Bọn trẻ vùng cao cứ hồn nhiên đón lộc rừng trong sự thích thú bởi có thêm những bữa no. Đi học về, ăn vội bát cơm, chẳng cần nghỉ ngơi, mấy đứa í ới gọi nhau đi lấy măng. Lúc ấy, có lẽ cái thú đi lấy măng khiến bọn trẻ thích thú hơn là việc kiếm bữa rau cho bố mẹ. Chẳng thế mà đứa nào cũng thoăn thoắt leo đồi không biết mệt. Rồi bản năng dạy lũ trẻ nhận biết, khóm vầu nào có nhiều măng. Chúng vén những chiếc lá khô dưới bụi cây rồi từ từ tách từng thớ đất lần tìm những mầm non. Bao giờ cũng thế, bọn trẻ thưởng thức luôn những củ măng đầu tiên đào được để khoe chiến lợi phẩm với đám bạn. Đó cũng là bí quyết khiến bọn trẻ vùng cao không sợ đói, sợ khát khi lên rừng.
Bà nội tôi bảo, thưởng thức những củ măng non đầu mùa là tuyệt nhất. Bà thường chế biến món măng xào để thay thế cơm thịt của một thời gian khó. Cách chế biến măng của nội tôi cũng không giống người miền xuôi. Bà không thái mỏng hay xào cháy cạnh mà thái miếng to bằng ngón tay. Khi xào bà không để cháy măng, như vậy sẽ mất đi vị thơm, ngon của măng. Gắp cả miếng măng rồi nhẹ nhàng cắn từng miếng giòn giòn nơi đầu lưỡi vô cùng đã. Vị đắng nhẹ vừa chạm tới thì vị ngọt đã lan tỏa trong khoang miệng, để rồi ngấm dần vào từng đường gân, thớ thịt khiến chúng ta ngây ngất mãi.
Vị đắng ngọt này khiến tôi thấy thèm đến cồn cào khi một mùa măng nào đó phải xa nhà. Để đến bây giờ, cuộc sống đủ đầy hơn nhưng tôi vẫn lưu luyến món măng của nội. Bởi thế, cứ đến mùa măng, tôi lại ra chợ chọn những củ măng còn lấm lem đất mang về chế biến. Ăn miếng măng trong bữa cơm chiều ấm áp mà thấy đủ cả những ngọt bùi, đắng cay, lời bà nội dặn lại văng vẳng vọng về: Cuộc đời con người chẳng khác những chiếc măng là mấy. Sẽ trải qua những đắng cay, ngọt bùi. Vị đó khiến con người ta trưởng thành hơn. Cũng như những củ măng kia, rồi cũng trở thành bụi cây vững chãi trước gió bão.
Gửi phản hồi
In bài viết