Tình người bản Mông

Ở Lủng Háng mấy hôm nay bớt rét, gần trưa trời ửng nắng. Người ta đã kịp phát bờ, be thêm lớp bùn giữ nước để đón ngày mạ nhú đủ lá, bén rễ trắng tinh hẹn ngày trải khắp ruộng bậc thang chạm trên lưng núi như những chiếc vòng bạc của thiếu nữ Mông tuổi mười lăm mười sáu, má phấn cánh đào, đôi mắt cong vút như trăng lưỡi liềm. Lê ngồi bên sàn tẽ ngô, nhìn đàn gà rủ nhau ra vườn bới mối tính lát nữa đi xuống chợ mua vài loại hạt giống để trồng vào mấy luống cải bắp ngồng đã trổ hoa vàng thì thấy chị Cành gọi dưới chân cầu thang:

 - Lên nhà chị Thắm thôi Lê ơi. Các chị em đi gần đông đủ rồi vớ. Nhớ đem theo chai nước để uống riêng và đeo khẩu trang em nhé. À, đi ủng nữa, đoạn qua bờ ruộng còn lầy lắm.

- Chị đợi em với. 

Em đi cùng.

- Thay áo đã chứ? Đi vác gạch mà ăn mặc như văn công thì bao nhiêu cho đủ. Có găng tay vải đem theo dùng cho đỡ rộp nước.

Minh họa: Hồng kiều

Lê vội bê thúng ngô vào nhà, lấy cái rá úp lại, với chiếc nón mắc trên vách và đồ dùng cần thiết rồi xuống bậc thang, nhanh chân cho kịp chị Cành tắt cánh đồng sang nhà chị Thắm. Mấy hôm trước, Chi hội Phụ nữ đã thống nhất ngày chủ nhật sẽ đến phụ giúp mẹ con chị Thắm chuyển gạch để sửa chữa cái chuồng bò. Lê quên khuấy mất. Làm bên Đoàn Đội mà không chịu đánh dấu vào tập lịch để bàn hoặc đặt báo thức trong điện thoại những việc mình nên làm thì không được rồi. Cái đầu nạp nhiều nguồn tin trên mạng đã ù lì ra. Qua Kéo Pựt, cây cối vừa thay một lớp lộc trải dài khắp cánh rừng non mướt, thỉnh thoảng có cây Mộc Miên nở hoa từng đỏ thắm. Mẹ con chị Thắm ở quả đồi lẻ loi sau bản Lủng Thí. Chị bị tật ở chân bẩm sinh, đơn thân nuôi con, nhà nghèo. Vài năm trước, Hội Phụ nữ xã kêu gọi các chị em ủng hộ tiền giúp mẹ con chị mua con bò cái về nuôi. Mỗi năm, chị được bán một con bê. Sắp tới sẽ còn nhiều đợt không khí lạnh tràn về, chị mua ít gạch lát lại nền chuồng và xây thêm tí tường bao dễ quây bạt phía trên. Các chị em hai bản lại bàn nhau bỏ một buổi công đi hộ. Có chị bảo:

 - Rét mướt này ngại ghê, lại nguy cơ dịch bệnh, giúp nhau thì tốt đấy nhưng để vãn dịch hãy làm, nếu không thì tôi bỏ tiền một ngày công đủ thuê thợ.

Có chị không đồng tình:

- Dịch bệnh kiếm đồng tiền khó khăn lắm, một đồng muốn biến thành ba thành năm, tôi chịu đi góp công, vận động chút vừa ấm vừa khỏe người vừa có tình làng nghĩa xóm.

 Lê cho ý kiến:

- Em nghĩ mình không túm tụm một chỗ, đeo khẩu trang, đem theo nước uống,... chỉ là vận chuyển gạch thôi thì mỗi người vài hòn gạch xi măng, sẽ an toàn ạ. Năm người mười tay bỏ công một buổi vào ngày cuối tuần thôi cho việc chóng xong.

Không còn tiếng cười đùa, cấu véo trêu nhau như trước, các chị em mỗi người gánh bốn đến sáu viên gạch xi măng một chuyến đi lên con dốc có lối mòn trơn trượt. Ai cũng hy vọng như con kiến tha lâu sẽ đầy tổ, chị Thắm đỡ phần nào đó tiền thuê thợ. Con bò là tài sản có giá trị nhất của chị, nó được chăm sóc tốt mới chống chọi được giá rét. Lê xem ti vi thấy ở nhiều nơi, bà con thả rông trâu bò, đợt rét đậm rét hại vừa rồi bị thiệt hại vô số. Nhưng cũng có nhà vì hoàn cảnh khó khăn không xây được chuồng kiên cố, không chủ động rơm rạ nên trâu bò bị đói, rét, thậm chí mắc bệnh dịch trong môi trường ẩm ướt không được dọn vệ sinh.

Mới đầu, khi Lê tham gia các hoạt động cộng đồng của bản, của xã, mẹ Lê lo lắm. Con gái mới lấy chồng, đi tối ngày, sợ gia đình bên ấy chê trách. May mắn, mẹ chồng Lê luôn động viên và giúp đỡ con dâu làm việc tốt hơn. Cho nên, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Sao ở Lủng Háng từ ngày thành lập đến nay đã tạo công ăn việc làm cho các chị em trong bản. Những tấm vải chàm, mặt chăn thổ cẩm, túi du lịch,... theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước. Có thu nhập ổn định, các chị em tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Quỹ Tình thương đầy thêm sau mỗi vụ đi cấy, đi gặt, cân gạo cứu đói, tấm áo mùa đông,... phần nào giúp những hoàn cảnh khó khăn trong bản và các hộ lân cận vượt qua những tháng ngày lo toan vất vả.

Gạch, cát, xi măng... được chuyển bằng đôi vai của chị em bản Nà Thúng và chiếc xe rùa nhỏ gọn lên lưng chừng đồi, trên mảnh sân nhỏ. Chị Thắm tập tễnh ra cảm ơn mọi người, đôi mắt rưng rưng cảm động. Lê nhanh nhảu tích bút điểm công từng người vừa dặn dò trước khi ai về nhà nấy:

- Em vừa hỏi chỗ nhà máy gạch, họ cho không mình xỉ. Vài hôm nữa cấy xong, vãn việc thì chị em ta lại đến giúp chị Thắm làm con đường đi cho đỡ vất vả nhỉ?

Ai cũng đồng ý. Có chị nói thêm:

- Phải đấy, chỉ cần hai xe thôi là qua hết bờ ruộng kia. Mình mất công san ra là thành lối phẳng. Tháng ba nông nhàn, giúp nhau trước khi mùa mưa tới.

Chị Cành bảo:

- Tôi cho chị Thắm đắp xuống ruộng của tôi thêm hàng vài đường cày để con đường rộng ra đấy. Ít nữa con bò đẻ, tậu cái xe cho nó kéo ngô từ Lủng Háng về Lủng Thí dễ dàng. Đường to, làm gì cũng tiện.

Nắng đã tươi thêm trên cành đào nở rộ. Dáng chị em qua thửa ruộng bậc thang càng thêm thướt tha. Câu chuyện làm ăn khiến con đường ngắn lại, dù đi cách nhau một đoạn nhưng tiếng nói vẫn đủ nghe, chứa chan niềm hy vọng. Tháng ba trải trên khắp cánh đồng nối liền hai bản.

Truyện ngắn: Hoàng Thị Hiền

Tin cùng chuyên mục