Theo cách mạng, làm lại cuộc đời

- Tiểu thuyết Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2003) lấy bối cảnh chủ yếu giai đoạn 1950 - 1959, là giai đoạn chính quyền cách mạng mới thành lập ở miền Bắc. Thời điểm ấy, chính quyền cách mạng còn non trẻ, dưới sự hỗ trợ của người Pháp, người Mỹ, bọn thổ phỉ ở Phong Thổ - Lai Châu nổi dậy đồng loạt, thành lập khu tự trị, cướp, giết, ức hiếp dân lành, cướp chính quyền.

 

Thổ phỉ là một bộ phận nhỏ người Mông, người Dao, người Tày, người Nùng, người Kinh… do đầu óc u mê tăm tối, nhẹ dạ cả tin nên bị kích động mà đứng lên chống lại chính đồng bào mình. Cũng có những kẻ tham lam, có người do hiểu lầm, do bị ép buộc mà tham gia vào bộ phận thổ phỉ. Bọn chúng do những kẻ cầm đầu ranh mãnh, khôn lanh tập hợp, chiến đấu có tổ chức như Triệu Tá Sắn là Tổng chỉ huy, dưới là bộ tham mưu gồm Hoàng Seo Lùng, Bàn Vần Sing, Lý Văn Thanh, thầy mo Bàn A Quấy…

Qua bút pháp hiện thực của mình, Đoàn Hữu Nam đã phơi bày thế giới tội ác khủng khiếp do bọn thổ phỉ gây ra. 

Hầu như tất cả đám phỉ trong tiểu thuyết vô học, tham lam, làm điều ác không chút ghê tay. Nhân vật mang số phận bi đát nhất trong tiểu thuyết là người đàn bà người Dao tên Pham. Pham là gái có chồng, nhưng bố chồng và chồng suốt ngày u mê trong khói thuốc phiện. Pham bị bố chồng hiếp đến sảy thai, như con trâu con chó trong nhà chồng. Rồi Pham yêu anh Bắc là một cán bộ, Pham khao khát được sống là chính mình, với người mình yêu nhưng bi kịch lớn lao lại xảy ra khi Bắc bị thổ phỉ giết.

Thể xác đã chất ngất nỗi khổ, điểm tựa tinh thần cũng mất, Pham vật vờ như ngọn gió lang thang… Cô là điển hình cho phụ nữ vùng cao thụ động, bị coi thường, khinh rẻ như đồ vật, không có quyền làm người. Ấy thế nhưng khi gã bố chồng vô đạo chết, cô vẫn tìm cách để chôn lão. Cô lê lết lần hồi từng nhà người Dao cầu xin họ làm ma cho gã bố chồng không được, cô lại chạy đến cậy nhờ chính quyền cách mạng. Đây là tình huống nghệ thuật đắt giá, đầy tính nhân văn. Cô Pham đã vượt qua nỗi bất hạnh để vụt lớn về nhân cách.

Bên cạnh Pham, những nhân vật như cụ giáo Choong, Đàu, Vương, Đoàn Văn Long,… mỗi người một tính cách, một số phận riêng trở nên rất lôi cuốn bởi vốn từ độc, lạ của tác giả. Các tình tiết truyện đi theo nhịp điệu khá nhanh làm bạn đọc thêm hứng thú. Nhân vật chính diện tiêu biểu là Đoàn Văn Long - Bí thư châu ủy vững vàng, bản lĩnh, xông xáo, gần gũi với nhân dân. Anh đã dẫn dắt lực lượng cách mạng chiến đấu không ngừng nghỉ đến khi bọn thổ phỉ đầu hàng.

Giây phút anh một mình một ngựa, tay không vào tận hang ổ bọn thổ phỉ tiếp nhận sự đầu hàng của chúng phảng phất khí phách người anh hùng. Có thể kể thêm các nhân vật thổ phỉ Bàn Vần Sing, Hoàng Seo Lùng, Phùng Zùn Thanh tội lỗi, máu đầy tay, hay anh Bắc - cán bộ khu vực Thành Tô trẻ trung, hừng hực sức sống, yêu cuồng nhiệt, chơi hết mình vẫn bám dân bám bản, hoặc Triệu Tá Zùn lúc theo phỉ lúc theo ta… đều là những hình ảnh khó quên, có đời sống riêng trong tiểu thuyết.

Tiểu thuyết mô tả chi tiết về sinh hoạt xã hội của nhiều dân tộc thiểu số; thuốc phiện và thu thuế; cách yêu đương, lễ tục và hủ tục; các trận đánh lớn hay nhỏ, kéo dài hay chớp mắt cùng bao nhiêu kế hoạch, trò mị dân, mua chuộc, khống chế với răn đe, các cuộc thanh toán, cuộc đấu tranh tư tưởng, trận chiến tâm hồn ở từng cá nhân, cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, gia đình và dòng họ, đối kháng giữa các dân tộc, các quan niệm.

Thổ phỉ là tiểu thuyết mang hơi hướng sử thi, phần kết có hậu, gia đình sum họp. Những người phụ nữ thống khổ như Pham, Bàu đi theo cách mạng, làm lại cuộc đời. Đây là thông điệp xuyên suốt mà tác giả gửi gắm đến bạn đọc. Tiểu thuyết như một bản hùng ca chép từ bi kịch lịch sử một vùng đất, trên hết là bi kịch “nồi da nấu thịt” của cộng đồng đồng bào dân tộc vốn chung sống hòa bình với nhau từ bao đời nay.

Thành Thanh

Tin cùng chuyên mục