Ngày cha đi Chiến dịch Điện Biên

Đến bây giờ ngoài tuổi thất thập cổ lai hy rồi nhưng trong ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn câu chuyện Nội tôi kể ngày cha tôi lên đường đi chiến dịch Điện Biên. Thường vào lúc giấc ngủ chập chờn tôi lại gặp hình ảnh Nội ôm tôi trong lòng thi thoảng lại quệt tay ngang mắt. Khi ấy tôi ngây thơ hỏi.

- Sao tự nhiên Nội lại khóc.

- Cha bố mày, khóc đâu mà bảo Nội khóc.

- Mắt nội ướt thôi!...

- À, Nội nhớ bố mày, nước nó chảy ra đấy. Rồi giọng Nội thì thầm. Số Nội vất vả, lấy ông Nội cháu chỉ sinh hạ được hai mụn con thì ông Nội cháu bệnh mất sớm mấy năm sau, cô mày xấu số mới được chín tuổi thì cũng đi theo cha do bệnh tật, thời ấy không có thuốc mà. Một mình Nội lặn lội nuôi bố cháu, năm mười tám tuổi thì tình nguyện đi vệ quốc quân, lên mãi vùng cao lạng ấy. Nội ở nhà vò võ ngóng chờ.

Thương nhớ bố cháu có một bận nội lặn bộ lên tận đơn vị của bố cháu, nói khó hoàn cảnh, mấy ông chỉ huy đồng ý cho bố cháu về nghỉ phép được nửa tháng, nội hỏi vợ cho bố và cưới liền tay ngay. Hết phép bố cháu lại ba lô lên đường, nội chỉ nhìn theo. May giời cho, mấy tháng sau thấy bầm của cháu bụng lùm lùm to dần, rồi đến cữ sinh đẻ. Giời lại thương cho là con giai, Nội đặt tên là thằng Bắc vì khi ấy bố cháu đang ở trên phía Bắc mà…

- Thế thằng Bắc là…

- Cha bố mày, nội dí tay vào trán tôi cười. Câu chuyện về bố tôi cứ rì rầm trong đêm. Bố vẫn đi biền biệt, mãi năm tôi lên ba, lên bốn thì phải, bố tôi về. Nội la giời vì mừng rỡ, bầm tôi thì vân vê vạt áo đứng nhìn, dân xóm ùa tới cùng vui. Giọng Nội rộn ràng.

- Giời vẫn phù bà con ạ, nhưng bố nó đi lâu quá, giờ về thằng đít tôn của tôi nhớn tướng rồi. Nội kéo cả tôi và bố tôi vào lòng. Giọng nghẹn ngào. Kêu bố đi con, khổ loạn lạc ba bốn tuổi rồi giờ mới thấy mặt bố. Thôi về lần này thì ở nhà với vợ con, không đi đâu nữa. Vừa nói nội vừa ghì chặt bố con tôi vào lòng. Dân xóm vừa bùi ngùi vừa vui, ai cũng cười nói rộn ràng. Bố mở ba lô lấy bánh kẹo cho tôi, cho bà con xóm ngõ cùng thưởng thức cái hương vị của núi non Việt Bắc, trên cái bàn nhỏ rinh ran bao chuyện. Chợt một bà cụ hỏi.

- Thế anh Sớm về phép hay về …

- Con ghé qua nhà chỉ đêm nay thôi, mai đi sớm, đơn vị con đang hành quân kéo súng to lên…

- Không lên xuống gì cả, ở nhà. Giọng nội dứt khoát. Mọi người cùng im lặng nhìn nội. Cái bàn nước lắng xuống rồi vẫn giọng bà cụ lúc nãy vừa ngậm ngùi, vừa dứt khoát.

- Bá giữ anh Sớm ở nhà sao được, cả nước đang ầm ầm ngày đêm lên Tây Bắc đấy, anh Sớm là quân chủ lực, giữ sao được, mà ai cũng giữ con như bá thì… Bà cụ thở dài nhìn Nội tôi, Nội cũng thở dài. Khi mọi người ra về, lạ nội không lên giường ngủ mà đổ lúa vào cối xay. Nội xay lúa nếp, rồi giã, dần sàng, cho vào nồi ngâm. Sáng sớm dậy tôi đã thấy nắm cơm to như con lợn con chằng ngang ba lô của bố rồi. Nội xới cơm ra bát bắt bố con tôi ăn thật no. Cơm nước xong bố ôm tôi, công kênh chạy vòng quanh nhà rồi đeo ba lô xin phép Nội ra đi. Bố đi thẳng không ngoảnh lại, Nội và hai bầm con tôi cũng đứng lặng nhìn theo đến khi bóng bố tôi khuất sau cây gạo bờ ao.

Minh họa: Bích Ngọc

Thời gian cuồn cuộn trôi, tin tức từ Tây Bắc dội về rồi làng gọi loa giục người đi dân công tải đạn. Bầm tôi cũng ghi tên. Nội chỉ im lặng. Ngày bầm cùng bà con lên đường Nội chỉ bảo: Cả hai vợ chồng nhà mầy cùng lên đấy, thôi đành nhờ giời vậy. Mũi tên hòn đạn nó sẽ chừa ra nhưng khi bầm tôi ra khỏi ngõ thì Nội ngồi như tượng. Bức tượng như biết nói cứ hằn đậm trong ký ức tôi. Sau này lớn tôi mới vỡ ra tâm ý của Nội. Ấy là Nội lại sợ phải nuôi cháu một mình như nuôi bố!...

 May, chỉ vài tháng sau bầm tôi cùng cả đám dân xóm đi dân công về, ai cũng reo to. Giải phóng Điện Biên rồi hòa bình rồi, các anh bộ đội sẽ cùng về thôi. Nội cười giàn nước mắt nhưng vẫn ngoái nhìn ra ngõ. Quả mấy ngày sau bố tôi về thật. Bố gầy sạm hơn xưa nhưng khỏe. Nội ôm bố sờ nắn khắp người. Bố cười bảo.

- Con lành lặn mà.

- Ờ, súng đạn thằng Pháp nhiều thế mà không làm gì được con tôi... Đúng là giời che thật. Nội cười ha hả. Bà con xóm ngõ cũng kéo đến chật cái bàn nước, chuyện ran ran. Mọi người vừa vui sướng vừa bùi ngùi. Bà cụ hôm xưa động viên bố giọng lại bùi ngùi:

- Loạn lạc người mất, người còn! ai về thì phúc đức, vui vẻ ai không về… Bà cụ thở dài. Mọi người nhìn bố lại hỏi.

- Ta thắng, nhưng người có chết nhiều không?

- Bố tôi im lặng quệt tay ngang mắt chỉ gật đầu, lát ông ngậm ngùi: “Bộ đội hy sinh cũng nhiều, ta thắng cũng nhờ tài tình của tư lệnh tướng Giáp đấy. Mới đầu theo kế hoạch là đánh nhanh, thắng nhanh nhưng khi dàn trận, pháo lớn pháo bé và các cánh quân đã sẵn sàng nhưng đêm hôm ấy tướng Giáp đích thân đi điều biên chiến trường và ông quyết định bỏ kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh mà chuyển kế hoạch đánh chắc, tiến chắc…

Thế là các đơn vị phải chuyển hướng, khổ nhất là cánh pháo binh bọn cháu. Kéo vào đã khó, giờ kéo pháo ra càng khó. Bộ đội, chỉ huy nhiều khi cũng nản lòng nhưng quân lệnh vẫn phải như sơn. Sau nhiều ngày đêm gian lao, pháo lại kéo vào. Lạ khi lần này pháo vào thì không đặt giữa giời đất nữa mà tất cả được đưa vào hầm. Mọi người lúc này mới ớ ra và càng tin tưởng Đại tướng. Khi có lệnh tấn công, pháo ta cùng nổi lửa, quân giặc ngỡ ngàng, chúng cho Việt Minh có phép thần, nên không biết trận địa pháo của Việt Minh đặt ở đâu mà bão lửa cứ đổ xuống đầu nó.

Thằng chỉ huy pháo binh của nó ức quá phải thắt cổ chết. Ở trên đà thắng lợi đó, quân ta nhịp nhàng hợp đồng binh chủng, tất nhiên chúng chống lại rất quyết liệt nhưng cuối cùng cũng phải kéo cờ trắng ra hàng. Cháu cũng là số người sống sót được trở về cùng chiến thắng…

- Phúc, phúc đức rồi nhưng cái phúc lớn là chiến thắng Điện Biên đã mang laị hòa bình cho nước nhà, không còn loạn lạc nữa. Từ nay dân ta yên ổn cùng nhau làm ra lúa gạo thôi. Các anh về xóm ngõ khỏe ra đấy. Bõ những ngày gian lao kéo pháo vào, kéo pháo ra anh Sớm nhỉ…

- Vâng, việc kéo vào, kéo pháo ra cũng là câu chuyện có thật, bọn cháu là người trong cuộc mà cũng thấy thần kỳ, càng phục tài năng của tướng Giáp và tinh thần quyết thắng của toàn dân tộc ta…

Bố tôi cùng mọi người cùng cười, tiếng cười ấm nóng chan chứa niềm tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng. Từ ấy bố tôi ở nhà, thành lão nông trên đồng ruộng nhưng câu chuyện ngày ông lên Điện Biên thì cứ thấm dài suốt cuộc đời tôi và các con cháu mai sau.

Truyện ngắn: Trịnh Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục