Đêm Giao thừa, mỗi gia đình thường làm 2 mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên, một mâm cúng ngoài trời. Những ngày Tết mồng 1, mồng 2 và mồng 3 Tết, mỗi nhà đều làm mâm cỗ cúng gia tiên, thể hiện tấm lòng thành của con cháu đối với những người đã khuất.
Mâm cỗ cúng ngày Tết ở các miền quê có sự khác nhau tương đối nhưng đều không thể thiếu thịt gà, thịt lợn, xôi, bánh chưng và một số sản vật địa phương. Bà Phan Thị Nga ở tổ 6, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) tâm sự, những ngày Tết bà và con cháu dậy sớm chuẩn bị làm cỗ cúng Tết. Nhà bà thường làm cỗ cúng từ ngày 29 tháng Chạp để mời các cụ về ăn Tết sớm. Bà bảo, mâm cỗ Tết cuối năm ngoài nghi lễ thờ cúng gia tiên, còn là bữa cơm sum họp gia đình. Con cháu đi làm ăn xa, cả năm không về thăm nhà, bữa cơm ngày cuối năm thực sự là ngày đoàn tụ, vừa ăn vừa kể cho nhau nghe những điều tốt đẹp nhất về cuộc sống từng trải qua trong năm và hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới sắp đến.
Mâm cỗ cúng ngày Tết thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên.
Cuộc sống hiện giờ khấm khá, đủ đầy mọi thứ, bà Nga càng có điều kiện để chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày Tết một cách chu đáo, trọn vẹn. Mâm cỗ cúng ngày Tết được bà chọn loại gà trống mới lớn, phải là màu vàng hoặc đen vàng, lông mượt, chân vàng. Dẫu ở thành phố nhưng nhà bà vẫn có không gian để nuôi gà cúng Tết. Năm nào không nuôi được, bà thường bảo con cái đặt người thân ở vùng quê để có gà ngon làm cỗ cúng. Ngoài gà, thịt lợn, gạo làm xôi cũng được bà chọn rất cầu kỳ. Con cái bà lắm lúc vì công việc nên đơn giản quá, bà không hài lòng chút nào. Chị Hoàng Thị Mai, con dâu bà Nga tâm sự, tuổi trẻ nhiều khi đơn giản mọi thứ nhưng điều này lại không đúng với nghi lễ thờ cúng của người Việt. Chị học được nhiều điều từ mẹ chồng khi làm cỗ cúng ngày Tết. Vậy nên, có năm chị còn về tận quê ngoại ở Hàm Yên đặt gà ngon, mua gạo Minh Hương về làm cỗ cúng Tết. Bạn bè chị ở thành phố, ở Hà Nội cũng nhờ chị mua hộ để chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Tết một cách trọn vẹn. Mâm cỗ cúng những ngày Tết thường có một khoanh thịt lợn đặt trên một chiếc đĩa đẹp nhất của gia đình. Thịt lợn cũng được chọn rất cầu kỳ, không thể là thứ thịt lợn mua ở chợ được mà phải là lợn nuôi “bộ” - không cám tăng trọng. Mâm cơm cúng ngày Tết gồm thịt gà, lợn, giò, xôi, rau canh. Đó là những thức không phải là cao lương mỹ vị nhưng được chọn một cách cẩn thận, đầy thành tâm của con cháu. Xôi cũng có thể là xôi ngũ sắc hoặc xôi trắng, xôi đỗ, lạc. Rau canh thường là đặc sản vùng miền như nấm hương rừng, măng và một số loài rau khác như bắp cải, su hào, khoai tây hầm xương…
Theo phong tục của người Việt, sáng mùng 1 Tết, mọi gia đình lại chuẩn bị mâm cỗ đầy đủ các món để dâng lên tổ tiên.
Chị Trần Thị Yến người xã Vân Sơn (Sơn Dương) làm việc ở Nhật Bản đã nhiều năm nhưng không thể quên được hương vị ngày Tết nơi quê nhà. Năm nào chị cũng về quê ăn Tết và thường cùng mẹ, người thân làm mâm cỗ cúng Tết. Chị được mẹ dạy cách chế biến cỗ cúng, ý nghĩa lễ cúng trong những ngày Tết. Điều đó giúp chị thêm yêu nguồn cội, nhớ về tổ tông để dạy bảo con cái mình lớn lên trở thành người có ích, góp sức xây dựng quê cha đất tổ ngày càng giàu đẹp. Chị tự hào về điều đó và thường đem kể về Tết cổ truyền của Việt Nam cho bạn bè Nhật nghe, họ thực sự thích thú. Có năm, bạn chị ở Nhật còn cùng chị về quê hương Vân Sơn trải nghiệm Tết cổ truyền, họ ước mong có được cuộc sống an nhiên, tự tại như mình biết bao. Từ đó, chị tư vấn, giúp đỡ nhiều đoàn khách Nhật về Tuyên Quang du lịch, trải nghiệm. Chị Yến cho biết, các bạn Nhật nói với chị rằng, về Tuyên Quang như được sống lại những kỷ niệm đẹp đẽ một thời đất nước Nhật cũng có Tết cổ truyền…
Mâm cơm cúng ngày Tết có ý nghĩa răn dạy con cháu nhớ đến cội nguồn, nhớ tổ tông để sống tốt hơn với những hy sinh, đóng góp của cha ông với sự phát triển của gia đình, quê hương. Qua đó các thành viên gia đình được đoàn tụ bên nhau, chia sẻ và hướng tới tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết