Âm hưởng Giải phóng Điện Biên

- Đã 70 năm trôi qua nhưng dường như mỗi lần các ca khúc về Điện Biên của nhạc sỹ Đỗ Nhuận vang lên là mỗi lần không khí hào sảng của những tháng ngày đánh trận Điện Biên được tái dựng qua từng nốt nhạc, ca từ. Để thêm một lần, các sáng tác tràn đầy không khí hào sảng ấy lại khơi dậy niềm tự hào trong quá khứ, tiếp thêm cho mọi người niềm lạc quan cách mạng, tin tưởng vào tương lai.

Niềm tin chiến thắng

Trong những ngày hào hùng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, nhạc sỹ Tân Điều, hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc - Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang lại bồi hồi xúc động. Ông kể, trước kia công tác tại Ban Văn nghệ - Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang, buổi sáng sớm nào Đài cũng tiếp sóng chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mở đầu một ngày mới là một nét nhạc vui tươi, rộn rã trong bài hát Giải phóng Điện Biên của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Những ca từ “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa  mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui” đã làm nức lòng chiến sỹ cả nước, ăn sâu bám rễ vào tiềm thức quen thuộc của nhân dân, có sức lan tỏa lớn. Theo nhạc sỹ Tân Điều, nhạc bài Giải phóng Điện Biên rất phù hợp cho mở đầu một ngày mới vì nó rộn ràng thể hiện quyết tâm, khí thế hừng hực.

Tác phẩm đã hòa quyện được chất dân ca Tây Bắc và chất dân ca Đồng bằng Bắc Bộ, quê hương của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Nhạc sỹ Tân Điều khẳng định, đây là một ca khúc hay đi cùng năm tháng, bài hát có thể hát đơn ca và tốp ca nhưng hoành tráng nhất là màn hát múa có dàn nhạc giao hưởng. Thể hiện bài hát này ca sỹ chính cần có giọng cao, thể hiện đúng tinh thần của bài hát không phải là dễ. Vì bài hát có lúc nhanh, chậm, cao độ, trường độ thay đổi liên tục.

Giải phóng Điện Biên bản hùng ca của dân tộc. (ảnh chụp năm 1954) . Ảnh tư liệu

Nhạc sỹ Tăng Thình, hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang cho biết, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã sáng tác ba nhạc phẩm: Hành quân xa, Chiến thắng Him Lam và Giải phóng Điện Biên trong không gian chiến tranh đầy quyết liệt và thời gian chưa đầy hai tháng, quả là một kỷ lục hiếm có. Nhạc sỹ Tăng Thình cho biết, rất ngưỡng mộ nhạc sỹ Đỗ Nhuận và hoàn cảnh ra đời ca khúc nổi tiếng. Trong cuốn sách “Âm thanh cuộc đời”, nhạc sỹ Đỗ Nhuận ghi lại bối cảnh ra đời bài hát.

Lúc ấy mùa xuân 1954, nhạc sỹ Đỗ Nhuận - Trưởng đoàn văn công Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia “Chiến dịch Trần Đình” (mật danh của chiến dịch Biện Biên Phủ). Cuộc chiến kéo dài tới ngày thứ 50. Sáng hôm ấy, nhạc sỹ Đỗ Nhuận cùng anh chị em văn công đang san lấp hố bom dọc đường, gặp một cán bộ tuyên huấn mặt trận tìm đến. Đồng chí Hoàng Xuân Tùy lúc đó là Trưởng phòng Tuyên truyền, Tổng cục Chính trị dặn: “Đỗ Nhuận chuẩn bị viết bài về chiến thắng Điện Biên nhé”. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận hào hứng đón nhận niềm lạc quan chiến thắng cũng như niềm tin mà cấp trên trao gửi: “Nhất định sẽ có, anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã nhắc tôi rồi”.

Sống  mãi trong lòng nhân dân

Mỗi ngày, niềm tin thắng lợi càng nung nấu trong tim người nhạc sỹ, thôi thúc ông cho ra đời một tác phẩm xứng tầm. Quen làm việc với sự chuẩn bị chu đáo, ông luôn cẩn thận ghi vào sổ tay một tứ thơ bất chợt, hay một nét nhạc bỗng lóe lên trong đầu. Chẳng mấy chốc, cuốn sổ tư liệu cho bài hát đã có tới 5 trang viết tay. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận trăn trở với lựa chọn môtip nhạc cho khúc khải hoàn bằng cả khát vọng cống hiến và lòng yêu nước. Trong di cảo để lại cho con trai là nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, nhạc sỹ viết: “Nghĩ rằng bài này phải sáng sủa, bối cảnh trên đất Tây Bắc.

Chất liệu âm nhạc cần phải pha giữa chất nhạc Kinh và Thái. Tôi tự hỏi: có pha trộn được không? Tôi nghĩ được, vì dân tộc Việt Nam mình là một, chỉ cần có nhạc cảm chân thực và cần thời điểm…Tôi không có ý định nói lên tầm cỡ vĩ đại của chiến dịch như một bộ phim nhiều tập, chỉ muốn dựng lên một cột mốc nhỏ, đánh dấu trận chiến thắng bằng một hình thức âm nhạc dễ phổ cập. Bộ đội ta vượt núi trèo đèo bao ngày gian khó mới làm nên chiến thắng, thi khúc thức âm nhạc không cần phép tính ngang bằng sổ ngay; lời ca phải súc tích…”.

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận và con trai - Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân ảnh chụp năm 1978. Ảnh tư liệu

Ông Vũ Đình Lý, năm nay bước sang tuổi 70 nhà ở tổ 6, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, đây là ca khúc hào hùng, mô tả được khí thế của một đoàn quân đã toàn thắng sau bao ngày gian khổ, lòng quyết tâm chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Với nhịp điệu hành khúc sôi nổi và giai điệu hào hùng khí thế chiến thắng, sự hân hoan chào đón của đồng bào Tây Bắc đã đem lại ca khúc với khí thế sục sôi và niềm vui bất tận. Đặc biệt là càng hát ca khúc này càng thấy yêu quê hương Tây Bắc nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung. Giờ tuổi cao rồi những ông vẫn thích hát bài Giải phóng Điện Biên vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông vẫn mở bài hát này cho con cháu nghe, ca từ bài hát như câu chuyện kể về đoàn quân ta ra trận chiến thắng trở về, con cháu ông cũng rất thích điều này.

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận, sinh năm 1922, mất năm 1991, là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Ông được coi là ngôi sao sáng của nền âm nhạc Việt Nam, là nhạc sỹ Việt Nam đầu tiên viết Opera với vở Cô Sao. Ông là nhạc sỹ duy nhất trong thế hệ tân nhạc đầu tiên ở nước ta được đào tạo bài bản ở nhạc viện danh tiếng mang tên nhà soạn nhạc Nga vĩ đại Tchaikovsky từ 1960 đến 1962. Ông được trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhì và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Những tác phẩm âm nhạc của ông sống mãi với thời gian như Du kích ca, Áo mùa đông, Du kích sông Thao, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Việt Nam quê hương tôi và bài hát Giải phóng Điện Biên đã trở thành khúc quân hành của bao thế hệ. Anh Lê Anh Quân ở thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) bảo rằng, mỗi khi nghe những ca khúc của nhạc sỹ Đỗ Nhuận viết về Điện Biên Phủ, đặc biệt là bài hát Giải phóng Điện Biên như thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay cống hiến thật nhiều cho đất nước, sống xứng đáng với thế hệ cha ông đã xả thân vì nền độc lập của nước nhà.

Có thể nói 70 năm qua, âm hưởng của ca khúc Giải phóng Điện Biên luôn vang dội khắp non sông. Ca khúc ấy không chỉ là thông điệp tuyên bố chấm dứt sau 9 năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta mà còn là người bạn đồng hành của những người lính đã từng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ca khúc ấy không chỉ tượng trưng cho lá cờ bách chiến bách thắng mà còn là “sợi chỉ đỏ” đánh dấu “cột mốc” ngày toàn thắng, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu xen lẫn niềm vui vô bờ bến của quân và dân cả nước.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục