Kiến tạo giá trị mới từ di sản dân gian

- Sau hiện tượng “Bắc Bling” nhiều nghệ sỹ ngộ ra rằng nếu không bắc được “chiếc cầu” từ văn hóa truyền thống đến hiện đại bằng con đường sáng tạo thì khó có tác phẩm tốt. Và các chuyên gia đều khẳng định, Việt Nam có một nền văn hóa dân gian phong phú, giàu bản sắc. Mỗi địa phương, dân tộc lại có nét văn hóa riêng. Giờ công việc còn lại là sự sáng tạo của người nghệ sỹ.

Tiềm năng

Ông Nguyễn Phi Khanh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, di sản dân gian bao gồm những biểu đạt văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác như ca hát, âm nhạc, múa, sân khấu, thủ công mỹ nghệ, lễ hội, nghi lễ, trò chơi dân gian, ẩm thực, y học cổ truyền, tín ngưỡng, truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích…

Di sản dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt. Đây là “gen văn hóa” của dân tộc, giúp duy trì và phát triển những giá trị cốt lõi, phong tục tập quán và lối sống đặc trưng. Các hoạt động văn hóa dân gian tạo ra không gian giao lưu, chia sẻ và gắn kết cộng đồng, tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết giữa các thành viên.

Di sản dân gian có thể trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng thông qua du lịch văn hóa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các ngành công nghiệp sáng tạo. Đồng thời là một kho tàng tri thức và kinh nghiệm sống quý báu, giúp giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa và đạo lý làm người.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm, xã Thanh Tương (Na Hang) sáng tác các bài hát Then mới dựa trên lời Then cổ.

Tuy nhiên, di sản dân gian của cha ông đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi sự mai một. Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai dẫn đến sự suy giảm của các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống. Một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của di sản dân gian, dẫn đến sự thờ ơ và thiếu sự kế thừa. Việc khai thác di sản dân gian một cách thiếu kiểm soát có thể dẫn đến sự biến dạng và mất đi giá trị văn hóa cốt lõi. Trong bối cảnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân gian đòi hỏi những giải pháp sáng tạo và phù hợp với thời đại. Đồng thời, chúng ta cũng có những cơ hội lớn để “kiến tạo giá trị mới từ di sản dân gian”.

Công nghệ số có thể giúp lưu trữ, bảo tồn và quảng bá di sản dân gian một cách hiệu quả, tiếp cận được đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Di sản dân gian có thể được tái hiện và phát triển trong các lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Do đó, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thiết kế và doanh nghiệp sáng tạo trong việc khai thác và phát triển các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dân gian góp phần biến di sản văn hóa dân gian thành sức mạnh mềm, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Sáng tạo

Nhạc sỹ Tân Điều, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khẳng định, bài “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận rất thành công bởi người nhạc sỹ biết kế thừa, phát huy, sáng tạo trên nền dân ca Thái. Đây là một dấu ấn “cốt lõi” của vùng đất Điện Biên anh hùng. Hay bài hát “Đường về Tân Trào” của tác giả cũng vậy, nếu không dựa trên những giai điệu âm nhạc của đồng bào Tày, thì ca khúc khó thể hiện được đúng chất địa phương.

Tuy nhiên đến bây giờ, việc kiến tạo giá trị mới từ di sản dân gian còn táo bạo hơn. Ví dụ trong bài hát Bắc Bling, tác giả Tuấn Cry còn phối cả “chất ráp” trên nền văn hóa quan họ truyền thống. Như vậy người nghe quan họ có “chất tươi mới”, phù hợp cả lứa tuổi già, trung niên và trẻ. Con số hơn 100 triệu view cho bài hát mới ra đời khoảng 1 tháng cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của âm nhạc kết hợp văn hóa truyền thống.

Double2T sáng tác, biểu diễn “À lôi” mang đậm văn hóa dân tộc thiểu số địa phương.

Ở xã Thanh Tương (Na Hang) ai cũng biết tới Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm, ông đã dành cả đời để cống hiến cho hát, sáng tác, truyền dạy Then. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm cho rằng, nếu cứ hát mãi Then cổ, mà thường là Then cúng thì rất khó phát huy. Sau này chính các thầy cúng, thầy Then đã nhận ra điều đó. Họ phóng tác tác phẩm mới trên làn điệu Then cổ. Từ đó phong trào hát Then mới phát triển rầm rộ, hình thành cả trăm câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh.

Then mới phát triển không làm lu mờ Then cổ, mà nó giữ gìn, nâng tầm giá trị của Then cổ. Hiện nay kho tàng văn hóa dân gian của cha ông còn rất lớn. Mà văn hóa dân gian thường gắn với tín ngưỡng tâm linh, phong tục, tập quán. Cái này nó ăn sâu vào “hồn cốt” mỗi dân tộc, mỗi gia đình. Nếu người nghệ sỹ biết kế thừa và phát huy vốn văn hóa dân tộc với các yếu tố hiện đại một cách hợp lý, chắc chắn sẽ mang lại một hiệu ứng tốt. Ai hát cũng tự hào về văn hóa của địa phương, dân tộc mình.

Ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có nhiều sáng tác dựa trên yếu tố văn hóa dân gian rất thành công. Như nghệ sỹ ưu tú Lê Cường, nguyên quyền Giám đốc Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh là một ví dụ điển hình. Nghệ sỹ múa Lê Cường đã dày công nghiên cứu các điệu múa dân gian của các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Mông, Pà Thẻn,… để biên đạo các vũ điệu múa mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Mới đây nghệ sỹ còn nghiên cứu điệu nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang (Lâm Bình) để đưa vào vũ đạo mới của mình. Chất nhẩy vẫn giữ được nét tâm linh, huyền bí, pha chất khoẻ khoắn, hiện đại. Từ các vũ điệu mới gửi tới người xem hình dung ra rõ một nghi lễ tín ngưỡng, chuyển tải một thông điệp rõ ràng.

Có thể nói “Bắc Bling” đang mở ra cho nhiều nghệ sỹ hướng sáng tác mới, dựa trên chất liệu truyền thống. Một chất liệu mà bấy lâu chưa được khai thác xứng tầm, để trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị cao. Hiện nay có một số nghệ sỹ trẻ như Double2T, Đỗ Tố Hoa, Mai Trần Lâm người Tuyên Quang cũng đang sáng tác, làm MV, thể hiện các ca khúc có âm hưởng văn hóa dân gian địa phương, kết hợp yếu tố âm nhạc hiện đại, cho hiệu ứng tốt.

Tuy nhiên, để tạo được sức hút và “dư chấn” như Bắc Bling, sẽ phải cần nhiều hơn sự nỗ lực của nghệ sĩ, mà phải là sự vào cuộc hỗ trợ của cả chính quyền và cơ quan chức năng. Có như vậy, mới phát huy được giá trị từ di sản dân gian vào nhịp sống hiện đại.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục