Bác dạy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

- Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành sắc lệnh trong đó ghi rõ: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”.  Sắc lệnh được ban hành đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản, bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên trong khôi phục vốn cũ Người căn dặn kỹ lưỡng: “nói là khôi phục vốn cũ thì nên khơi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra”, “cần xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục”. 

Người Dao Tiền xã Hồng Thái, Na Hang bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình trong nghệ thuật”, phải “chú ý phát huy cốt cách dân tộc”.  Người cho rằng, không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.

Năm 1961 trở lại thăm Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Bác căn dặn “Ngày nay, đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt”.

Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn quyết tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc riêng có của mình. Tỉnh lấy cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của 22 dân tộc để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch. Và ngày nay bản sắc ấy đang dần tỏa sáng.

Cụ thể tỉnh không theo đuổi chính sách phát triển kinh tế bằng mọi giá để đánh đổi lấy sự phai nhạt của bản sắc văn hóa dân tộc và ô nhiễm môi trường. Những bản làng, quần thể khu di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh vẫn phủ một màu xanh của rừng nguyên sinh. Ai đến Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa) vẫn cảm nhận được sự hoang dã, lãng mạn của chiến khu xưa. Độ che phủ rừng của Tuyên Quang lên trên 65% diện tích đất tự nhiên, đứng vào tốp đầu cả nước. Tỉnh dần khôi phục các lễ hội truyền thống của các dân tộc như lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ hội Đầm Mây dân tộc Dao quần trắng, lễ hội Đình làng Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan, lễ hội Rước Mẫu, đua thuyền trên sông Lô của dân tộc Kinh. Tỉnh coi trọng công tác bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán, tiếng nói, trang phục, kiến trúc của nhà cửa, ẩm thực của từng dân tộc.

Những năm gần đây tỉnh xác định “bản sắc văn hóa dân tộc” là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt là du lịch. Các làng văn hóa du lịch cộng đồng hay còn gọi là làng homestay được quy hoạch, bảo tồn, phát triển. Tiêu biểu như làng văn hóa du lịch thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); làng văn hóa du lịch thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình); làng văn hóa du lịch thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang). Các đội văn nghệ, câu lạc bộ đàn Tính, hát Then dân tộc Tày; múa màng, hát Páo dung dân tộc Dao; hát Sình ca dân tộc Cao Lan; hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu; múa Khèn của dân tộc Mông được phát huy. 

Những ngày này tỉnh đang long trọng kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến và khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2022. Làng văn hóa du lịch thôn Tập Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) và Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) được chọn để đặt hai sân khấu chính. Ngoài phần lễ, chương trình nghệ thuật của 2 sự kiện mang dấu ấn bản sắc xứ Tuyên. Điều đó khẳng định, tỉnh rất coi trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như lời Bác Hồ từng căn dặn. Để Tuyên Quang luôn phát triển bền vững, có nét riêng trong các tỉnh miền núi phía Bắc.    

 Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục