Khát vọng cống hiến

- Luôn rực cháy trong tim một khát vọng - khát vọng cống hiến cho nghề, cho nhân dân là điều mà chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao được tuyển dụng và thu hút về công tác tại tỉnh.

“Người dân cần mình lắm!”

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thế Giang, 32 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa Đại học Y Dược Hải Phòng được thu hút về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên năm 2021 theo chính sách thu hút của tỉnh. Hiện nay, anh đang làm việc tại Khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh của Trung tâm.

Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Trọng Thủy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng các đồng nghiệp trao đổi chuyên môn.

Là người con của Hàm Yên nên lý do đầu tiên để anh gắn bó với công việc tại nơi này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sau khi học xong Đại học, anh đã khước từ nhiều lời mời hấp dẫn với thu nhập cao về các bệnh viện lớn của Trung ương. Trước khi về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên, bác sĩ Giang từng có vài tháng thực tập tại đây.

Anh kể: “Khi mình về thực tập tại Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên vào thời điểm 2014, Trung tâm chỉ có khoảng chục bác sĩ. Khối lượng bệnh nhân đông, bác sĩ thiếu, tiếp xúc với người bệnh, mình cảm thấy người dân cần mình lắm. Khi mình hết thời gian thực tập, trở lại trường cảm thấy nơi ấy thực sự thiếu vắng. Vì vậy, mình quyết định sau khi học xong sẽ quay trở lại Trung tâm làm việc và phục vụ cho người dân quê mình”. Đây là lý do chính để bác sĩ Giang bao năm qua luôn quyết tâm và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ công tác tại Trạm Y tế huyện Hàm Yên, đồng thời có nhiều đóng góp xây dựng và phát triển Khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh của Trung tâm lớn mạnh như hiện nay.

Kỹ thuật viên Triệu Thị Kim, 26 tuổi, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương loại giỏi cũng được thu hút về công tác tại Bệnh viện Y dược cổ truyền theo chính sách thu hút của tỉnh. Chị hiện đang công tác tại Khoa châm cứu - dưỡng sinh phục hồi chức năng của bệnh viện. Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh thoăn thoắt, uyển chuyển, chị Kim ân cần đỡ bệnh nhân Mông Văn Cắm, bị tai biến vào chỗ ngồi để điều trị bằng máy từ trường siêu dẫn. Chị nói nhẹ nhàng: “Ông ngồi xuống đây nhé, ông có thấy dễ chịu không?”, “Tay ông đỡ rồi đấy”… Câu chuyện với chúng tôi bắt đầu khi chị Kim đỡ bệnh nhân về phòng bệnh. Chị bảo: “Mình sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Côn Lôn (Na Hang) - nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên ra trường, mình chỉ có một mong muốn quay về giúp đỡ bà con mình”. Câu trả lời mộc mạc nhưng chứa đựng sau đó là cả một khát vọng lớn lao của cô gái trẻ với quê hương.

Kỹ thuật viên Triệu Thị Kim, Bệnh viện Y Dược cổ truyền Tuyên Quang điều trị cho bệnh nhân bị tai biến bằng máy từ trường siêu dẫn.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút được 33 bác sỹ đa khoa, kỹ thuật viên tốt nghiệp loại khá, giỏi trở lên được đào tạo tại các trường Đại học Y Dược cả nước được phân công đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế. Cũng từ năm 2020 đến năm 2022, ngành Y tế đã cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn sau đại học như chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ đối với 50 cán bộ, y, bác sĩ. Lực lượng này sau khi được đào tạo nâng cao trình độ và được thu hút về công tác tại tỉnh đã có nhiều cống hiến, đóng góp đáng kể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Bác sĩ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá, những cán bộ, y, bác sỹ được cử đi đào tạo nâng cao trình độ và được thu hút về tỉnh công tác đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm đối với các đồng nghiệp. Đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề còn hạn chế như xử trí các ca bệnh khó, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khám, điệu trị bệnh mà trước đây tại các cơ sở y tế chưa thực hiện được. Điều này đã tăng niềm tin của người bệnh vào đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ trong tỉnh, giảm việc phải chuyển tuyến.

Học không có điểm dừng

Nghề Y là một nghề vô cùng cao quý bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Các y, bác sỹ nếu giỏi tay nghề, vững chuyên môn có thể cứu sống cả một người mang bệnh trọng, nhưng nếu không vững chuyên môn có thể “sểnh một ly đi rất nhiều dặm”, thậm chí làm nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Cán bộ Bác sỹ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trao đổi nghiệp vụ.

Do đó, đòi hỏi các y, bác sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên làm trong ngành Y luôn luôn phải tự học, học không có điểm dừng để dung nạp, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ sách vở, đồng nghiệp, thực tiễn công tác và trong đời sống. Đây là chia sẻ của Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Trọng Thủy, hiện đang công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trên bàn làm việc của bác sĩ Thủy luôn là những cuốn sách về y khoa, về sản mà bất cứ rảnh khi nào, niềm vui của anh là những cuốn sách.

Sau khi học xong chuyên khoa I, bác sĩ Thủy lại xung phong đi học chuyên khoa II, chuyên ngành sản. Sau khi hoàn thành chuyên khoa II, đến nay, Bác sĩ Thủy đã tham mưu cho lãnh đạo khoa triển khai nhiều phương pháp mới trong công tác khám, chữa bệnh, thực hiện thành công nhiều kỹ thuật phẫu thuật khó mà trước đây chưa thực hiện được như: kỹ thuật cắt tử cung nội soi bán phần, toàn phần; phẫu thuật nội soi buồng tử cung can thiệp và điều trị, phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng… Đặc biệt, anh còn tham mưu với lãnh đạo khoa phối hợp với các khoa khác đỡ đẻ thành công những ca đẻ khó do mẹ mắc các bệnh lý về tim mạch, rau bong non, rau tiền đạo, tiền sản giật.

Việc thường xuyên học tập  nâng cao trình độ chuyên môn đối với Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Thị Thúy Tình, hiện đang công tác tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng được ví như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Không chỉ đi đầu trong việc học chuyên khoa II, chị Tình còn thường xuyên đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn tại các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao tay nghề. Nhờ tinh thần ham học hỏi, bác sĩ Tình cũng đã góp phần giúp khoa nghiên cứu sâu để rồi triển khai thành công nhiều phương pháp mới, khó, phát hiện một số bệnh nội tiết như: U tuyến thượng thận, u tuyến yên, suy giáp, các biến chứng của bệnh đái tháo đường, hội chứng Conn (Hội chứng tăng aldosteron nguyên phát). Đặc biệt, chị còn triển khai các kỹ thuật mới tại khoa như: chọc tế bào tuyến giáp kim nhỏ dưới siêu âm, nghiệm pháp tăng đường huyết để chẩn đoán sớm đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thế Giang, Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên xem xét kết quả chụp cắt lớp vi tính.

Bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Phù Hương, xã Bạch Xa (Hàm Yên) cho biết, trước đây, khi chồng bà bị tai biến, gia đình bà đã xin chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến Trung ương, nhưng nay, khi chồng bà bị tai biến lần thứ 2, bà đã yên tâm hơn, đưa chồng vào Bệnh viện Y Dược cổ truyền điều trị mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Những tấm gương như bác sĩ Giang, bác sĩ Thủy, bác sĩ Tình và kỹ thuật viên Kim còn rất nhiều trong hàng ngàn cán bộ, y, bác sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên đang ngày đêm cống hiến, phục vụ, chăm sóc người bệnh, đóng góp cho ngành Y tế ngày càng phát triển. Khát vọng được cống hiến và khẳng định sẽ là sức mạnh giúp các y, bác sỹ, những người đang công tác trong ngành Y vượt qua mọi gian nan, tiến bước tới thành công.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục