Rau dớn luôn được các nhà hàng homestay đưa vào thực đơn.
Vừa bưng mâm cơm ra mời khách, chị Ma Thị Bích Lợi, Homestay Thuôn Chang, thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) vừa nhanh nhẹn giới thiệu: Các món ăn đều là cây nhà lá vườn. Rau lấy trên rừng. Cá bắt ở suối. Gà, lợn chăn thả tự nhiên. Rồi chị mộc mạc nói, tuy cách chế biến, trình bày món ăn chưa thực sự đẹp mắt nhưng chất lượng thì thực khách yên tâm. Tất cả đều là đồ sạch, không chất bảo quản.
Không chỉ cuốn hút bởi lời giới thiệu mà chúng tôi bị hấp dẫn ngay bởi hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ các món ăn. Nếm thử món gà luộc, ai cũng trầm trồ: Đúng là gà thả đồi, da gà ăn cũng khác, vừa thơm vừa giòn. Thịt thì khỏi bàn, vừa chắc, vừa ngọt. Đến món thịt lợn chấm mẻ, ai cũng thấy thú vị bởi hương vị khác lạ, rất dễ đưa cơm. Thanh mát hơn cả có lẽ là các món chế biến từ rau rừng như canh chua, giảo cổ lam xào tỏi, bò khai xào trứng... Tất cả đều gật gù, đã lâu lắm rồi họ mới được thưởng thức bữa ăn tuyệt vời đến thế.
Mâm cỗ tại Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) hấp dẫn bởi các món ăn đậm chất vùng cao.
Hiện nay các cơ sở homestay không chỉ phát triển về số lượng mà còn chú trọng đến chất lượng các dịch vụ, nhất là chất lượng các bữa ăn. Theo chị Lương Thị Minh, chủ Homestay Hoa Viên, thị trấn Na Hang, thực đơn nhà hàng tư vấn cho khách đều dựa trên cơ sở vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa để khách có thể lựa chọn đặc sản địa phương. Tuy nhiên, nhà hàng vẫn ưu tiên sử dụng các món ăn chủ đạo được chế biến từ cá, gà, lợn. Sự thay đổi nằm ở khâu chế biến. Ví như cá, có nhiều món để khách thay đổi như: rán, nướng, kho, nấu canh, om dưa; hay gà thì gà tần thuốc bắc, gà luộc, gà nướng, gà nộm... Như vậy, khách có thể thưởng thức món ăn của đồng bào vùng cao mà vẫn không cảm thấy ngán.
Nếu thực phẩm sạch là gốc thì sự đa dạng trong cách chế biến các món ăn chính là chìa khóa để ẩm thực vùng cao tạo được ấn tượng với thực khách. Và đây cũng là một trong các lý do khiến du lịch homestay ngày càng hút khách gần xa.
Gửi phản hồi
In bài viết