Thương những xa xôi gồm 2 phần. Phần “Ký ức” có những bài viết “Vu lan còn mẹ”, “Cha, con và tháng Bảy”, “Hoa trong vườn của cha mẹ”, “Mùi Tết”, “Tết quê”, “Nhớ khói”… Phần “Trong gió bụi” có một số bài viết ấn tượng như “Những ân phước tinh khiết của đời sống”, “Vết thương màu hoa phượng”, “Thương những xa xôi”, “Những ô cửa mở ra vời vợi”, “Niềm rung động… thanh khiết”, “Mơ mộng làm tôi giàu có”…
Nhà văn Như Bình.
Đọc “Thương những xa xôi”, ngay từ nhan đề của tập tạp văn này, chúng ta đã hình dung một sự hoài niệm về những năm tháng cũ, những vùng ký ức của tác giả lần lượt được gọi tên. Trước hết là về người mẹ, trong bài “Vu lan báo hiếu” tác giả Như Bình viết “Mẹ tôi là một người phụ nữ Việt Nam điển hình, thông minh nhưng thất học, lam lũ, chịu muôn vàn cay cực, khổ ải, bươn chải nuôi đàn con nên người... những năm 60 - 70 của thế kỷ trước ngôi làng nơi mảnh đất miền Trung nghèo khổ của mẹ có một gia đình lam lũ mà có cả năm người con lần lượt đậu đại học là câu chuyện hiếm có trong vùng...”.
Thương yêu mẹ là tình cảm bình thường nhưng với Như Bình ngay từ nhỏ đã có những tình cảm rất sâu đậm, những suy nghĩ lạ, khác nhiều với những đứa trẻ cùng tuổi “Tôi sợ mất mẹ, sợ bỗng dưng mẹ không còn trên đời này nữa và mồ côi mẹ liếm lá đầu đường như câu ca mẹ vẫn đọc cho tôi nghe, khiến cho tim tôi thon thót lo... Tôi luôn ngồi một xó nhà và nghĩ nếu mẹ chết chắc chắn tôi cũng sẽ chết cùng”.
Bút pháp văn chương của Như Bình trong Thương những xa xôi có một hiện tượng nghịch chiều đã diễn ra: Cách chị dồn nén, kìm giữ tình cảm trong văn xuôi kiệm lời của Như Bình đã mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Bằng giọng điệu giản dị, cô đọng, tác giả kể về những người thân nơi cố hương gió Lào cát trắng. Những ông bà, cha mẹ, cậu Thủy, chú Thiện, O Khuyên và O Bé… Rộng lớn hơn là những vùng đất mà nhà văn đi qua, là thủ đô Hà Nội - vùng đất thứ hai mà nhà văn Như Bình gắn bó “Hà Nội là một thành phố đẹp. Một thành phố chậm rãi, bình yên và đầy suy tư...”.
Bìa sách “Thương những xa xôi” của nhà văn Như Bình.
Đó là hình ảnh về những chú chim bị nhốt trong lồng được bày ven hồ Thiền Quang, tác giả thường dạo bộ từ đường Nguyễn Du ra hồ Thiền Quang và “lắng nghe những âm thanh xao xác từ những chiếc lồng con đang thi nhau vút lên nắng trời, chạm khẽ vào những gợn mây trắng xa tít tắp... trích trong bài “Thương những xa xôi”. Những chú chim bị nhốt trong lồng khao khát tự do được bay lượn trên bầu trời, cũng như con người vậy, nhất là người thơ Như Bình thương những xa xôi. Hay những suy tư chiêm nghiệm khi nhìn ra khung cửa sổ từ căn chung cư “Chỉ ước chi phía bên ngoài kia, nơi vời vợi của bầu trời xanh, của những ô cửa khác luôn thắp lên thứ ánh sáng dịu dàng của bình an và hạnh phúc” trích trong bài “Những ô cửa mở ra vời vợi”.
Nhà văn Như Bình chia sẻ niềm hạnh phúc khi được viết “Được sống, viết, vẽ nghĩa là tôi đã làm bạn được với tôi. Trong quá trình này, tôi luôn cố gắng để gần hơn với linh hồn mình, hiểu, thương, chia sẻ, thậm chí cả tha thứ và hơn thế nữa”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, mỗi tác phẩm của chị như một tiếng chuông vang lên từ những va đập trong sỏi đá, trong đời sống. Chúng đem những điều tưởng như đã quên lãng trở lại, làm cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ, tinh khiết và hạnh phúc hơn.
Tập sách của Như Bình, nói như chị là sự tri ân với quê hương, cha mẹ, với cuộc đời và hơn thế, là nơi trú ngụ bình an của chị, sau những sóng gió. Vì thế mà từ thơ đến văn, Như Bình mang đến những khắc khoải, day dứt khó nguôi quên về ký ức xa xôi, về những khát khao bỏng cháy về tình yêu cuộc sống, về cái đẹp luôn hiện hữu trong con người.
Gửi phản hồi
In bài viết