Dành cả thanh xuân để làm bánh gai

- Trong cái lạnh se sắt của ngày đông, chúng tôi tìm đến cơ sở làm bánh gai của bà Hà Thị Lục, thôn Ngọc Lâu, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa). Từ đầu ngõ, mùi bánh gai thơm ngai ngái phảng phất khắp không gian. Đón chúng tôi, bà Lục bảo, bà vừa làm xong mẻ bánh gai mới. Bánh ngon nhất lúc ăn nóng. Vì vậy, gì thì gì, cứ phải thưởng thức bánh trước đã.

Bà Lục cùng con cháu trong nhà gói bánh gai.

Quả thực, bánh gai tôi đã thưởng thức nhiều. Nhưng chiếc bánh nóng hổi, vừa ra lò thì đây là lần đầu tiên. Bánh gai ngon nhưng cũng phải biết cách thưởng thức. Khi bóc bánh, đến lớp lá trong cùng phải tước nhỏ lá để bánh giữ được độ mịn, bóng. Chúng tôi từ từ đưa chiếc bánh lên để tận hưởng đầy đủ vị ngon của món ăn đặc sản này. Vị thơm đặc trưng của lá chuối quyện với vị dịu mát của lá gai, gạo nếp và mật mía ngấm dần nơi đầu lưỡi rồi lan tỏa. Lại thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu, bùi bùi của dừa khô, vị đậm đà của thịt nạc… khiến ai nấy đều tấm tắc khen ngon: Đúng là bánh “trứ danh” miền đất Chiêm Hóa.

Nhìn chúng tôi thưởng thức ngon lành, bà Lục vui ra mặt. Bà chia sẻ, để có món bánh gai đặc sản này, bà đã dành cả thanh xuân để học hỏi và giờ bà có thâm niên gần 30 năm trong nghề. Bà bảo, không chỉ đơn thuần là làm ra chiếc bánh thơm ngon là được. Mà người thợ làm bánh còn gửi vào đó thứ tình cảm rất đặc biệt, bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu. Vẫn là các nguyên liệu như lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tươi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn,... Nhưng chọn gạo nếp loại gì; cách phơi, tước, luộc, xay lá gai thế nào; trộn với mật mía ra sao? đòi hỏi kinh nghiệm của người làm nghề. Đó còn là sự kỳ công trong làm nhân bánh. Mỡ lợn được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm và không bị nát, còn nguyên hương vị. Khi ăn bánh, ai cũng sẽ thích thú với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh.

Bà Lục trồng cây lá gai gần nhà để chủ động nguyên liệu làm bánh.

Một chiếc bánh đạt yêu cầu là thịt bánh phải vừa dẻo mịn vừa thơm ngon. Đây cũng chính là bí quyết gia truyền đã làm nên hương vị thơm ngon, đặc trưng của bánh gai Chiêm Hóa.

Hiện nay, ngày ngày bà Lục vẫn đều đặn cho ra lò những mẻ bánh gai nóng hổi. Ngày thường, bà mang ra chợ bán, mùng Một hôm rằm khách đến tận nhà lấy. Bà bảo, tuy dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ bánh gai nhưng với bà gói bánh là niềm đam mê. Và ngày nào còn khỏe, bà còn tiếp tục giữ nghề để đặc sản bánh gai Chiêm Hóa tỏa hương thơm mãi.

Hải Yến

Tin cùng chuyên mục