Quen lắm những lũy tre làng gắn với bao kỷ niệm thời chăn trâu cắt cỏ. Nhớ lắm cánh đồng làng ríu rít tiếng nô đùa của đám trẻ trâu đầu trần chân đất, lấm lem bùn đất. Thương lắm dòng suối trong lành tắm mát cho bọn trẻ những chiều quê bỏng rát. Yêu lắm con đường đến trường ăm ắp kỷ niệm tuổi học trò đẹp như ánh trăng rằm. Những thứ thân thuộc ấy hiện ra như làn nước trong lành tắm mát tâm hồn chị, xua tan những mệt mỏi, âu lo, khiến chị cảm thấy khoan khoái, nhẹ tênh. Chị vui mừng gặp lại người quen với những lời hỏi thăm mộc mạc, chân chất mà nồng ấm đến lạ kỳ.
Chị dừng xe bên xóm nhỏ. Chị nhận ra nếp nhà thân thuộc đang khoác lên mình tấm áo mới toanh. Chị đẩy cửa, bước nhanh vào căn nhà ăm ắp tuổi thơ như sợ tất cả sẽ vuột mất. Bếp lửa vẫn bập bùng. Bà nội vẫn ngồi đó, trầm mặc đun nồi nước như một thói quen của người nhà quê. Để sẵn nếu có khách thì pha chè. Hoặc để dùng cho sinh hoạt như tráng chiếc nồi trước khi nấu ăn, rửa cái bát, đôi đũa... Nồi nước ấy cũng dành để đun nước tắm cho lũ trẻ bọn chị qua bao mùa đông buốt giá nơi xóm núi. Chị sà vào lòng bà nội, giống như ngày thơ bé rồi nghịch chiếc túi thêu. Cả đời bà vẫn cần mẫn với đường kim, mũi chỉ. Bộ quần áo bà đang mặc cũng do chính tay bà làm. Ngày bé chưa hiểu chuyện, chị thường bảo bà mặc bộ quần áo dân tộc này kỳ lắm. Lại còn nóng bức nữa. Bà nội xoa đầu chị và nói, nội mặc quen rồi, giờ mặc loại khác khó chịu lắm. Rồi bà trầm tư, lớn lên chút nữa cháu sẽ hiểu.
Không để bà nội chờ đợi quá lâu, giờ chị đã hiểu tấm áo thổ cẩm ấy là hồn, là báu vật trao truyền của cả cộng đồng. Nó cũng khiến chị hiểu hơn về nguồn cội, và có trách nhiệm cùng gìn giữ di sản của tổ tông. Rồi chị vui mừng khoe, rằng hiện nay lớp trẻ cũng đam mê trang phục dân tộc, tự học thêu, học làm quần áo dân tộc, giới thiệu trang phục dân tộc qua nhiều kênh. Cầm chiếc smartphone lên, chị mở vào các trang mạng xã hội để giới thiệu cho bà về cách các bạn trẻ quảng bá văn hóa dân tộc. Đôi mắt người già rưng rưng khi nhìn thấy bộ trang phục bà đang mặc cũng xuất hiện ở đó. Bà bảo, cháu có nhận thấy một vườn hoa thiên nhiên được mô phỏng thông qua các họa tiết hoa văn này không? Cháu có hiểu, gốc gác dòng tộc mình cũng trao truyền qua bộ trang phục này không?
Cầm chặt tay bà nội, chị xúc động: Cháu đã hiểu rồi. Chị gục đầu vào bà nội, trong lòng trào dâng niềm vui sướng. Chị thấy bức tranh làng quê đổi mới đang hiện ra với những nét chấm phá là những tấm thổ cẩm ngày mùa rực rỡ.
Gửi phản hồi
In bài viết