Thiếu vắng kịch bản sân khấu

- Một tác phẩm sân khấu thành công là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó, kịch bản được ví như yếu tố đầu tiên. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, sân khấu Tuyên Quang luôn trong tình trạng “đỏ mắt” tìm kịch bản hay để dàn dựng.

“Bình cũ rượu mới”

Những năm 80, 90, sân khấu chèo xứ Tuyên được xem là thời kỳ vàng son. Nhiều vở diễn cho đến nay vẫn để lại ấn tượng trong lòng khán giả như vở “Nắng quái chiều hôm” khiến khán giả phải trăn trở, suy nghĩ về bi kịch công việc, gia đình với những xung đột gay gắt.

Mỗi đêm diễn của vở Nỗi đau tình mẹ, Nỗi oan người trở về, Tiếng hát nàng Lưu Ba… luôn chật kín khán giả không phải vì miễn phí mà vì giá trị của vở diễn. Một số vở diễn như: Tiếng sáo rừng xanh đoạt Huy chương Bạc toàn đoàn tại Hội diễn Nghệ thuật Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 1968; vở Nắng quái chiều hôm đoạt Huy chương Bạc toàn đoàn tại Hội diễn Nghệ thuật Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013.  

Sau giai đoạn vàng son, sân khấu chèo Tuyên Quang có phần lắng xuống. Từ năm 2013 trở lại đây, các vở chèo gần như không được dựng thành vở dài với thời lượng hơn 1 tiếng đồng hồ mà chủ yếu được dựng thành các trích đoạn, tiểu phẩm độ dài chỉ khoảng 25 - 30 phút. Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh mỗi năm chỉ dàn dựng 1 tiểu phẩm để phục vụ nhân dân.

Một hoạt cảnh chèo do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh dàn dựng và biểu diễn.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Phó Trưởng đoàn Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh cho biết: “Việc diễn viên múa, thanh nhạc cùng đóng vai quần chúng trong các vở diễn là điều không quá xa lạ, bởi số lượng diễn viên chèo chuyên nghiệp của đoàn không đủ để đáp ứng cho 1 vở diễn. Song, ngoài yếu tố con người thì vấn đề thiếu kịch bản hay, kịch bản mới là một điều khiến sân khấu nói chung và sân khấu chèo nói riêng dần phai nhạt. Dù đã có những vở diễn để lại dấu ấn với khán giả nhưng để có được kịch bản hay dàn dựng chúng tôi phải sưu tầm, phục dựng lại những kịch bản cũ”.  

Sự thiếu vắng kịch bản sân khấu hay thể hiện rõ nhất ở các cuộc thi, liên hoan được tổ chức. Mảng sân khấu thường ít được các đơn vị tham gia chú trọng hoặc chủ yếu tập trung vào các tiểu phẩm ngắn được viết lại, thiếu sự mới mẻ. Với vai trò đạo diễn sân khấu, NSƯT Lê Cường thấm thía nỗi vất vả khi chọn kịch bản: “Tôi cũng nhận được không ít kịch bản của các tác giả nhưng để lựa chọn được một kịch bản phù hợp, đưa vào nội dung dàn dựng là vô cùng khó khăn. Không chỉ thiếu vắng kịch bản mới, sân khấu còn khan hiếm kịch bản đề tài hiện đại. Kịch bản hay đã khó, kịch bản hay về Tuyên Quang còn khó kiếm hơn”.

Vắng bóng cây viết trẻ

Theo đánh giá của những người trong nghề, dù đã có những liên hoan, hội diễn được tổ chức nhưng kịch bản sân khấu vẫn “nhiều vở yếu, thiếu vở hay” và chỉ tập trung vào tiểu phẩm ngắn. Một thực tế lâu nay, đội ngũ các tác giả viết kịch bản đa phần là những cây bút lão làng.

Tại Tuyên Quang, hàng năm Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thường tổ chức các trại sáng tác. Tuy nhiên, phần lớn các kịch bản viết ra không được sử dụng. Ông Lê Cường, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết: “Sân khấu đang cực hiếm những tác phẩm mới. Chúng tôi luôn tìm kiếm những cây viết trẻ với những kịch bản có cái nhìn mới song điều này thực sự khó. Các cây bút trẻ hiện nay, dù rất đam mê nhưng cũng chỉ có thể yên tâm sáng tác khi đã có một công việc ổn định khác.

Một cảnh trong vở “Quét nhà ra rác” do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh dàn dựng và biểu diễn.

Vì không có sức trẻ nên sân khấu đang bị coi là già nua, yếu dần. Nhiều kịch bản từ trại sáng tác dù được đánh giá khá tốt nhưng để dựng thành vở diễn lại là điều không dễ. Có một thực tế là mỗi khi đến kỳ liên hoan, hội diễn, các cơ quan, đơn vị nghệ thuật đều phải đặt hàng các cây viết song để có được kịch bản “như ý” vẫn chỉ mong manh. Các tác giả chưa mạnh dạn, dấn thân để viết về những trăn trở, mong mỏi của con người trong xã hội hôm nay. Các kịch bản vẫn theo phương pháp sáng tác truyền thống, chưa có đột phá, chưa tạo dấu ấn khác biệt…”.

Cùng quan điểm về việc lâu nay sân khấu chưa có được những tác phẩm xuất sắc như giai đoạn trước đây, nhà viết kịch Phạm Xuân Đặng, Chi hội Sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết: “Với tư cách là tác giả viết kịch, theo tôi, có rất nhiều vấn đề có thể đưa vào tác phẩm nhưng không phải ai cũng biết viết vì kịch bản sân khấu có đặc thù riêng. Thế hệ cũ đã già, lớp trẻ đông đảo nhưng lại thiếu sự kiên nhẫn để đi đường dài với sân khấu.

Nếu không sống nhiệt tình, không hiểu cặn kẽ, bản chất vấn đề thì chỉ có thể mang đến tác phẩm sáo rỗng dù là kịch bản tiểu phẩm, kịch ngắn, kịch vui. Một số tác giả trẻ thích gì viết nấy, chưa nắm chắc đặc trưng thể loại nên kịch bản thiếu sự chặt chẽ, tính cách nhân vật thiếu logic, thông điệp chưa rõ ràng, khó có thể dàn dựng”.

Sự thiếu vắng các kịch bản sân khấu là một vấn đề cần được quan tâm và giải quyết một cách nghiêm túc. Chỉ khi có những kịch bản chất lượng, sân khấu mới có thể phát triển và đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Đây là khoảng trống cần sớm được khỏa lấp bằng những định hướng, giải pháp của cơ quan quản lý. Người xem vẫn rất mặn mà với sân khấu nói chung và sân khấu chèo nói riêng, họ chưa từng quay lưng với môn nghệ thuật này dù xã hội có nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn khác. Do vậy, sân khấu cần thích ứng để tồn tại.

Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục