Ôi chao, những sản vật nhà quê sao mà thân thương và gần gũi đến thế. Đây những bó rau rừng được buộc bằng cây dây leo. Đây vài củ mài vẫn dính bê bết đất vì vừa được đào lên ở độ sâu tới cả mét. Xa hơn là rổ trứng gà, quả đu đủ, hoa chuối, cân gừng, củ nghệ,... Thích nhất là những mẹt bánh dày, bánh chuối, bánh lẳng... đã chạm vào giấc mơ thời bé của lũ trẻ chúng tôi. Tôi thỏa thê thưởng thức với tất cả những miền ký ức tươi đẹp nhất.
Hình ảnh mẹ trở về sau mỗi buổi đi chợ với chiếc bánh rán, túi kẹo thật ngọt ngào biết bao. Chúng tôi hồn nhiên thưởng thức quà bánh trong ánh mắt đong đầy yêu thương của mẹ. Và ánh mắt ấy, hôm nay tôi lại tìm thấy trong vội vã của chợ phiên. Không vội sao được khi ở nhà là những đứa trẻ ngồi cả ngày chỉ để ngóng mẹ đi chợ về...
Dòng cảm xúc của tôi như chùng xuống khi thấy gian hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Nơi đó, các bà chạc tuổi bà nội tôi ngày ấy vẫn đang cặm cụi thêu những chiếc túi, chiếc khăn. Trước mặt tôi, ký ức những sợi chỉ xanh, đỏ, vàng, trắng… dần hiện ra, rõ nét hơn bao giờ hết. Ngày đó, mỗi buổi chiều bà thường lấy chiếc ghế gỗ ngồi ở đầu hè để thêu cho đủ ánh sáng. Bà cứ cần mẫn thêu từng loại chỉ, còn chúng tôi lại lấy trộm những cuộn chỉ sặc sỡ ấy làm thành thứ đồ chơi của trẻ nhỏ. Cầm tấm khăn thổ cẩm lên, sau khi trả giá, tôi nâng niu cất gọn vào túi. Bà nơi chín suối chắc hẳn đang mỉm cười khi thấy cháu gái bà giờ yêu tha thiết vuông thổ cẩm ngày ấy bà thêu. Nghĩ đến đây, lòng tôi dường như ấm lại, như đang có bà ở bên vỗ về, yêu thương.
Chợ phiên là nơi để trở về, để kết nối yêu thương. Có những người cứ nắm chặt tay, rồi thổn thức vì cuộc gặp đầy bất ngờ sau mấy chục năm xa cách: Ôi, bác Loan đấy ạ. Ôi, con Mấy đây này, cả chục năm rồi bà chưa gặp. Nỗi nhớ cứ tự nhiên tuôn trào theo những giọt lệ nơi khóe mắt của những người thậm chí đã U70, 80... Bao buồn vui, được mất như theo cả các bà ra chợ. Nơi đầu chợ cuối chợ, ở bất cứ gian hàng nào cũng ăm ắp nỗi niềm của mười hai thương nhớ.
Có những phiên chợ một năm chỉ có một lần. Điều đó khiến cho nỗi nhớ cứ khắc khoải, để rồi từ từ ngấm vào trong tim mỗi người, khiến họ dù đi đâu, làm gì cũng muốn được trở về quê hương, về với phiên chợ ấm áp tình người.
Gửi phản hồi
In bài viết