Trải lòng trong “Hành lý hư vô”

- Cuốn tản văn “Hành lý hư vô” của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được Nhà xuất bản Trẻ phát hành lần thứ 2 năm 2019 mang đến cho người đọc nỗi buồn man mác của một người từng trải.

32 mẩu chuyện trong cuốn sách là những thông điệp rất đời thường, khiến mỗi người đọc có thể tìm thấy một phần của mình trong đó. Những nhân vật trong mỗi mẩu chuyện đều có nỗi niềm riêng, gợi cho người đọc sự cảm thông, trăn trở, day dứt. Đó là truyện kể về cậu bé Khờ, bị mẹ bỏ lại trên đỉnh núi với lời hứa “đợi đá trổ bông mẹ lên đón”. Khờ cứ thế lớn lên trong sự yêu thương, quan tâm của mọi người, nhưng không quên để ý khi nào đá trổ bông, trong cậu vẫn luôn có niềm tin ngày đó sẽ đến. Hay trong truyện “Neo lại bóng mình”, hình ảnh về người bà đã khuất vẫn neo lại trong bếp, ngoài vườn, trên mảnh ruộng... nhất là trong người con trai với những tính cách quen thuộc, khiến mỗi người hiểu ra rằng “những con người bình thường cũng ở lại rất lâu” trong lòng những người đang sống. Bởi mỗi người đều có những dấu ấn riêng, có thói quen, cách làm riêng... không hề mất đi, mà được gửi vào con, cháu, những thế hệ trẻ trong gia đình.

Người đọc cũng bắt gặp những triết lý nhẹ nhàng trong mẩu chuyện “biết sống, “không mùa”... Trong cuộc sống, mỗi người có quyền lựa chọn cho mình một cách ứng xử riêng. Có người dành nhiều thời gian để đọc sách, nghe nhạc, tiền chỉ cần đủ. Nhưng có người dành tất cả thời gian để kiếm tiền, mong được giàu có, sung sướng... “cái khái niệm biết sống này cũng vô chừng, mỗi người mỗi kiểu, nhưng nhìn một lượt, chừng như người biết sống là biết đủ”. Bởi “đâu phải giàu mới vui”. Còn “Không mùa” là những giáo viên dạy hè, những học sinh vẫn tiếp tục học trong những tháng hè, chỉ có điều địa điểm học từ trường chuyển về nhà cô giáo. Theo đó là việc những người mẹ tất tả với cuộc sống mưu sinh, rồi lại tranh thủ đón đưa con đi học “bất chấp mưa tháng Bảy hay nắng tháng Ba cực nồng”... Tất cả những hình ảnh đó ở đâu chúng ta cũng có thể nhìn thấy, cũng có thể cảm nhận được bởi nó đã, đang và vẫn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Đọc tập tản văn “hành lý hư vô”, mỗi người đều tìm thấy sự đồng điệu với tác giả và chiêm nghiệm được rằng: Đó là thứ duy nhất có thể mang theo. Đó chính là thứ hành lý ai cũng có thể tìm thấy để mình được là chính mình và cảm nhận cuộc sống nhẹ nhàng hơn.  

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục