Người đọc bị lôi cuốn bởi bút pháp lãng mạn của tác giả thể hiện trong lĩnh vực sử học, làm cho mỗi khúc tráng ca như một khúc nhạc khiến bạn sẽ không rời mắt bởi tác phẩm. Đó là chuyện dòng họ Khúc đặt nền móng tự chủ với vai trò to lớn của Khúc Thừa Dụ. Ông là một hào trưởng thuộc đất Hồng Châu, tỉnh Hải Dương, với trí tuệ và đức độ ông đã khiến nhà Đường hùng mạnh phải phong cho ông tước Đồng bình chương sự, đặt nền móng tự chủ kinh tế và quân đội bảo vệ Giao Châu của người Việt vào giai đoạn cuối của thế kỷ IX.
Mỗi khúc tráng ca thực sự là những trang sử hào hùng của dân tộc gắn liền với công lao dựng nước và giữ nước của các đức thánh nhân. Có lẽ, chúng ta từng nghe nhiều về “hào khí Đông A” nhưng chưa hẳn đã hiểu trọn vẹn. Tại khúc tráng ca 7 - Hào khí Đông A và Đức Thánh Trần, tác giả đã giúp bạn đọc hiểu sâu sắc điều này. Theo lối chiết tự, Trần còn gọi là Đông A, bởi vậy “hào khí Đông A” chính là “hào khí nhà Trần”, là biểu tượng chiến thắng của dân tộc, ngọn nguồn của “võ công đệ nhất” trong lịch sử giữ nước Việt Nam. Những chiến thắng gắn liền với câu chuyện về người anh hùng được ca tụng nhất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Đọc cuốn sách chúng ta càng hiểu hơn về giá trị của tinh thần đoàn kết chống giặc và mở mang bờ cõi của các triều đại, đặc biệt là khúc khải hoàn dòng họ Nguyễn, tạo nên diện mạo hình chữ S. “Hào khí Đông A” mãi lan tỏa trong dòng chảy lịch sử Việt Nam làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và tinh thần đó, hào khí đó hôm nay được nhân dân ta kế thừa trong chống dịch dã như “chống giặc”, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết