Nguyễn Hữu Dực và “Một thời hoa lửa”

- Tác giả Nguyễn Hữu Dực (trong ảnh), sinh năm 1952 ở Phong Châu, Phú Thọ. Ông là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, từng tham gia quân đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông hồn hậu, chân phương như chính cuộc đời.

Một hồn thơ dung dị

Nhà thơ quan niệm làm thơ để trả nghĩa cuộc đời và dưỡng nuôi tâm hồn. Những vần thơ của ông dung dị, như lời tự sự về những tháng năm trận mạc, về cuộc sống thường nhật với cả trời ký ức những buồn vui… Độc giả biết nhiều đến ông qua các tập thơ: Về miền lau trắng (2009), Sông Lô gọi về (2012), Bổng trầm lời ru (2018), Một thời hoa lửa (2023)… Ông có nhiều bài thơ đăng trên Báo Tuyên Quang, Báo Tân Trào, Báo Văn nghệ, cùng nhiều giải thưởng như: Giải A cuộc vận động sáng tác ca khúc, tiểu phẩm, thơ tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang năm 2019 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức, Giải C Thơ lục bát do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2013, Giải B cuộc vận động sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, Báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2009.

Tác giả Nguyễn Hữu Dực.

Tập thơ mới xuất bản gần đây nhất của ông mang tên “Một thời hoa lửa” xuất bản năm 2023 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành gồm 57 bài thơ nhỏ xinh, thắm đượm ký ức trận mạc của những ngày “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Mạch thơ chủ đạo là ký ức về đồng đội, nỗi nhớ giữa hai trận đánh, là binh trạm, là day dứt với “vọng phu” tạc vào thời gian của những người bà, người mẹ, người chị, người vợ, người em gái khắc khoải chờ người thân ra trận trở về...

Giữa bối cảnh “Khi đất rung lên, pháo dập trên đầu/Cùng đồng đội đạp rào lướt tới”, nhưng trái tim thi sĩ của tác giả thì không đơn giản thế, trái tim ấy lại để len khẽ vào tim tiếng tha thiết ân tình “Ráng chịu đau nghe anh” của cô y tá (Bài thơ viết trong trận đánh). Song có lẽ nhiều hơn cả, đậm sâu hơn cả vẫn là những vần thơ ông viết về đồng đội, trong đời thường cũng như trong chiến đấu: “Chúng mình thương nhau từ buổi mới tòng quân/Giọt nước, miếng cơm san sẻ tình đồng đội” (Đồng đội), hay “Chúng tôi tứ xứ trăm miền/Gọi nhau đồng đội/Cùng bước một hai, tinh thần như ruột thịt/Bát cơm, manh áo nhường nhau/Bạn ốm tôi đau/Chia sẻ thư nhà, mối tình vụng dại/Cười nói râm ran, chuyện lính đời thường” (Một hai… một hai); “Giữa sống chết vòng tay bè bạn/ Hiểu nhau hơn giữa muôn vàn ác liệt/Đồng đội ơi, tôi gọi mãi giữa đời” (Tấm hình đồng đội).

Nên thơ như chính cuộc đời

Dọc đường kháng chiến, mạch thơ Nguyễn Hữu Dực luôn được đắp bồi, vạm vỡ hơn bởi những xúc cảm chân thành, đẹp đẽ từ sự chăm sóc, chở che của quê hương nghĩa nặng tình sâu, đó là từ người mẹ Quảng Bình, hay thổn thức trước những nữ thanh niên xung phong: “Đồng Lộc ơi, hồn núi, hồn sông/Em hóa thân những tượng đài Tổ Quốc/Bài ca không quên hát lên giữa chiều dài đất nước/Lung linh những con đường có bóng em qua” (Đồng Lộc), “Mẹ vẫn đợi con về/Lời dặn lúc tòng quân/Đêm thao thức chờ canh gà gáy sáng/Lòng bồn chồn nghe mỗi tiếng súng xa” (Mẹ vẫn đợi con về)…

Tập thơ Một thời hoa lửa của nhà thơ Nguyễn Hữu Dực.

Hồn thơ ông còn được nuôi dưỡng bởi lòng trắc ẩn với những đợi chờ của người mẹ, người vợ, người chị, người em gái trong chiến tranh: “Trôi dần cái thuở đam mê/Lệ giấu vạt áo đêm về cô đơn” (Chị), “Qua rồi năm tháng chiến tranh/Thương bao cô gái hóa thành vọng phu/ Từ Quy khản giọng xa mù/Tìm nhau mỏi cánh chim thu cuối trời”, “Một đèn, một bóng đơn côi/Khóc thầm chị gọi anh ơi bao lần” (Chờ anh); “Chiếc vòng cầu hôn/Ai mang trọn, ai tính bằng nước mắt/Ba mươi năm dằng dặc đợi chờ” (Tháng tư về); “Về làng tóc muối sương rơi/Trúc xinh em vẫn mồ côi một mình/Tháng năm ơi quá vô tình/Để vành trăng khuyết bên đình chờ ai” (Trúc xinh còn đứng sân đình); “Chưa bén hơi lại một mình/Dăm lần bẩy lượt cũng thành thói quen” (Vợ lính); “Sớm chiều ngóng trông như ngọn đèn sắp tắt/Mẹ quên tuổi xuân/Trong những tháng năm dài” (Đợi)…

Với thể thơ tự do, tác giả để mỗi câu thơ tuôn trào nơi đầu bút đều tự nhiên, mộc mạc, nên thơ như chính cuộc đời. Vẻ đẹp của cuộc sống nảy mầm, sinh sôi, đơm hoa kết trái không ở đâu cao vời, siêu thực, mà từ chính nhịp sống, sinh hoạt thường nhật: “Nhớ em miệng vẫn hay cười/Vân vê tà áo ngượng lời dặn nhau…” (Trong mơ tôi nhớ con đường xưa) hay “Những đoạn ngầm đá khô, những đoạn ngầm đầy nước/Tay lái giằng méo mặt lúc vượt lên” (Cô gái và đoạn ngầm); “Tây Nguyên trước mặt/Những người dân da nâu, tóc xoăn/Thổi tù và, săn voi và đánh giặc” (Tháng Ba Tây Nguyên).

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, thơ Nguyễn Hữu Dực lại hướng về quê hương trong lành, thơm thảo, là mạch nguồn đầy sức sống để những vần thơ của ông được chắp cánh bay lên: “Cho con mơ những cánh đồng/Tảo tần tay mẹ nặng bông lúa vàng/Cho con nhớ một dòng sông/Sóng sánh câu hát, tung tăng cánh diều” (Lục bát cho mình); “Mẹ chẳng còn, đời mẹ tựa phù sa/Con sông đời cho con tất cả/Giọt nước mắt gửi sông, ơn Mẹ tày biển cả…” (Tôi lại gọi tên sông).

Thơ ông nặng sâu một lòng tri ân đồng đội, tri ân quê hương xứ sở sau những tháng năm dặc dài binh lửa: “Đồng đội ơi/Gọi mãi không thưa. Bốn bề chỉ còn nghe tiếng gió/Làn khói hương cuồn cuộn những hình người/Đồng đội ơi. Đồng đội của tôi ơi” (Trước nghĩa trang nhớ đồng đội xưa); “Uống nước nhớ nguồn nét đẹp nhân văn/Những người con hy sinh cho đất này hoa trái/Cho Tổ quốc linh thiêng ngàn đời gọi mãi/Hương hoa hồn người bất tử với thời gian” (Tri ân).

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục