Tinh hoa từ những điều bình dị
Một khảo sát của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương cho thấy: Có đến 80% khách du lịch hứng thú với local food, nghĩa là những món ăn địa phương. Chính vì vậy mà nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia... xếp Food tour vào hàng Top trong những sản phẩm du lịch.
Food tour ở Việt Nam cũng đã bắt đầu được khai thác tương đối tốt. Nhiều địa phương, nó đã trở thành đặc sản du lịch. Đơn cử như Hải Phòng. Địa phương này thậm chí đã xây dựng bản đồ Food tour để khách du lịch thuận tiện tham quan, thưởng thức.
Nhắc đến du lịch ẩm thực, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Sơn rất tâm đắc. Ông kể một loạt những món ăn ngon của Tuyên Quang, từ những món bình dân như bánh cuốn nóng, bánh gai Chiêm Hóa, bánh trứng kiến của người Tày Na Hang, Lâm Bình đến những món cao lương mỹ vị như cá tiến vua dầm xanh, anh vũ, cá chiên, cá lăng chấm. Mỗi địa phương đều có một món ăn đậm đà, riêng có, từ cơm lam, xôi ngũ sắc, bánh trứng kiến của Na Hang, Lâm Bình; vịt Minh Hương, cam sành Hàm Yên; bưởi Soi Hà Yên Sơn; các món bánh truyền thống của người Cao Lan, bánh cuốn nóng ở thành phố Tuyên Quang... Đặc biệt, rất nhiều nông sản nổi tiếng của các địa phương đều đã được xếp hạng OCOP, là “chứng chỉ” uy tín có thể theo chân khách du lịch sau mỗi chuyến đi từ Tuyên Quang trở về.
Phụ nữ Tày Lâm Bình làm bánh trứng kiến.
Bánh trứng kiến thường chỉ có vào dịp Tết thanh minh của người Tày. Món ăn này cũng đã lọt Top 100 món ngon của cả nước và trở thành món ăn khách du lịch phải tìm thưởng thức khi đến với Na Hang, Lâm Bình đúng dịp. Theo chị Trịnh Thị Chính, người làm bánh lâu năm ở tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can vào mùa những người làm bánh ở đây làm không xuể, vì ai đến với Lâm Bình cũng muốn được thưởng thức và mang về làm quà cho người thân.
Ngay khi Na Hang cùng với các địa phương trong tỉnh mở cửa du lịch trở lại, hàng bán bánh dày nhân vừng đen, bánh chuối, bánh củ chuối... ở chợ trung tâm thị trấn không có đủ hàng bán. Chị Hoàng Thị Hoa, một người bán hàng ở đây cho biết, nếu như trước đây, chỉ rằm tháng Bảy, rằm tháng Tám thường mới có bánh ăn, thì giờ chị làm quanh năm. Cuối tuần thường sẽ làm nhiều hơn ngày thường để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch muốn được thưởng thức món ngon của địa phương.
Thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Mới đây, Tân Lập cũng xây dựng một gian hàng bán các sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm như chè Tân Trào, chè Đồng Đài Hợp Thành, tinh bột nghệ Tiến Phát... rất thu hút khách. Đặc biệt, món bánh khảo Sơn Thủy của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh, xã Tú Thịnh là món “đắt khách” nhất.
Một trong những món ăn mà trên các trang đánh giá về du lịch Tuyên Quang thường xuyên nhắc đến là bánh cuốn. Khác với bánh cuốn người Hà Nội ăn với nước mắm Thanh Trì. Bánh cuốn ngon người Tuyên Quang ăn với nước xương hầm 4 - 5 tiếng thêm chút rau mùi, lá mùi tàu được cắt nhỏ. Cái ngon trong bánh cuốn gia truyền nằm ở chỗ phải “gia công” nhiều món ăn kèm. Hành tự phi, đu đủ tự bóp, dấm ớt tự pha theo ngày. Nhiều quán bánh cuốn nổi tiếng ở Tuyên Quang như bánh cuốn Minh “rạp” (gần rạp Tháng 8), bánh cuốn bà Lìn gần đền Cảnh xanh, bánh cuốn Xã Tắc, bánh cuốn Cầu Chả, bánh cuốn Thu Hợp (phường Phan Thiết)...
Vì sao bị bỏ ngỏ?
Với thế mạnh như vậy, nhưng Food tour ở Tuyên Quang vẫn còn là mảnh đất chưa được khai phá.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Sơn cho rằng, trên thực tế, Food tour ở Tuyên Quang đang được khai thác theo hình thức du lịch kết hợp, cùng với du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
Ẩm thực xôi ngũ sắc, nét đặc trưng xứ Tuyên.
Trước thế mạnh này, nhiều địa phương đã bắt đầu manh nha một số tour du lịch riêng theo hướng này, như tham quan vùng nuôi cá lồng ở Na Hang, Lâm Bình; du lịch nông nghiệp ở Hàm Yên; trải nghiệm cùng làm xôi ngũ sắc ở Lâm Bình; trải nghiệm cùng làm cơm lam ở Tân Trào, Sơn Dương... Tuy nhiên, chỉ một số tour có tính bền vững, còn lại một số tour mang tính thời vụ, theo mùa.
Một trong những lý do khiến việc xây dựng Food tour trở thành sản phẩm du lịch riêng biệt là tính đồng điệu trong ẩm thực của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo một khảo sát của tổ chức JICA (Nhật Bản), thì các món ăn địa phương của Tuyên Quang “na ná” nhau, cả về cách chế biến, hình thức và màu sắc.
Theo ông Lê Thanh Sơn, nguyên nhân chính là do hầu hết các chủ Homestay, chủ nhà hàng ở các điểm du lịch đều đi lên từ nông dân. Việc tìm kiếm một người nấu ăn giỏi về các khu vực này gần như rất hạn chế. Thêm vào đó, tại các khu, điểm du lịch mới nổi của tỉnh như Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Sơn Dương, chủ yếu đều là những khu vực có cùng một cộng đồng dân tộc sinh sống, như người Tày. Điều này khiến việc đồng điệu trong mùi vị, cách chế biến, các món ăn... là khó tránh khỏi.
Hướng đi
Một trong những điều khiến Food tour trở nên hấp dẫn và gần gũi hơn, là nhờ sự phát triển của các mạng xã hội. Facebook, Youtube và mới nhất nhưng lại dễ trở thành trào lưu nhất là Tiktok. Có khi chỉ cần một đánh giá từ một người dùng Tiktok, món ăn sẽ trở thành đặc sản và thành trào lưu “nhất định phải thử” của giới trẻ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Sơn cho biết: Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang dự kiến sẽ thí điểm chuỗi hoạt động quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ số tại 20 tỉnh, thành phố, trong đó có Tuyên Quang. Với các lợi thế về hạ tầng công nghệ, Tuyên Quang cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của đơn vị này. Mục tiêu của Tổng cục Du lịch là sẽ hỗ trợ 20 tỉnh, thành phố tạo nền tảng trên mạng xã hội Tiktok để quảng bá về ẩm thực, văn hóa, sản phẩm du lịch... của địa phương để gần gũi hơn với giới trẻ và có thể vươn tầm quốc tế dễ dàng hơn.
Thi ẩm thực tại xã vùng cao Hồng Thái (Na Hang).
Để sẵn sàng cho Lễ hội Thành Tuyên tái khởi động sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19 và lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố rà soát lại các cơ sở lưu trú, lữ hành, ẩm thực... đảm bảo các điều kiện để sẵn sàng đón khách du lịch. Các sản phẩm đồ ăn, uống, nông sản dự kiến hút khách du lịch, cần chủ động sản xuất, dự trữ, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Đối với chủ các homestay, các điểm ăn uống tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, khắc phục tình trạng đồng điệu và quá nhiều gây “bội thực” cho khách du lịch, ngành cũng hướng dẫn cách thức tiết giảm món ăn; đoán xu hướng ăn uống của từng khách để có thể phục vụ chu đáo, phù hợp nhất.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Sơn, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ có thể định hướng, còn việc phát triển những món ăn ngon, giữ chân du khách, và kéo khách quay trở lại nhiều lần sau đó, hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi cơ sở kinh doanh.
Gửi phản hồi
In bài viết