Công nghiệp văn hóa: Nhìn từ các show diễn thành công

- Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất ấn tượng với  những đêm diễn khủng sau các chương trình truyền hình thực tế “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi”, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa. Đây được xem là 2 chương trình truyền hình thực tế thành công nhất của Việt Nam - tính đến thời điểm này.

Những show diễn khủng

Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Trong đó, 2 chương trình “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” với những con số kỷ lục đã tạo ra “điểm sáng” cho ngành nghệ thuật biểu diễn - lĩnh vực công nghiệp văn hóa trọng điểm của Việt Nam.

Show diễn “Anh trai say hi” đón hơn 100.000 người tham dự và hưởng ứng nồng nhiệt. Cùng đó, trên các nền tảng mạng xã hội đã ghi nhận hơn 12 tỷ lượt xem “Anh trai say hi”, lan tỏa âm nhạc thịnh hành đến khán giả mọi lứa tuổi. Trong 2 đêm diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức cũng cho biết có 78.000 khán giả xem trực tiếp. Thành công bất ngờ vượt qua tất cả các phán đoán đã cho thấy những show diễn lớn, công phu, chất lượng sẽ được đón nhận.

Trong khi đó, show diễn “Anh trai vượt ngàn chông gai” mỗi đêm diễn cũng thu hút hơn 40.000 khán giả, doanh thu đạt trên 340 tỷ đồng.

Giới chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ của 2 chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” đã tạo cú hích lớn, giúp “phá băng” ngành công nghiệp biểu diễn nội địa, trở thành một bất ngờ lớn với những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp biểu diễn và âm nhạc trong năm nay. Đây là tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam.

Show diễn “Anh trai say hi” thu hút hàng chục nghìn khán giả mỗi đêm.

Không chỉ 2 chương trình truyền hình thực tế, năm 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 chương trình Jazz quốc tế lần thứ 1, Đại nhạc hội Y-Fest 2024… đã tạo được hiệu ứng tích cực.

Sự thành công của các chương trình này được cho là đến từ sân khấu “khủng” tạo hình không gian siêu tốc độ, biến hóa linh hoạt thông qua nhiều hình ảnh xuất hiện trên tổng diện tích màn hình LED; kèm với đó là hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, hệ thống bàn nâng đa tầng được lập trình chính xác. Đặc biệt, âm nhạc trong các chương trình này mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Cơ hội cho công nghiệp văn hóa Việt Nam

Nếu trước đây, ta từng ao ước xây dựng được các chương trình biểu diễn thành công như Hàn Quốc - đất nước có nền công nghiệp văn hóa vượt xa tất cả các quốc gia trong khu vực về lĩnh vực này. Thì giờ, Việt Nam có quyền tự hào, khi thành tích từ các đêm diễn sau các chương trình truyền hình thực tế thành công của Việt Nam đã phá vỡ tất cả kỷ lục concert tại Việt Nam, kể cả show diễn của BlackPink tại Hà Nội vào tháng 10-2023, với hơn 30.000 khán giả mỗi đêm.

Hiện nay, các nhà đài đang tiếp tục duy trì các chương trình truyền hình thực tế thành công. Trong đó, Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục duy trì và tổ chức show “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”. Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì “Anh trai say hi”… Sức nóng từ thành công năm 2024 là cơ hội, tiền đề để các nhà đài kỳ vọng vào những đêm diễn trăm nghìn người trong  năm 2025.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, để các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đem lại sức hút với khán giả, đặc biệt là giới trẻ, cần “thực đơn” mới và format cũng sẽ phải thay đổi. Cùng với đó, việc lựa chọn nghệ sĩ tham gia các chương trình cũng cần được Ban tổ chức lựa chọn kỹ càng hơn. Khán giả ngày càng thông minh. Chính vì vậy, việc lựa chọn nghệ sĩ có lối sống “sạch”, đời tư không ồn ào sẽ là điểm cộng cho các chương trình. Bởi lẽ, chính lối sống, suy nghĩ của nghệ sĩ sẽ tác động không nhỏ đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Và điều này không thể có được, nếu  nghệ sĩ được biết đến với tai tiếng nhiều hơn thành tích.

Vì thế, để thu hút được công chúng, những nhà sản xuất, nghệ sĩ luôn phải sáng tạo, làm mới mình. Để đi được bền vững, cần có một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là sự chung tay từ các cấp quản lý và cộng đồng. Trong đó, việc tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực biểu diễn, những ưu đãi về thuế, nguồn vốn hoặc việc xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật… sẽ là động lực quan trọng giúp các nhà sản xuất dám nghĩ lớn và đầu tư dài hạn.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục