Cội nguồn văn hóa ngàn đời
Nếu ai đã từng đến với mảnh đất xứ Tuyên, nơi có những dải núi non hùng vĩ sẽ không thể quên những điệu múa Cấp sắc, múa bắt ba ba, múa trống… của người Dao hay múa xúc tép, múa tang sành, múa cờ, múa chim gâu của người Cao Lan. Rồi đến với những trải nghiệm thú vị cùng các cô gái Tày trong điệu múa bát, múa giã cốm “Kén Loỏng”. Và mải miết theo người Mông hòa vào điệu múa khèn, múa ô, múa đánh cù… Những làn điệu dân vũ ấy như ngọn lửa diệu kỳ kết nối cộng đồng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi trong đó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhiều khát vọng to lớn của từng tộc người.
Ông Lâm Văn Minh, thôn 15, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) là một người am hiểu văn hóa Cao Lan cho biết, xuất phát từ nhu cầu ban đầu là giải trí sau thời gian lao động, các động tác hình thể dần được cách điệu và nghệ thuật hóa, trở nên bài bản và hàm chứa những giá trị tinh thần của người sáng tạo.
Tiết mục múa "Những cô gái Pà Thẻn" của biên đạo múa, NSưT Thanh Hương.
Điều đặc biệt ở mỗi điệu múa sẽ có truyền thuyết, câu chuyện hay tượng trưng ý nghĩa đặc biệt. Ví dụ như: Tại Nghi lễ cầu an của người Cao Lan, trong quá trình thực hiện có 9 điệu múa. Có điệu múa tái hiện lại cử chỉ, ngoại hình thánh thần, có điệu múa miêu tả lại sinh hoạt hàng ngày của người dân, có điệu múa thể hiện niềm vui đón chào các vị thần cùng những ước nguyện... Hay như ở người Dao, trong ngày lễ cấp sắc, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn. Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, được cả làng đến xem đông vui như ngày hội.
Trong các dịp lễ hội, ngày Tết các điệu múa được bà con thể hiện. Qua đó gửi gắm khát vọng, mong cầu riêng, đồng thời gắn kết tình làng nghĩa xóm. Người Tày Lâm Bình thường có điệu múa bát, khá thú vị, lôi cuốn nhiều du khách. Điệu múa Bát nhằm mô phỏng hoạt động ươm tơ, dệt vải của đồng bào Tày từ xa xưa.
Vào dịp lễ Tết, người Mông không thể thiếu được những điệu múa khèn (Tang quây). Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.
Mạch nguồn chảy mãi…
Đối với các nghệ sỹ, biên đạo múa, thì múa dân gian dân tộc từ lâu đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm nghệ thuật trên sân khấu chuyên nghiệp. Trong đó phải kể đến các biên đạo múa Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh như: NSưT Lê Cường, NSưT Thanh Hương, NSưT Trường Giang… Đây là nơi tiếp sức cho múa dân gian dân tộc được phát huy trọn vẹn và thăng hoa với những tác phẩm múa chuyên nghiệp giàu tính nghệ thuật.
Nghệ sỹ ưu tú Lê Cường cho biết, múa dân tộc mang nét thô sơ, nhưng gần gũi, dễ “cảm” đối với đồng bào miền núi. Để phát huy thế mạnh đó, phong cách biên đạo múa luôn có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố dân gian và đương đại, trong đó, yếu tố đương đại chiếm khoảng 30% tổng thể tác phẩm.
Những năm gần đây các nhà biên đạo, đạo diễn, âm nhạc chuyên nghiệp và không chuyên của tỉnh đã cố gắng khai thác sưu tầm vốn văn hóa dân gian, tuyển lựa các chất liệu đưa vào xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân. Mỗi dân tộc được khai thác đều có màu sắc và tiếng nói riêng.
Đến nay, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh đã có nhiều tiết mục sưu tầm khai thác từ chất liệu dân tộc, được nâng cao và đã đưa vào tiết mục tham gia Hội diễn trong khu vực và toàn quốc, giành được nhiều giải cao như: “Múa nguồn cội”, “Ngẫu hứng triền non” của biên đạo nghệ sỹ nhân dân Văn Quang đoạt được Huy chương Vàng toàn quốc năm 2008; tiết mục múa “Nhịp điệu tang sành” của biên đạo NSưT Thành Nam, Lê Cường đoạt Huy chương Vàng toàn quốc năm 2015, Huy chương Bạc múa quốc tế 2017.
Nghệ sỹ ưu tú Thanh Hương được công chúng biết đến với vai trò là một biên đạo múa tài năng. Bằng sức sáng tạo của mình, các tác phẩm của chị giành được nhiều giải thưởng có giá trị. Điển hình như: tác phẩm “Nơi thượng nguồn” giải Bạc tại Liên hoan múa chuyên nghiệp bốn nước Châu Á năm 2013; tác phẩm “Những cô gái quê tôi” đoạt giải C tại Hội diễn múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 2011...
Múa dân gian các dân tộc vốn được coi là nền tảng của nghệ thuật múa nước nhà. Thế nên, những người biên đạo xứ Tuyên nặng lòng với văn hóa cội nguồn dân tộc luôn biết cách để đưa các điệu múa truyền thống ấy đi lên cùng với nghệ thuật múa đương đại. Chất cổ điển được các nghệ sĩ khéo léo đan xen vào yếu tố hiện đại để tạo tính hợp thời, vừa gìn giữ, vừa phát triển, giúp các điệu múa dân gian các dân tộc luôn có sức sống bền vững trong dòng chảy nghệ thuật thời hiện đại.
Gửi phản hồi
In bài viết