Phụ nữ Cao Lan xã Kim Phú giới thiệu món bánh vắt vai truyền thống của dân tộc.
Vắt vai - món bánh chỉ nghe tên đã thấy tò mò. Tên gọi này xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất kỳ thời điểm nào. Người Cao Lan xưa kia mỗi khi đi làm ruộng, làm nương hay có việc phải đi đường dài đều làm những chiếc bánh này bỏ túi. Bởi món ăn không chỉ tiện lợi mà còn có giá trị dinh dưỡng cao.
Nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp, đậu xanh và rau ngải cứu. Gạo nếp xay nhỏ. Ngải cứu luộc cùng với nước vôi cho bớt vị chát và đắng rồi xay nhỏ, trộn cùng với bột gạo nếp. Sau đó, nặn thành những viên bột, nhồi nhân gồm đậu xanh đã được xào qua với đường.
Bánh gói với lá chuối tươi, rồi hơ qua trên bếp lửa sau đó lấy gói bánh. Bánh được đặt ở hai bên đầu lá chuối, để có thể gập vào được và vắt lên vai. Bánh cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng. Khi thấy mùi thơm lừng của nếp mới, mùi ngai ngái của ngải cứu lan tỏa là bánh chín. Bánh vắt vai có vị của đậu xanh, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp và chút hương ngai ngái của ngải cứu khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ.
Theo chị Nông Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Phú thì đồng bào Cao Lan trong xã còn giữ được nhiều món bánh truyền thống như bánh chim gâu, bánh lẳng, bánh vắt vai... Hiện nay, ngoài việc duy trì làm bánh trong dịp lễ, Tết, mùng Một, ngày rằm thì một số chị em đã làm bánh phục vụ nhu cầu thị trường.
Chị Hoàng Thị Yên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan xã Kim Phú cho biết, cùng với việc duy trì các làn điệu dân ca, dân vũ thì việc gìn giữ văn hóa ẩm thực cũng được câu lạc bộ chú trọng. Các bà, các mẹ đã và đang tích cực truyền dạy cách làm các loại bánh truyền thống để du khách đến với bản làng người Cao Lan sẽ có thêm món quà độc đáo.
Dân dã, giản dị nhưng bánh vắt vai hấp dẫn thực khách chính bởi hương vị đặc trưng. Nếu muốn thay đổi khẩu vị cho bữa sáng hay lúc nhỡ bữa thì bánh vắt vai là một lựa chọn hợp lý.
Gửi phản hồi
In bài viết