Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”
Tương truyền, nguồn gốc bánh chưng có liên quan đến truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu, con trai thứ 18 của vua Hùng đời thứ 6 và còn được sử sách ghi lại qua “Sự tích bánh chưng, bánh dày”.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua hơn ngàn năm Bắc thuộc và 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, phong tục gói bánh chưng dâng lên tổ tiên vẫn không hề mai một. Đến nay, nồi bánh chưng ngày Tết vẫn được người dân Việt Nam duy trì và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với sự trân trọng, lòng thành kính vô bờ bến.
Bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nền văn hóa lúa nước. Bên cạnh đó, bánh chưng còn mang những ý nghĩa sâu xa về triết lý nhân sinh của người Việt xưa. Bánh tượng trưng cho Ngũ hành trong triết lý phương Đông, tương sinh tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức.
Với nhịp sống hiện đại ngày nay, bánh chưng vẫn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình Việt.
Bánh chưng trong văn hóa các dân tộc
Ở Tuyên Quang, một số dân tộc có loại bánh chưng với hình dáng khác nhau tượng trưng cho văn hóa của cộng đồng mình: Bánh chưng đen, bánh chưng dài, bánh chưng gù...
Bánh chưng dài là ẩm thực độc đáo thể hiện rõ bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Cao Lan. Bánh được gói bằng tay, dài khoảng 30 cm, đường kính 6 - 7 cm, dùng lạt dài cuốn chặt. Hai chiếc lá dong sẽ đặt tráo đầu, rải một chén gạo ở dưới rồi thêm đỗ xanh, đặt miếng thịt lợn dài, thêm một lớp đỗ xanh, cuối cùng phủ lên trên một lớp gạo đen và gói lại. Khâu gói bánh thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ. Khi thưởng thức, lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Bánh chưng quánh dẻo, nhân đỗ vàng ươm, thịt lợn béo ngậy, có thể để được rất lâu, đến hết tháng Giêng mà vẫn thơm ngon.
Nếu bánh dài là sản phẩm đặc trưng của dân tộc Tày, Cao Lan thì bánh chưng gù là niềm tự hào của người Dao. Nét đặc sắc của chiếc bánh chưng gù là hình dáng, tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ đeo chiếc gùi trên lưng khi lên nương, làm rẫy, họ cúi xuống hái lúa, hái ngô, hái rau...
Bánh chưng gù của người Dao thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Dao. Càng khéo léo, càng cẩn thận thì hình gù trên những chiếc bánh càng đẹp. Khi luộc bánh chính là lúc cả gia đình quây quần bên bếp lửa, ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe về truyền thống gia đình, dạy bảo con cháu làm ăn, học hành gia đình hòa thuận. Bánh chưng của người Dao đậm đà vị ngọt thơm của gạo nếp nương, của đỗ xanh và ngậy bùi của thịt lợn, như quyện sánh bởi sự giao hòa của đất - trời.
Để có được những chiếc bánh đẹp, người phụ nữ Dao tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ chọn nguyên liệu, gói bánh và đun bánh. Chiếc bánh đạt tiêu chuẩn phải dẻo, gạo và đỗ quyện vào nhau, nhân thịt, đỗ xanh không bị xô ra bên ngoài và điều quan trọng hơn cả là bánh vẫn phải giữ được cái “lưng gù”.
Đầu xuân đến với vùng quê xứ Tuyên, ngoài đặc sản lợn quay, gà đồi, cá sông Lô..., mà không thưởng thức món bánh chưng đen đậm đà hương vị đặc trưng thì thật đáng tiếc. Bánh chưng đen được đồng bào dân tộc Tày, Dao gói bằng nếp nương cho vị thơm ngon, dẻo ngậy. Khâu quan trọng nhất khi làm bánh chưng đen chính là tạo màu đen cho bánh. Việc tạo màu này có nhiều phương pháp khác nhau mang đặc sắc riêng của từng vùng miền. Như dùng rơm lúa nếp hay cây núc nác, cây vừng, lá nhuộm...
Bánh chưng đen gói bằng lá dong giống gói bánh chưng xanh. Công đoạn gói bánh được xếp vào công đoạn cầu kỳ, quan trọng và quyết định giá trị, chất lượng chiếc bánh. Bánh phải gói đủ chặt để không rơi gạo ra ngoài, các vị trí nhân bánh, thịt lợn ở giữa và được gạo nếp bao bọc đều để khi ăn, bánh cắt đến đâu cũng phải có thịt, nhân trong từng miếng bánh. Bánh chưng khi gói xong sẽ được xếp vào nồi đun đều lửa từ 10 đến 12 tiếng cho bánh nhừ, sau đó sẽ được treo lên gác bếp để ráo nước. Bánh làm ra có màu đen là biểu hiện mùa màng bội thu, đời sống của con người ngày càng no ấm; màu đen của bánh còn thể hiện sự hòa hợp của đất, trời và lòng người. Tết của người Tày, Dao không thể thiếu bánh chưng đen là vì những ý nghĩa nhân văn cao đẹp đó.
Đối với mỗi người con đất Việt, hình ảnh bánh chưng xanh cùng mâm cỗ tất niên đêm giao thừa gợi nhắc họ luôn nhớ về gia đình, về quê cha đất tổ. Tết của người Việt chỉ trọn vẹn khi có cặp bánh chưng xanh trên ban thờ gia tiên. Những chiếc bánh chưng dẻo và thơm mùi nếp mới tạo nên phong vị Tết thật độc đáo và ý nghĩa mà không nơi đâu có được.
Gửi phản hồi
In bài viết