Kim Binh ngày mới

- Kim Bình (Chiêm Hóa) mỗi ngày một đổi thay. Mảnh đất cách mạng - tự hào là địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng cách đây hơn 7 thập kỷ - giờ đã tự tin khoác lên mình chiếc áo nông thôn đổi mới và hiện đại.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa).

Bài ca kết đoàn

Kim Bình là nơi được Bác Hồ, Trung ương Đảng lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của đất nước trong những năm kháng chiến. Mảnh đất này còn đặc biệt ở tấm lòng yêu nước kiên trung của những người dân nơi đây, họ đã cùng chở che, bảo vệ, tuyệt đối giữ bí mật và cùng đóng góp sức người, sức của để xây dựng căn cứ cách mạng.

Nà Loáng giờ xanh màu cọ, màu rừng. Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình đã được phục dựng nguyên mẫu với Hội trường Đại hội; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; lán ở của Bác Hồ; nhà bia tổng thể... Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho các hoạt động giáo dục truyền thống không chỉ riêng Tuyên Quang mà của đồng bào cả nước.

Phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống quê hương cách mạng, Kim Bình là một trong những xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới sớm nhất tỉnh và đang nỗ lực để hoàn thành nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Mô hình trồng chuối tiêu của người dân xã Kim Bình, Chiêm Hóa.

Vẫn là xã thuần nông, nhưng những mô hình sản xuất nông nghiệp của xã này đã không đơn thuần lúa, ngô, khoai, sắn nữa, mà tập trung hình thành những mô hình liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế lớn và bền vững hơn cho người nông dân.

Có được điều này, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình La Văn Thắng chia sẻ, là nhờ sự đoàn kết, chủ động vào cuộc từ chính những cán bộ xã. Hễ ở đâu có mô hình liên kết mới cảm thấy phù hợp với điều kiện địa phương, đội ngũ lãnh đạo xã lại tự tổ chức lên đường, thăm quan, học hỏi kinh nghiệm và ký hợp đồng liên kết sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Ma Đình Vũ cho biết, giờ ở Kim Bình, đã có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, phần lớn đều do cán bộ xã chủ động tìm kiếm, kết nối, như mô hình trồng chanh leo liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn NaFoods; mô hình trồng chuối tiêu liên kết với Công ty cổ phần Cát Tường; sản phẩm gấc được bao tiêu bởi Công ty TNHH Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (Vinaga)... Các mô hình sản xuất lớn của xã cũng không tự phát nữa, mà thành lập các hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi.

Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Ngọc Quang Hoàng Văn Điệp
(người đứng giữa) với mô hình trồng gấc.

Và những điểm sáng

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình do những thanh niên ở độ tuổi 8X làm chủ hiện là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiếm hoi ở huyện Chiêm Hóa. Giám đốc Hợp tác xã Cao Văn Phúc, sinh năm 1988.

Phó Giám đốc Lục Văn Thùy, sinh năm 1987 và Phó Chủ tịch UBND xã Hứa Văn Hậu, thành viên sinh năm 1986.

Phó Chủ tịch UBND xã Hứa Văn Hậu cho biết: Khi được đi tham quan, học tập kinh nghiệm, mọi người đều chú ý đến các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Kim Bình vốn là mảnh đất thuần nông, các mô hình trồng chuối tây, rồi trồng gấc, nuôi ốc bươu đen... đã bén duyên ở Kim Bình cả chục năm nay. Mình là người trẻ, muốn làm được điều gì đó thay đổi, nên tập trung học tập những mô hình nông nghiệp công nghệ cao để thay đổi phần nào tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng là mô hình sau nhiều chuyến đi, tìm tòi, học hỏi, các thành viên Hợp tác xã cảm thấy phù hợp hơn cả. Hiện vườn đã cho thu hoạch 2 lứa quả, sản phẩm làm ra đến đâu được thị trường chấp nhận đến đấy.

Chàng trai trẻ người Dao Lý Tiến Long, thôn Khuổi Pài, sinh năm 1991 đã từng có một thời gian đi làm việc tại Đài Loan với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Khi gia đình gặp biến cố, Long trở về quê lo chu toàn mọi chuyện và quyết định không quay trở lại nước bạn làm việc nữa mà ở quê làm trụ cột cho mẹ và gia đình.

Món nợ từ chuyến đi Đài Loan chưa trả hết, Long chọn chăn nuôi gà vì bỏ ít vốn nhất nhưng lại quay vòng tiền nhanh nhất. Quy mô chăn nuôi lúc đầu chỉ vài trăm con, rồi mở rộng lên 1.000 con, giờ là hơn 4.000 con. Long cười, mỗi lứa gà nhà mình có thể thu về 150-160 triệu đồng. Khi chăn nuôi đã ổn định, Lý Tiến Long kết hợp với anh Lã Quý Cảnh, chủ trang trại gà hơn 8.000 con ở thôn Ngọc Quang để thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi gà Kim Bình. Mục tiêu của 2 anh, là sẽ tạo ra một thương hiệu gà riêng biệt của Kim Bình và tham gia vào nhóm sản phẩm OCOP của xã.

Mô hình nuôi gà của chàng trai trẻ người Dao Lý Tiến Long, thôn Khuổi Pài, xã Kim Bình (Chiêm Hóa).    

Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Ngọc Quang Hoàng Văn Điệp cũng không chịu lùi bước sau giới trẻ. Từ 2.000m2 đất trồng gấc, mô hình nuôi ốc bươu đen và trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn, gà, bưởi của gia đình, ông Điệp nhân rộng ra nhiều gia đình trong thôn, trong xã. Ông Điệp chia sẻ, chỉ riêng cây gấc, giờ ở Kim Bình đã có hơn 80 ha. Toàn bộ sản lượng được ký hợp đồng với Công ty Vinaga ở Hải Dương bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông bảo, mình tự hào là người bộ đội cụ Hồ, lại sinh sống ở mảnh đất cách mạng Kim Bình, nên luôn phải tự răn mình sống gương mẫu, tiên phong trong mọi công việc.

Một trong những nhiệm vụ đột phá của Chủ tịch UBND xã Ma Đình Vũ năm 2022 là thành lập thêm ít nhất 2 hợp tác xã nữa. Ông Vũ cười, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ năm rồi, đó là Hợp tác xã Chăn nuôi gà Kim Bình và Hợp tác xã Trồng trọt và Chăn nuôi Kim Bình đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng để gia nhập thị trường. Chủ tịch UBND xã Kim Bình Ma Đình Vũ tự hào, mình ở đất cách mạng, mọi việc làm cũng phải thật cách mạng, thật chắc chắn, chắc thắng.

Tinh thần này, giờ lan tỏa khắp mảnh đất Kim Bình. Và người dân Kim Bình tự hào, với truyền thống của quê hương mình, sự đồng hành của chính quyền và tinh thần dám nghĩ dám làm của những người dân quê mình, con đường để vững bước về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đang dần gần lại.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục