một mạch đến chỗ nhân tình ở rồi cưới ngay cô kỹ nữ. Chẳng ngờ cái ngày mà hắn được toại ý lại chính là cái ngày mà cơ nghiệp hắn bắt đầu tan tành. Nghỉ ngơi, phung phí một độ lâu, hắn đành phải xếp gánh xuống thuyền để đi tìm thêm tiền của về tiêu. Một hôm, qua đồn, Vạn Lịch cho người cầm giấy lên trình. Bà lớn đồn mừng rỡ gặp dịp may để báo thù người cũ bèn xin quan ông bắt chủ thuyền phải thân lên trình giấy mới được đi.

Giây phút gặp gỡ mới rắc rối làm sao! Vạn Lịch khúm núm vào tới công đường, đầu không dám ngẩng lên vì y đoán trong sự bắt buộc phải thân lên trình giấy có một cái gì không hay cho y. Bỗng một giọng nói cất lên, sang sảng, hách dịch nhưng mà không lạ. Vạn Lịch khẽ liếc trông, thì kìa:

Phải rằng nắng quáng đèn lòa
Người trên thềm đó chính là người xưa!

Vạn Lịch choáng váng vì không ngờ rồi tê mê vì hổ thẹn. Hắn quay phắt trở ra, gieo luôn mình xuống sông tự tử. Người vợ hối lại, bèn xin phép chồng mới xuống thuyền ma chay cho chồng cũ. Phí tổn hết bao nhiêu trừ đi, của cải của Vạn Lịch còn chừng nào, chị ta dồn cả lại đúc thành một thứ tiền đồng là tiền Vạn Lịch, để ghi một đoạn tình sử não nùng:

Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng
Công em ăn ở với chàng đã lâu
Đã không tình trước nghĩa sau
Bạc đen hẳn có trên đầu xét soi
Dòng sông, nước lặng lờ trôi
Mà thiên trường hận muôn đời con ghi

(Rút từ tuyển tập Lan Khai, Nhà xuất bản văn học, tháng 5-2010. Tác phẩm đã  đăng trên Tạp chí Tao Đàn, số 3 - 1939).

Truyện ngắn: Lan khai

Tin cùng chuyên mục