Đánh thức tháng Giêng
Mùa xuân là mùa đẹp nhất và tháng giêng là tháng khởi động cho mùa đẹp nhất ấy. Sau ba ngày “mùng” của Tết, tháng Giêng đã mở ra một vùng không gian, thời gian rộng lớn của cả năm. Trong từng bước đi của mùa xuân, trong sự đẹp đẽ diệu kỳ của đất trời, lòng người lâng lâng tận hưởng một giai điệu thời gian ngọt say đầy âm sắc: Tháng Giêng! Tháng Giêng về trong từng vần thơ, từng lời chúc bình yên cho một năm mới tốt lành.
Trong mạch nguồn không gian, thời gian của tháng Giêng, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khắc họa bánh xe thời gian bằng sự biến chuyển của đất trời “Bánh xe của tháng Chạp/Lăn qua mỗi ngày gầy/Tháng Giêng về thêu cỏ/Sợi mưa phùn lay phay…”. Mỗi ngày trôi qua, bản thân nó đã là một thanh âm nhiều sắc màu trong mùa xuân thênh thang của đất trời, của lòng người. Và ai không từng một lần giật mình, ngẩn ngơ tiếc nhớ từng khoảnh khắc của thời gian một đi không trở lại ấy? Sẽ hoài phí biết bao nếu những tháng Giêng trôi đi chỉ là sự lặp lại vô nghĩa của những “ngày gầy”. Tháng Giêng về, đến thiên nhiên còn biết thêu cỏ, cớ gì chúng ta lại không tự tạo nổi cho mình hành trình sống cho mỗi ngày thêm ý vị, hân hoan, đầy màu sắc?
Tháng Giêng còn là tháng đầy ắp tình cảm gia đình thương mến, là tháng sum vầy, cho những cái ôm xiết chặt, cho nụ cười hân hoan ngày đoàn tụ. Người ta đến thăm nhau sau những gánh gồng cơm áo, kể nhau nghe những câu chuyện buồn vui cuộc đời, chúc nhau những điều tốt đẹp, ai cũng hồ hởi, vui vẻ, mong một năm mới an lành, học hành, làm ăn tấn tới… Dẫu biết, sau những ngày vui ngắn ngủi, lại bắt đầu một chặng đường cơm áo mưu sinh, nhưng tháng Giêng vẫn luôn là khoảng lặng cần thiết tạo cho con người sự hứng khởi, nhẹ nhõm thắp lên hy vọng cho một hành trình mới.
Hoạt động trải nghiệm “Truyền thống Việt” của học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) dịp đầu Xuân năm mới.
Tháng Giêng cũng là tháng của mưa xuân, mang đến cho cây cối, vạn vật sự hồi sinh, thức giấc sau một giấc ngủ đông dài. Mưa tháng Giêng mảnh mai như sương khói. Trong tiết xuân thanh tao ấy, dòng suy tưởng về những thăng trầm, buồn vui lại hiện hữu đầy ấn tượng trong bài thơ “Mưa tháng Giêng” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Tháng Giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi/Những bóng cây dáng khói/Như mộng du bên trời/Tháng Giêng ngày mỏng quá/Nỗi buồn nghe cũ rồi/ Mà bên kia tờ lịch/Nỗi niềm mưa xót rơi”.
Tháng Giêng, lòng ta tĩnh lại một nhịp, tận hưởng sự thư thái của đất trời vào xuân để rồi lại bắt đầu chu kỳ mới của vòng quay cuộc sống. Hiểu tháng năm hữu hạn, để biết trân trọng hơn từng khoảnh khắc thi vị của cuộc đời “Tháng Giêng mưa như cỏ/Non xanh đến tận trời/Trước vô cùng năm tháng/Thơ mình - sương khói thôi” (Mưa tháng Giêng. Thơ: Nguyễn Việt Chiến. Âm nhạc: Việt Hùng).
Tháng Giêng mùa nhớ
Gọi tháng Giêng là mùa nhớ quả không sai, nhà thơ Vũ Tuấn, nguyên quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông từng có những vần thơ tháng Giêng đầy giăng mắc: “Đi về đâu hỡi tháng Giêng?/Về đâu, chút chung chiêng cuối mùa/Lặng im một góc sân chùa/Hanh hanh tiếng mõ, lá đùa treo nghiêng/Đi về đâu hỡi tháng Giêng/Về đâu sợi nhớ bung biêng giữa trời…”. Thơ anh khắc khoải điệp khúc dành cho nhân vật trữ tình: “Đi về đâu hỡi tháng Giêng?”. Giữa không gian “lặng im” tĩnh tại của sân chùa, vẫn vang động thanh âm đều đều của tiếng mõ dội vào tâm trạng chưa tĩnh của tác giả. Và tiếng lòng “chung chiêng”, “bung biêng” sợi nhớ ấy đã được nhạc sỹ Tân Điều yêu mến phổ nhạc. Bài hát “Tháng Giêng” ra đời với bao cung bậc bâng khuâng, đẹp đẽ, dưỡng nuôi những cảm xúc yêu thương thuần khiết, ngọt lành…
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một thi sỹ giàu trực cảm cũng có một “Tháng Giêng” đầy thao thiết. Nữ sỹ hóa thân dịu dàng, đằm thắm vào một “cội cây già” để nhìn lại cả vùng trời kỷ niệm, một quãng đời đã qua, ta đã sống thật nhiệt thành, mê say để giờ có thể vững chãi, bình tâm ngoảnh lại, đủ để tự hào “Tháng Giêng đầu ngọn biếc/Ta phía cội cây già/Ngước nhìn bao thương mến/Quãng đời mình đã qua…”. Phải chăng tháng Giêng đã chạm đến tận cùng trái tim thi nhân, để có được những vần thơ giàu mỹ cảm: “Tuổi vèo bay cùng gió/Ta sắp qua tháng mười/Ngoảnh lại nhìn xa lắc/Một tháng Giêng nhoẻn cười” (Tháng Giêng - Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ).
Mỗi độ xuân về, người yêu thơ hẳn cũng không quên “ông hoàng thơ tình” - nhà thơ Xuân Diệu. Sự khởi đầu mỗi ngày với Xuân Diệu đều tràn căng sức sống, đều là một ngày vui, vì vậy thi sỹ luôn rạo rực, thiết tha: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ? Em em ơi, tình non sắp già rồi/Mau với chứ, thời gian không đứng đợi…” (Giục giã. Thơ Xuân Diệu) hay lối ví von đắm đuối, giàu sức gợi trong bài thơ “Vội vàng” nổi tiếng của ông: “Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa/Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”…
Tháng Giêng đưa ta vào miền mê đắm của những gam màu trên những đóa hoa tươi thắm, trong làn mưa bụi bay lắc rắc, trong mùi lá dong, nếp thơm gọi tháng Giêng về, là áo mới của em thơ, là khung cảnh rạng ngời khi nơi nơi đón mùa vui mới… tất cả hợp lại, làm nên một mùa xuân rực rỡ sắc màu.
Tháng Giêng, tháng của ước vọng, tin yêu. Lang thang trên phố quen, ta như thấy tiếng cựa mình lớn dậy của thành phố đang vào xuân, thênh thang những con đường mới, những công trình mới đủ khiến ta ngẩn ngơ xúc động. Những thành quả ấy, niềm tin ấy tiếp tục được gửi gắm căng tràn vào tháng Giêng, thức gọi cỏ hoa mở mắt, dâng đất trời sắc xuân phơi phới.
Gửi phản hồi
In bài viết