“Sống là cho...”

- Gần 20 năm làm nhân viên y tế thôn bản, bước chân của chị Lý Thị Thanh (trong ảnh) đã thuộc lối vào nhà của 70 hộ dân thôn Lay, xã Hùng Lợi (Yên Sơn). Tuyên truyền, vận động sinh đẻ có kế hoạch, hẹn lịch tiêm chủng cho từng cháu, rồi vận động bà con xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh... chị Thanh cứ cần mẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, sao cho sức khỏe của bà con được chăm sóc tốt nhất.

 

Mưa dầm, thấm lâu

Những nếp nhà của người Mông, người Dao ở thôn Lay nằm xen kẽ nhau. Chị Thanh thuộc từng nhà, thuộc tính từng người trong lòng  bàn tay.

Chị bảo, ở Lay, đồng bào vốn quen nếp sống cũ, thuận tự nhiên, việc sinh đẻ cũng như vậy. “Trời cho đến đâu mình sinh đến đấy chứ!” - Mỗi lần đi vận động các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch, chị lại nghe cái lý như vậy.

Ban đầu cũng ngại lắm. Chị Thanh là người dân tộc Dao, cả thôn 70 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc. Những chuyện tế nhị như quan hệ vợ chồng, bà con còn chẳng dám nói to, nói gì đến chuyện quan hệ an toàn. Nhưng nếu mình cứ ngại, thì rồi đất đâu mà ở, lũ trẻ sinh ra lấy đâu ra cơm để ăn, cái chữ để học...

Nghĩ thế, nên chị chuyển sang tỉ tê với các chị vợ. “Mình đẻ nhiều, vừa không có thời gian đi làm, rồi lại nghèo mãi thôi, con cái mình cũng khổ theo”. “Mình đẻ nhiều rồi sức khỏe mình cũng không có, mình già nhanh hơn, chồng nó lại chán”. Rồi chị lên trạm, đem thuốc tránh thai về phát cho từng nhà, chị nào muốn đặt vòng, chị đến tận nhà chở ra trạm xá, xong thủ thuật lại đưa về.

Ở thôn Lay, chuyện sinh bằng được con trai vẫn còn nặng nề với bà con. Nhà nào sinh con một bề, cũng muốn sinh thêm bằng được một đứa nữa, rồi lại một đứa nữa.

Như nhà Hoàng Thị Pình, sinh năm 1998, năm nay mới 25 tuổi, nhưng đã lưng địu tay bế 4 cô con gái, đứa lớn nhất mới học mẫu giáo, đứa nhỏ còn đang cõng trên lưng. 5 năm lấy chồng, 4 đứa con lần lượt ra đời, cơ thể Pình quắt lại như cái cây trên rừng đã bị vắt cạn sức sống. Nhưng Pình bảo, chồng vẫn muốn đẻ nữa đấy. Đẻ để có thằng con trai.

Nhìn Pình, chị Thanh xót ruột quá. Cỡ tuổi con gái chị, mà Pình trông như đàn bà ngoài 30. Ngày nào chị cũng tranh thủ sang nhà Pình, khuyên em nên đi đặt vòng, hay sử dụng thuốc tránh thai để đợi lũ trẻ lớn lên đã, để người mẹ còm cõi ấy có thời gian hồi phục sức khỏe đã... Rồi tranh thủ gặp chồng Pình, chị Thanh bảo, cứ đẻ thế rồi chẳng còn vợ nữa nhé, phải biết thương vợ thương con chứ! Chị Thanh bảo, nói mãi, hôm vừa rồi, chồng Pình đồng ý cho vợ đi đặt vòng rồi.

Chị Thanh bảo, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở thôn Lay giảm dần rồi, như năm vừa rồi chỉ còn có 1 hộ thôi. Thôi thì mình cứ mưa dầm thấm đất, tuyên truyền, vận động dần rồi bà con cũng nghe thôi. Chị cười khoe thành quả, năm vừa rồi, đã có mấy cặp vợ chồng đi tiêm thuốc tránh thai rồi đấy.  

Chị Thanh vận động chị em phụ nữ sử dụng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch.

Không ngại việc khó

Một trong  những kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị Lý Thị Thanh là ca đỡ đẻ ngay bờ suối Lay cho một sản phụ đang trên đường ra trạm xá sinh con. Hôm đấy vừa đi làm ruộng về, thấy sản phụ đã vỡ ối và có dấu hiệu sinh con, chị Thanh vừa sợ vừa cuống. Vận dụng hết kiến thức vừa được học ở lớp đào tạo cô đỡ thôn bản, chị Thanh cũng đỡ đẻ thành công. Nhưng đứa trẻ sinh ra bị ngạt, toàn thân tím tái, không khóc, chị dốc ngược đứa trẻ lên, vỗ mạnh vào mông. Vài phút sau, tiếng khóc của trẻ vang cả dòng suối Lay, cả sản phụ, cả người đỡ như trút được gánh nặng, nước mắt lẫn trong tiếng cười hạnh phúc.

Ở thôn Lay, chị Thanh giống như mẹ đỡ đầu của các sản phụ. Là bởi lúc các chị, các em mang thai, chị Thanh đến hỏi han, hướng dẫn cách ăn uống sao cho có đủ dinh dưỡng, rồi nhắc thời gian đi khám thai định kỳ.

Chẳng thế mà mỗi lần có người đi đẻ, bất kể đêm hôm, tiếng cửa nhà chị Thanh lại bị đập thình thình, để gọi bằng được cô đỡ thôn bản cùng đưa đến viện... cho yên tâm.  

Có hôm đang đi đám ma trong làng, người nhà của gia chủ đột nhiên kêu đau đầu dữ dội và có biểu hiện co giật, chị Thanh chạy vội về nhà lấy máy đo huyết áp, nhưng người nhà nhất định không cho đo. Họ bảo không phải đo đâu, “con ma” nó muốn về thăm nhà đấy, phải gọi thầy về lấy nó ra chứ, bác sĩ không lấy nó ra được đâu...

Chị Thanh bảo, cứ để chị đo huyết áp trước đã, rồi nếu không phải do huyết áp tăng thì mình tính sau. Sau khi đo, huyết áp của người bệnh tăng trên 200, chị Thanh gọi điện cho Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nguyễn Thị Mỵ xin hướng dẫn. May mắn, người bệnh được cho thuốc  uống kịp thời, không để lại biến chứng gì.

Với chị Thanh, việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân thôn Lay vẫn còn nhiều việc phải làm lắm. Như câu chuyện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Vận động thế nào, bà con cũng bảo khó làm lắm, không đủ tiền để làm đâu. Nhà chị Thanh bắt tay vào làm trước, nhà ở kiên cố, công trình phụ sạch sẽ. Rồi đến nhà Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, nhà các đảng viên... Nhà nào hoàn thành, chị Thanh cũng gọi bà con đến để hướng dẫn, rồi tính chi phí cụ thể để bà con không sợ đắt, không sợ không có tiền để làm.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hùng Lợi Nguyễn Thị Mỵ chia sẻ, nếu không có những  nhân viên y tế thôn bản như chị Lý Thị Thanh, thì áp lực chăm sóc sức khỏe nhân dân với cán bộ, nhân viên trong trạm sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Họ như cánh tay nối dài, thông tin 2 chiều về tình trạng sức khỏe của người dân đến với nhân viên y tế.

Thế nên, ở Hùng Lợi, những nhân viên y tế thôn bản như chị Lý Thị Thanh vẫn động viên nhau luôn hết lòng vì công việc, là bởi, với họ: “Sống là cho đâu chỉ  nhận riêng mình!”.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục