Bánh ngon ngày Tết

- Những món bánh cổ truyền như: Bánh chim gâu, bánh gai, bánh giày hay bánh đậu xanh… luôn là những món ăn thú vị vào những ngày Tết. Mỗi chiếc bánh của mỗi dân tộc, vùng miền mang một hương vị đặc trưng gắn với những ý nghĩa khác nhau, nhưng đều có chung một ước mong cho một năm mới an lành, thịnh vượng.

1. Bánh chim gâu

Nếu như bánh chưng là món ăn không thể thiếu của người người Kinh thì bánh chim gâu là món bánh không thể thiếu trong dịp Tết của người dân tộc Cao Lan. Để làm ra được chiếc bánh ngon, đậm đà hương vị, đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ và tinh tế, mọi công đoạn đều phải kỹ càng, thuần thục, tâm huyết. Nhân bánh chim gâu không khác nhiều so với nhân bánh chưng của người Kinh, gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ. Gạo được nhuộm màu bằng lá cây cơm đỏ, cơm tím hoặc ngâm với nước tro. Nhưng vỏ bánh thì cầu kỳ hơn bởi được đan tết bằng lá dứa rừng tạo thành hình con chim Gâu (chim cu gáy). Người Cao Lan quan niệm, món bánh thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, là tình cảm người phụ nữ dành cho người mình yêu, là sự quan tâm, chăm sóc của những người trong gia đình với nhau. Do vậy, bánh được dâng thờ cúng tổ tiên và khi đem tặng, người Cao Lan thường tặng theo cặp, theo đôi chứ không tặng lẻ.

Bánh chim gâu loại bánh được người dân tộc Cao Lan hay làm vào dịp Tết.

2. Bánh gai

Cũng gần giống như bánh chim gâu, bánh gai của người Tày cũng được làm từ gạo nếp. Nhưng bánh gai thì có thêm lá gai xay nhuyễn rồi trộn cùng mật mía để làm áo, nhân bánh có đỗ xanh, hạt sen, thịt mỡ, mứt bí, dừa tươi. Bánh lại được gói bằng lá chuối đơn giản theo từng lớp. Chỉ khác nhau đôi chút từ chiếc lá gói bánh thôi đã đủ để tạo ra hương vị thơm ngon riêng có của từng chiếc bánh. Bánh gai ăn có vị bùi, ngậy của hạt sen, dừa, vị béo của thịt mỡ quện với vị thơm, thanh mát của lá gai, lá chuối. Để khi ăn rồi nhớ mãi không quên.

3. Bánh giày

Theo tiếng Mông, bánh giày có tên gọi là “Pé” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Với người Kinh, bánh chưng, bánh giày là biểu tượng cho trái đất và bầu trời vuông tròn đầy đủ. Còn với người Mông, bánh giày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông. Bánh giày còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Bánh giày được làm rất công phu, với nguyên liệu chính là gạo nếp nương. Sau khi gạo được đồ chín thành xôi thì cho vào cối, dùng chày gỗ giã thật kỹ. Đây là khâu quan trọng nhất để tạo ra một chiếc bánh giày mềm dẻo, thơm ngon, để được lâu. Xôi sau nhiều lần giã thì nhuyễn, mịn, có độ dẻo sánh thì nặn thành hình tròn trịa như mặt trăng, mặt trời. Sau đó gói lại bằng lá chuối đã hơ qua lửa.

Bánh giày của người Mông không hề có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị. Người ăn có thể ăn nóng hoặc để nguội rồi đem rán với mỡ lợn cho phồng lên. Hoặc nướng trên bếp lửa và chấm với mật ong rừng khi ăn. Đây không chỉ là món ăn đặc sắc của người Mông ở vùng cao mà còn là món bánh được nhiều gia đình Việt lựa chọn để bày trong mâm cúng ông bà tổ tiên vào dịp lễ, tết. Để món bánh ngon và đậm đà hơn thì khi ăn nhiều người thích kẹp thêm với giò hoặc chả. Bánh giày hiện cũng được bán hàng ngày, vừa là món ăn nhanh vừa là món ăn có thể đem theo trong các chuyến dã ngoại.

4. Bánh đậu xanh

Bánh đậu xanh là món bánh được sử dụng nhiều trong những ngày Tết. Bánh đậu xanh là món quà tuổi thơ của bao thế hệ. Nhiều trẻ em yêu thích bởi hương vị ngọt ngào, thơm thơm, béo ngậy và tan mềm trong lưỡi. Còn người lớn, sau những mâm cơm sum vầy, thường quây quần bên nhau để ôn lại chuyện xưa, cùng thưởng thức những chén trà ấm nóng cùng những viên bánh đậu xanh thơm lừng.

Bánh đậu xanh bây giờ được bán quanh năm, ở nhiều nơi, với nhiều hương vị. Bánh được đóng gói sang trọng, bắt mắt trong những hộp, những hình rồng, phượng, hoa, 12 con giáp hoặc đồng tiền... Tất cả biểu trưng cho năm mới thịnh vượng và sung túc.

Thu Hương

Tin cùng chuyên mục