Hoài niệm quê xưa

- Quê tôi mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Quen thuộc với nếp nhà ngói đỏ phủ rêu phong nằm sát nhau, với hàng cau xếp hàng trước ngõ. Chiều về nghe tiếng mõ trâu và tiếng đám trẻ con tụ tập thả diều í ới ngoài bờ đê. Tuổi thơ tôi ngập tràn những kỷ niệm giản dị với mảnh đất yên bình nơi đây. Nhưng giờ tất cả chỉ còn là hoài niệm, quê tôi đã đổi thay mang dáng dấp của một đô thị hiện đại hơn là một miền quê từng là vựa lúa của vùng đồng bằng Bắc bộ.

Tôi nhớ ngôi nhà cũ của bà nội tôi năm xưa, ba gian hai chái nằm ẩn mình dưới hàng cau xanh. Phía trước nhà có cái bể xây chứa nước mưa mái vòm trông như cái hòm gỗ cổ. Cái máng xi măng được bắc hứng những dòng nước từ mái ngói chảy vào bể mỗi khi trời mưa. Bà nội tôi bảo, nguồn nước để dùng cho sinh hoạt cả năm. Thời đó chưa có nước máy, nên nước mưa rất quý. Tôi thường giúp bà đun nước trong chiếc ấm nhôm cũ, đặt lên trên chiếc kiềng ba chân. Củi đối với vùng đồng bằng thật hiếm, nên chủ yếu tận dụng từ thân cây ngô phơi khô, trấu và rơm rạ. Mỗi lần theo bà đi làm đồng, được uống một bát nước mưa đun sôi để nguội, cảm giác vị ngọt mát lạnh của nước mưa qua cổ họng rồi xuống dạ dày thật đã. 

Quê tôi nổi bật với những cánh đồng lúa trải dài mênh mông, được cung cấp nguồn nước bởi những con sông nhỏ. Sông chảy qua làng, lượn qua những cánh đồng đem theo làn nước bạc tưới tắm mang lại màu xanh cho rau màu, ngô lúa quanh năm. Ấn tượng của tôi mỗi buổi chiều về, người dân trong làng tấp nập như hội trên những thửa ruộng nhỏ. Nước mấp mé bờ ruộng, chỉ cần cái gáo là có thể múc được nước lên tưới rau. Vì thế, các vựa rau hai bên sông lúc nào cũng xanh mướt một màu, mang lại sự no ấm cho người dân. 

Con sông lúc nào nước chảy cũng hiền hòa, êm ả. Chiều chiều, các bà, các mẹ lại ra sông giặt giũ. Bọn trẻ trong làng rủ nhau ra sông tắm, nô đùa tíu tít. Tiếng gà gáy vọng bên sông, thỉnh thoảng có đàn vịt bơi lội tìm thức ăn, cảnh vật thật thanh bình… 
Thế rồi, cuộc sống đổi thay khi tốc độ đô thị hóa tràn về làng tôi. Làng tôi có thêm nhiều ngành, nghề mới. Có của ăn của để, nhiều nhà thành lập hẳn công ty để cung cấp các dịch vụ. Từ người dân chân lấm tay bùn, chỉ quen với nghề đồng ruộng, giờ nhiều người đã thành ông chủ.

Sự thay đổi nhanh đến chóng mặt, chỉ hơn chục năm thôi mà làng tôi đã chẳng còn mấy bóng dáng của những ngôi nhà ngói thấp bé ngày xưa. Những ngôi nhà cao tầng nằm san sát, bao quanh đều là tường rào xi măng xây cao, với đủ các loại cổng vào nguy nga trang trí cầu kỳ, từ cổ điển cho đến hiện đại. Những con đường nhỏ được lát gạch đỏ khi xưa đã được thay thế bằng những con đường rộng trải bê tông, ô tô nườm nượp qua lại. 

Tết, cả gia đình tôi về quê ăn tết, đứng trên cầu nhìn dòng sông, tôi không còn thấy làn nước trong xanh của ngày xưa nữa, con sông đang ngày một chết dần. Những lon bia, túi ni lông, rác thải được đổ xuống lòng sông tạo nên một màu đen quánh, đục ngầu của nước thải.

Tôi đi dọc con đường làng để tìm lại những dấu tích xưa. Chỉ còn sót lại cây xi già đầu làng, mái đình xưa và một vài gia đình dù đã xây được những ngôi nhà to nhưng còn lưu luyến mái nhà xưa để lại. Bác cả tôi vẫn quyết ở lại trong ngôi nhà ngói 3 gian. Ngôi nhà mới xây bên cạnh, vợ chồng anh cả ở. Rót nước mời khách, bác phân trần: nhà mới để các anh chị ở, bác vẫn muốn ở nhà dưới này, khi nào bác mất thì anh chị mày muốn làm gì thì làm.

Tôi ngồi uống nước, nghe bác kể chuyện, chợt những ký ức ngày xưa lại ùa về. Tôi mừng vì đời sống người dân quê tôi đã khá giả, đã bắt nhịp được với tốc độ phát triển chung của xã hội, nhưng vẫn bâng khuâng nuối tiếc một thời xưa cũ. Ngước nhìn ngôi nhà mới xây bên cạnh cao vời vợi, bất giác tôi lại thèm cái cảm giác thanh bình khi xưa, sự yên ả của một làng quê, với dòng sông xanh mát, trong lành.

Minh Minh

Tin cùng chuyên mục