Phóng viên: Trong giai đoạn hiện nay, việc bồi dưỡng, phát huy sức dân có tầm quan trọng như thế nào, thưa đồng chí?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông: “Dân là gốc” đã trở thành truyền thống đạo lý xuyên suốt quá trình lịch sử Việt Nam và được các bậc minh quân, trung thần, các bậc tiền nhân vận dụng rất thành công trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc coi trọng và tiết kiệm sức dân không chỉ là quy luật tồn vong của một chế độ, mà phải trở thành một đường lối, một chính sách trị nước tích cực của mọi chế độ chính trị.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân bao giờ cũng là gốc của nước, nước bao giờ cũng là của mọi người dân, còn cách mạng thì như con thuyền, Nhân dân trao cho Đảng trách nhiệm người cầm lái. Con thuyền cách mạng đi tới đích thắng lợi là nhờ vào sức của dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của Nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng. Cũng chính phong trào cách mạng của Nhân dân là yếu tố quan trọng nhất đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực. Sức mạnh đoàn kết của Nhân dân là lực lượng vô địch, “dân khí” mạnh thì không quân lính nào, súng ống nào có thể chống nổi.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số nội dung cốt lõi về phát huy sức dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông: Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức dân thể hiện ở một số nội dung cụ thể sau:
Một là, sức mạnh của Nhân dân rất to lớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định Nhân dân đứng ở vị trí trung tâm của quyền lực, “tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân”. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”.
Hai là, mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân: Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Nếu không có Chính phủ thì Nhân dân không ai dẫn đường”, “Không có Nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng”. Mục đích chiến đấu, lý tưởng cao đẹp của Đảng ta trong vai trò “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” - như Người nhấn mạnh trong Di chúc - đó là Đảng ta làm cách mạng vì nước, vì dân, để dân tộc được độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.
Ba là, Đảng phải luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết: Theo Người, phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, điều quan trọng đối với Đảng cầm quyền phải xác định rõ sứ mệnh vẻ vang của mình là đem lại lợi ích cho Nhân dân.
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người phục vụ Nhân dân: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè dầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Người không chỉ mẫu mực thực hành nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc mà còn chỉ dạy cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, thực hành suốt đời như vậy.
Phóng viên: Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến bồi dưỡng, phát huy sức dân. Quan điểm này được cụ thể hóa như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa đồng chí?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông: Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta tiếp tục coi trọng bồi dưỡng, phát huy sức dân, thể hiện rõ qua các kỳ đại hội. Xin nêu quan điểm của 3 đại hội.
Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới, thể hiện rõ ý Đảng hợp với lòng dân, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Đại hội khẳng định: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động”.
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) chỉ rõ: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến” .
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) xác định: “Phát huy vai trò, sự tham gia của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân, giữa các vùng, địa phương; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội”. Đại hội XIII bổ sung nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” để thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đại hội chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Phóng viên: Để tiếp tục bồi dưỡng, phát huy sức dân, Tuyên Quang cần thực hiện những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông: Năm 2025 tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Đây cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, tạo đà đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện hiệu quả chuyên đề năm 2025 về bồi dưỡng, phát huy sức dân, Tuyên Quang có thể nghiên cứu, tham khảo, lựa chọn một số cách làm một số địa phương đang thực hiện.
Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cơ chế chính sách của tỉnh đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; kịp thời tổ chức triển khai thực hiện với kế hoạch cụ thể, giải pháp phù hợp để chính sách đi vào cuộc sống. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền hiệu quả, trúng đối tượng, để mọi người dân có thể hiểu, tự giác tham gia xây dựng cơ chế chính sách, thực hiện chính sách, được thụ hưởng các chính sách, đồng thời phản hồi nhằm phát huy hoặc hoàn thiện chính sách, đảm bảo để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong thực hiện một số chương trình lớn của tỉnh như xây dựng nông thôn mới; chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; làm đường giao thông nông thôn… Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò của Nhân dân trong việc đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đến tất cả các đối tượng được thụ hưởng; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tế địa phương, đảm bảo khả thi, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, tạo động lực để tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn; chú trọng chính sách an sinh xã hội tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi
In bài viết