Trong tiết trời giá rét của mùa đông, nếu được ngồi bên bếp lửa trải nghiệm các công đoạn làm thịt trâu hun khói của đồng bào và được thưởng thức những miếng thịt trâu dai dai, hòa quyện cùng gia vị đậm đà từ ngọt cho đến cay thì còn gì tuyệt bằng.
Trâu hun khói hay còn được gọi là trâu gác bếp, thịt trâu khô. Món ăn này được chế biến từ thăn và bắp trâu tươi, trải qua quá trình gác bếp phức tạp bằng củi. Thịt trâu được chọn lọc kỹ sau đó được tẩm ướp bằng các gia vị như: Gừng, ớt, mắc khén rồi trải qua quá trình gác nghi ngút khói bếp để mang lại những miếng trâu cay cay kèm chút ngọt ngọt. Để cho ra món thịt trâu hun khói chuẩn vị thì việc lựa chọn thịt trâu là yếu tố quyết định độ ngon của món trâu hun khói. Người làm phải lựa chọn những miếng thịt tươi ngon nhất, phần thịt thăn nạc hoặc bắp trâu, tuyệt đối không chứa gân hoặc mỡ. Tiếp đó, thái theo thớ dọc thành từng miếng có chiều dài khoảng 20 cm và bề dày khoảng 5 cm, dần cho thịt mềm ra. Bước tiếp theo nướng ớt khô cho đến khi thơm rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với tỏi, gừng, sả, mắc khén, muối, đường rồi trộn đều thành hỗn hợp gia vị hơi sệt. Người làm đem hỗn hợp vừa làm chà sát lên thịt trâu, cho thêm một ít bột ngọt, đường, muối để ướp khoảng 3 tiếng cho thịt trâu ngấm đều gia vị. Cuối cùng là công đoạn sấy khô thịt trâu lên dàn tre. Than được đốt từ gỗ to để tạo khói đều. Khi sấy, đồng bào rải lá ngải xen lẫn thịt trâu vừa để giữ hương vị thơm ngon của thịt mà giúp thịt không bị khô.
Thịt trâu hun khói có thể tích trữ, bảo quản được lâu để ăn dần. Khi sử dụng, bạn có thể nướng, hấp cách thủy hoặc quay qua lò vi sóng.
Qua đôi bàn tay khéo léo của đồng bào vùng cao, thịt trâu trở thành một món ăn hấp dẫn, mang đậm chất vùng cao.
Gửi phản hồi
In bài viết