Nhạc sỹ Hồng Đăng và những bài ca đi cùng năm tháng

- Nhạc sỹ Hồng Đăng, tác giả của các ca khúc “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”… đã qua đời ngày 21-3, tại Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại một gia tài đồ sộ gồm hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng, được đông đảo khán giả yêu thích.

Nhạc sỹ Hồng Đăng.

Nhạc sỹ Hồng Đăng, sinh năm 1936, ở Nghệ An, là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ông là học viên khóa đầu tiên khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), cùng với lứa nhạc sỹ “vàng” của âm nhạc Việt Nam như: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Vĩnh Cát... 

Ông đã viết nhiều tác phẩm quy mô từ rất sớm. Năm 1960, ông viết hợp xướng “Lửa rực cháy” (phỏng thơ Tố Hữu). Năm 1964, ông viết thanh xướng kịch: “Sông Hồng ngàn năm reo hát” (kịch bản Dương Viết Á, Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964). Năm 1968, ông viết hợp xướng “Trận địa gang thép”. Năm 1972, ông viết hợp xướng 5 chương “Đêm lửa Trường Sơn”, hợp xướng “Câu chuyện Việt Nam” (Đài Tiếng nói Việt Nam, 1976)…

Thuộc thế hệ có nhiều tìm tòi, khiêm nhường học hỏi, ông đã thử viết rất nhiều loại, từ khí nhạc, nhạc phim, ca khúc và cuối cùng ông chọn sống bằng sáng tác nhạc phim và ca khúc. Những sáng tác của ông từng được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó phải kể đến những ca khúc làm nên tên tuổi của ông như Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay (trong nhiều phim về đề tài biển), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời)…

Nhắc đến nhạc sỹ Hồng Đăng là người ta nhắc nhớ đến những ca khúc thật đẹp như:“Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”... Nếu “Hoa sữa” với hình ảnh nên thơ, lãng mạn, chắt chiu những rung cảm chân thành: “Em vẫn từng đợi anh/Như hoa từng đợi nắng/Như gió tìm rặng phi lao/Như trời cao mong mây trắng…” thì “Biển hát chiều nay” được coi như khúc tráng ca về biển Việt Nam, đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng... Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương…”. Và một Hà Nội hiện lên trong veo qua ca khúc “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”. Một Hà Nội tha thiết, trẻ trung, dễ dàng chạm đến trái tim của công chúng yêu nhạc…

Trong hơn 60 năm sống tại Hà Nội, nhiều sáng tác của ông gắn liền với nơi đây như: thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát; ca khúc Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ... 

Tháng 10/2021, với những cống hiến xuất sắc cho âm nhạc thủ đô, ông đã được vinh danh với giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Ngoài sáng tác, nhạc sỹ Hồng Đăng còn giảng dạy, viết sách, báo... Ông nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ  Việt Nam khóa IV, V, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc và Thế giới Âm nhạc. Ông cũng là nhạc sỹ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Ủy viên Ủy ban Quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế. Nhạc sỹ Hồng Đăng còn là người có công trong việc khởi xướng “Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam” và chính ông cũng đã được vinh danh trong “Con đường âm nhạc” năm 2000.

Năm 2001, ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng 5 dâng Người, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy. Ông ra đi, để lại bao yêu thương, tiếc nuối cho gia đình, bạn bè, và công chúng yêu nhạc, nhưng những sáng tác của ông sẽ sống mãi cùng năm tháng.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục