Ấm áp xuân về

- Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất, lâu đời nhất của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp đoàn viên của những người con xa quê, là cơ hội để gia đình sum họp, người thân, bạn bè gặp mặt, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.

Thăm mộ Tổ tiên

Hàng năm cứ vào ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, nhiều gia đình người Việt tập trung đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, tỏ lòng hiếu kính mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, năm mới đến là sự khởi đầu của mọi điều mới, mọi thứ đều cần được sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, tổ tiên.

Tục tảo mộ cuối năm ngoài là một phong tục phổ biến của người dân Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán, còn là nét đẹp mang tính dòng tộc rõ nét. Thăm nom và sửa sang phần mộ tổ tiên được ghi rõ ràng và cụ thể trong gia phả như một truyền thống tốt đẹp của dòng họ, để cho con cháu sau này nối tiếp, theo đó mà thực hiện.

Nó thể hiện nét đẹp của đạo “hiếu” trong văn hóa Việt Nam, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những người còn sống với nhau và giữa những người còn sống với những người đã khuất như câu nói:

Tảo mộ sửa sang, chăm sóc mộ phần của tổ tiên và người thân cũng là thể hiện tình cảm của con người biết hướng về nguồn cội của mình, tổ tiên, ông bà mình mà nhờ đó mình mới được làm người, mình mới có mặt trên đời và được các cụ phù hộ cho trong năm mới sắp tới.

Du xuân ngày Tết.

Mâm ngũ quả ngày Tết

Các loại cây cho trái được dùng để trang trí làm đẹp cho không gian Tết như: cây quất cảnh, quýt cảnh, bưởi tạo hình... Đây là loại các loại cây được tạo kiểu dáng cầu kỳ, cành lá xanh tươi, quả mọng ngọt căng tràn, vàng bóng bẩy thể hiện sự trù phú, mong muốn cho một năm mới ăn nên làm ra, nhiều tài lộc, thành quả tốt.

Cùng với thú chơi hoa, các gia đình Việt còn quan tâm đến việc bày trí mâm ngũ quả trên bàn thờ. Các loại trái cây thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới an lành. 5 loại quả theo quan niệm của người xưa là ngũ hành tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Tuy người miền Bắc không có quan điểm khắt khe về việc chọn mâm ngũ quả, hầu như quả nào cũng bày được thì người miền Nam lại có sự kiêng kị những loại quả có tên mang ý nghĩa xấu như: cam - cam chịu, lê - lê lết... và không có vị đắng, cay.

Mâm cơm cúng tất niên.

Bữa cơm tất niên

Đối với những gia đình Việt có con cháu học tập hay làm việc ở xa thì Tết chính là một dịp đặc biệt nhất trong năm để đoàn tụ gia đình. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người dân Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, yêu thương của những người cùng một gia đình hay người thân quen.

Bữa cơm tất niên thông thường được tổ chức vào chiều 30 Tết. Lúc này, mọi thứ và công việc đã xong xuôi, cả nhà cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm áp ngày cuối năm. Trong khói hương trầm phảng phất, cả gia đình cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện. Mâm cơm ngày tất niên có đủ các món ăn mang đậm hương vị ngày Tết như: bánh chưng, giò, dưa hành...

Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những ngư­ời đã khuất trong gia đình. Bữa cơm tất niên kết thúc, cũng là lúc mọi người chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa. Ý nghĩa của lễ này là nhằm xua đi những điều xấu, dở của năm cũ, đón lấy điều mới mẻ, tốt lành của năm mới.

Xông đất

Xông đất đầu năm là phong tục được cha ông ta lưu truyền từ rất lâu cho đến nay vẫn còn được duy trì thực hiện. Người ta tin rằng, người xông đất đầu năm có ảnh hưởng đến vận mệnh của gia chủ trong cả năm đó nên người xông đất được coi là khá quan trọng. Tuy nhiên, xông đất không có một chuẩn mực chung hay quy phạm chung nào trên cả nước.

Trải nghiệm không khí Tết.

Thời điểm xông đất là sau thời khắc giao thừa trở đi. Những gia đình Việt Nam không quá cầu kỳ thì cũng luôn mong muốn người xông đất là người vui vẻ, rộng rãi để gia đình có một năm may mắn, sung túc.

Tại những gia đình kinh doanh, giao thiệp nhiều... người ta rất chú ý đến vấn đề này. Người xông đất là người đầu tiên đặt chân đến gia đình, là nam giới (theo quan điểm nam giới là trụ cột gia đình), trang phục không quá cầu kỳ nhưng đảm bảo sạch sẽ gọn gàng, mang theo những lời chúc tốt đẹp, nụ cười thật tươi biểu hiện cho một năm mới nhiều niềm vui, thịnh vượng.

Người ta cũng chú ý đến tuổi của người xông đất. Ngũ hành của gia chủ và người xông đất phải tương hợp hay tránh rơi vào tứ hành xung theo quan điểm duy tâm. Người Việt cũng không muốn những người có đạo đức kém, tiền án, tiền sự, những người đang có tang hay chuyện buồn gia đình đến xông đất vì quan niệm năm mới mọi thứ phải mới mẻ và vui vẻ.

Mỗi mùa xuân về, mỗi dịp Tết đến là mỗi lần truyền thống được khơi dậy, tôn vinh và lan tỏa tới tất cả mọi thế hệ cũng là dịp tuyệt vời nhất để phong tục Việt được lưu truyền cho tới mãi mai sau.

Nguyệt Hằng

Tin cùng chuyên mục