Tháng tư về gió hát mùa hè
Có những chân trời xanh thế
Mây xa vời nắng xa vời
Con sông xa lững lờ trôi...
Cuối cùng mùa hạ cũng đến trong cái nắng dịu dàng, trong veo như một cách chào tạm biệt mùa xuân ngọt ngào nhất. Bức tranh chớm hạ chìm trong cơn gió đầu mùa mang theo hương thơm dịu nhẹ của hoa hướng dương, hoa loa kèn. Tháng Tư về khẽ khàng đẩy hồn tôi miên man nhớ về ký ức đậm sâu của thời thơ ấu.
Tuổi thơ tôi lớn lên trong bát ngát rừng vầu, rừng tre, nứa. Những loài cây một thời chúng tôi vẫn lấy về làm đèn ông sao mỗi dịp Trung thu hay cùng mẹ chẻ lạt gói chiếc bánh chưng Tết. Đó còn là cây mà bố tôi dùng làm roi để phạt mỗi khi chúng tôi mắc lỗi. Nhưng thích nhất là nơi đó, vào độ tháng Tư, chúng tôi thường rủ nhau đi lấy những củ măng vừa nhú. Chúng tôi vui không phải được lên rừng mà là khi bán được 5 - 7 nghìn đồng tiền măng để mua bánh kẹo. Những củ măng rừng ấy đã theo chúng tôi trong hành trình thơ bé, để rồi bây giờ cứ mùa măng đến tôi lại thèm da diết vị hăng hăng của chiếc măng.
Tắm mát trong bầu trời quê hương, chúng tôi không ít lần lạc trong rừng sâu, nơi chỉ có núi trùng núi, mây trùng mây. Cách chúng tôi tìm nhau cũng hồn nhiên, ngây thơ đó là gọi thật to, thật lâu. Tiếng gọi vọng vào vách núi, lan tỏa khắp không gian giúp chúng tôi có thể tìm đến vị trí của nhau. Sau này biết chuyện, người lớn bảo vào rừng không được gọi tên nhau to như thế, sẽ bị ma bắt. Chẳng biết thật hư ra sao nhưng đứa nào đứa nấy mặt tái mét, rồi không dám lặp lại cái trò đáng sợ ấy nữa.
Nhắc tới quê hương, lòng tự nhiên thấy chộn rộn với những cảm xúc đan xen. Ở những điệp trùng núi non ấy giờ đây là không khí lễ hội rộn ràng, là những con người với cách nghĩ, cách làm mới. Thỏa mắt ngắm cảnh đẹp quê hương trên chiếc khinh khí cầu, lòng tôi tự nhiên nhẹ bẫng. Những cô gái Tày, Dao, Mông... xúng xính trong trang phục truyền thống đi hội mới rạng rỡ làm sao. Những món ăn dân dã ngày xưa mẹ vẫn làm giờ trở thành đặc sản với những tên gọi chỉ nghe thôi đã kích thích vị giác. Nếp nhà sàn xưa với những bậc cầu thang đậm chất vùng cao giờ đã trở thành căn nhà homestay có cả khách Tây nghỉ dưỡng. Chiếc khung cửi bà và mẹ vẫn thường dệt vải lại thành điểm trải nghiệm, check-in mới lạ của du khách. Tấm thổ cẩm rực rỡ với những họa tiết hoa văn tinh tế không chỉ trở thành sản phẩm du lịch mà còn là sợi dây kết nối những trái tim yêu.
Nghĩ đến đây, dòng cảm xúc tôi ngưng lại. Chẳng phải từ nơi này, cũng vào độ tháng Tư, tôi đã quen người ấy. Không có những buổi đi chơi hội náo nhiệt như bây giờ, không có những mơ ước cao sang, chỉ đơn giản là có thể nắm chặt tay nhau, mãi mãi.
Gửi phản hồi
In bài viết