Phát huy sức Dân

- Tư tưởng “Dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí đặc biệt quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt, Tuyên Quang đã thu nhiều trái ngọt, khi làm tốt 3 phần việc: Hiểu lòng dân, làm việc dân cần và định hướng Nhân dân tham gia công cuộc kiến thiết, đổi mới.

Biến việc khó thành dễ

Sức tàn phá khủng khiếp của hoàn lưu bão số 3 (Yagi) để lại cho Tuyên Quang những thiệt hại nặng nề.

Lũ từ thượng nguồn Na Hang, đổ về Chiêm Hóa, Hàm Yên, TP Tuyên Quang, Sơn Dương… Nước dâng đến đâu, khó khăn bủa về đến đấy. Nhưng cũng chính trong bão lũ, những câu chuyện thắm đượm tình người như ngọn lửa thắp sáng, sưởi ấm cho bà con.

Như câu chuyện của chị Phạm Thị Kim Cúc, một đảng viên, công dân của tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) tự tay nấu hàng nghìn suất cơm miễn phí phục vụ lực lượng cứu hộ và bà con vùng lũ;  làm hoa tiêu đưa các đoàn thiện nguyện đưa quà cứu trợ đến với bà con vùng ngập.

Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tham gia hỗ trợ người dân huyện Na Hang san, gạt mặt bằng.

Chị Cúc chỉ là một trong hàng trăm người dân Tuyên Quang sẵn sàng nấu những bữa cơm thiện nguyện, sửa chữa xe máy, đồ điện… hỏng hóc sau bão lũ, sẻ chia phần nào thiệt hại với  những người dân bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi nước rút, nhiều địa bàn trong tỉnh chìm trong rác thải, bùn đất và những tàn dư của cơn lũ. Lực lượng dân sự và công an, quân đội địa phương, đoàn viên thanh niên, phụ nữ và doanh nghiệp lại góp sức mình, cùng chung tay giải quyết khối lượng công việc khổng lồ này. Và chỉ trong chưa đầy một tuần, Tuyên Quang đã sẵn sàng bước tiếp, vực dậy mạnh mẽ sau cơn bão lịch sử này.

Ngay trong những ngày giữa tháng 3-2025, khu vực núi Nghiêm, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) xảy ra vụ cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng. Thời tiết, cộng với địa hình phức tạp, khiến việc chữa cháy của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ những khó khăn này, người dân khu vực lân cận kêu gọi hỗ trợ đèn pin, thức ăn, nước uống… hỗ trợ phần nào với những người “canh lửa”. Người dân trong khu vực cùng tham gia dập lửa. Những người ở xa thì kêu gọi ủng hộ đèn pin, nước uống, thức ăn. Những người có sức khỏe hỗ trợ, vận chuyển nhu yếu phẩm, tham gia nấu cơm phục vụ lực lượng chữa cháy.

 “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Những năm gần đây, tuyến đường Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, rồi Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã thay đổi đáng kể diện mạo của Tuyên Quang. Như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã khẳng định, việc hoàn thành cao tốc đã nói lên quyết tâm của người dân Tuyên Quang: Không chỉ đi mãi đường mòn, đường nhỏ, mà quyết tâm phải đi đường lớn, đường rộng.

Mỗi công trình được hoàn thành, ngoài quyết tâm của cả hệ thống chính trị, là sự đồng hành, sẵn sàng hy sinh của người dân.

Cán bộ Đoàn xã Sinh Long (Na Hang) hướng dẫn đoàn viên, thanh niên cài đặt ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính trên điện thoại di động.

Tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang dài 165 km, đoạn qua Tuyên Quang dài 77 km đang được các địa phương quyết liệt triển khai. Tại mỗi địa phương tuyến đường đi qua, câu chuyện về những người nông dân sẵn sàng hiến đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công khi được thông tin đầy đủ, chính xác về ý nghĩa, mục tiêu của dự án.

Như tại huyện Yên Sơn, theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy, để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền vận động đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đường Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang trên địa bàn, huyện thành lập 4 tổ công tác: Tổ tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin dư luận liên quan dự án; Tổ tư vấn giải quyết đơn thư, khiếu nại; Tổ nghiệp vụ về giao đất tái định cư và cấp phép xây dựng nhà ở, quản lý quy hoạch xây dựng Khu tái định cư; Tổ thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng và Khu tái định cư thực hiện dự án. Thành viên các tổ đều là người đứng đầu, cán bộ các ban, ngành chuyên môn của huyện, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính pháp pháp luật của Nhà nước, bám sát chỉ đạo của tỉnh, các cơ chế, chính sách trên địa bàn để tuyên truyền vận động Nhân dân, đồng thuận ủng hộ. Qua đó, các thông tin được chia sẻ hai chiều giữa Nhân dân và chính quyền, những khó khăn, vướng mắc cũng được nắm bắt và giải quyết kịp thời theo thẩm quyền.

Theo đồng chí Lê Quang Vân, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận, khi chủ trương, chính sách được tuyên truyền đầy đủ, người dân thông suốt, thì việc vận động vô cùng thuận lợi, dễ dàng.

Gia đình bà Đào Thị Nhuần là một trong 175 gia đình của Tứ Quận có đất nằm trong diện tích thu hồi phục vụ xây dựng đường Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Bà Nhuần chia sẻ, được cán bộ thôn, xã phân tích, giải thích các quy định về giải phóng mặt bằng, ý nghĩa xây dựng đường cao tốc… nên gia đình bà hoàn toàn ủng hộ, đồng thuận nhận đền bù, giải phóng  trên 2.200 m2 đất gồm nhà ở, vườn đồi và ao cá. Cũng theo bà Nhuần, gia đình bà đã sống ở đây mấy chục năm, nhà cửa, ruộng vườn bao năm xây dựng, lao động mà có, dỡ bỏ tài sản cũng xót xa và tiếc lắm. Nhưng vì sự phát triển chung của địa phương, khi được cán bộ huyện, xã giải thích, vận động, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác đều đồng thuận.

Những ngày này, Tuyên Quang cùng với cả nước đang dồn sức xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, các nhà hảo tâm, thì một trong những điều kiện đẩy nhanh tiến độ xóa nhà ở tạm Tuyên Quang là sức Dân. Mỗi ngôi nhà khởi công, từ lúc tháo dỡ nhà đến khi hoàn thành, đều có đóng góp của hàng chục lao động trong vùng. Nhờ thế, đến hết tháng 3, đã có 5.092 căn nhà được khởi công, xây dựng và hoàn thành.

Theo bà Tăng Thị Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thì sức Dân có ở tất cả mọi phong trào, mọi hoạt động. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống rác thải nhựa đến xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Chỉ riêng trong xây dựng nông thôn mới, người dân Tuyên Quang đã tự nguyện hiến gần 250 nghìn m2 đất, đóng góp trên 87,5 tỷ đồng, tham gia gần 278 nghìn ngày công lao động để làm trên 3 nghìn km đường giao thông nông thôn, gần 947 km đường nội đồng và hoàn thành 116 cầu giao thông nông thôn, cầu dân sinh qua suối… Có những làng như Mãn Sơn, xã Vân Sơn (nay là Hồng Sơn, Sơn Dương), Tân Hải Thành, xã Thái Long (TP Tuyên Quang)… cả làng đồng thuận hiến đất, góp sức làm đường giao thông.

Bồi dưỡng, phát huy sức Dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân...”. 

Bồi đắp, phát huy sức dân, Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách bồi dưỡng sức dân, an dân, dưỡng dân, phát huy sức dân, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân. Trong đó, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 7 nghị quyết chuyên đề, 4 chỉ thị, 5 đề án; HĐND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện 86 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 10 đề án… Nhiều chính sách có tác động rất lớn, như Đề án xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hỗ trợ bệnh nhân mắc suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo; chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã…

Tổ tự quản thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) chung tay vệ sinh môi trường tại các trục đường thôn.

Nhất quán chủ trương, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Theo đó, công tác tiếp xúc và đối thoại với công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đi vào nền nếp.

Qua đó lắng nghe, tiếp thu và giải quyết nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, những vấn đề bức xúc trong dân, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân và phát huy vai trò của dân trong tham gia xây dựng Đảng.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang chú trọng phát huy vai trò, chức năng giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Hằng năm, các tổ chức đều đăng ký và ban hành chương trình giám sát cùng với Nhân dân để tiến hành giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Phát huy tốt vai trò tham gia của Nhân dân trong phản biện, giám sát, đánh giá và quản lý đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; đặc biệt là trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý.

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2025, Tỉnh ủy Tuyên Quang lựa chọn chuyên đề Bồi dưỡng, phát huy sức Dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 làm chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nông Thị Bích Huệ trong phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2025 đã khẳng định: Nhờ bồi dưỡng, phát huy sức Dân, Tuyên Quang đã có điều kiện, động lực quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Đến năm 2025, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cơ bản hoàn thành. Nhiều chỉ tiêu vượt mức cao như Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm dự kiến đạt 8,01%. Trong đó, năm 2024, lần đầu tiên Tuyên Quang đạt mức tăng trưởng 9,04% - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Đây cũng là tiền đề, điều kiện quan trọng để năm 2025, Tuyên Quang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số - sẵn sàng cùng đất nước vươn mình, phát triển.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục